Điểm sáng giải ngân vốn giao thông

09/08/2022

Đến nay, toàn dự án đạt hơn 92% kế hoạch, cơ bản đáp ứng tiến độ điều chỉnh của Bộ GTVT. Trong đó, công tác giải ngân đạt hơn 85% kế hoạch vốn.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, Bộ GTVT là điểm sáng về giải ngân vốn đầu tư công.

Đây cũng là Bộ có số vốn đầu tư công lớn nhất. Thực tế cho thấy, đây chính là kết quả từ những giải pháp quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, nỗ lực của các chủ đầu tư, nhà thầu thi công.

Từ tháng 3/2022 đến nay, các chủ đầu tư/ban QLDA đã nỗ lực, đưa kết quả giải ngân luôn cao hơn mức giải ngân trung bình của cả nước từ 8 - 10%. (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45). Ảnh: Tạ Hải

Khối lượng thi công đến đâu, giải ngân đến đó

Đầu tháng 8, trên công trường dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, nhịp điệu thi công toàn tuyến diễn ra hối hả. Không chỉ tăng tốc thi công, công tác nội nghiệp thanh quyết toán được Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đôn đốc triển khai quyết liệt.

Ông Nguyễn Thành Vinh, Trưởng phòng Dự án 5, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (phụ trách gói thầu XL4, XL8, XL9) cho hay, sản lượng thi công lớn, đòi hỏi các nhà thầu tăng cường cán bộ nội nghiệp, hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán để giải ngân, tạo dòng vốn đối lưu trên công trường.

Theo ông Nguyễn Đình Thảo, Phó tổng giám đốc Công ty Dacinco, trung bình đoạn tuyến nhà thầu triển khai mỗi tháng đạt 7 tỷ đồng. Bình thường, mỗi tháng nhà thầu trình hồ sơ để thanh toán 1 lần vào thời điểm sau ngày 20. Nhưng khi cần, chủ đầu tư hỗ trợ thanh toán 2 lần/1 tháng.

Ông Lê Văn Sáu, Phó giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho hay, đây cũng chính là một trong những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các gói thầu nói riêng và toàn dự án nói chung.

“Chủ trương là khối lượng thi công đến đâu công tác hoàn công đến đó để kịp thời nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu có dòng vốn xoay vòng”, ông Sáu nói.

Theo ông Sáu, không chỉ nhà thầu tăng cường cán bộ nội nghiệp, phía Ban QLDA cũng tăng cường các ca, thời gian làm việc của các cán bộ kỹ thuật hiện trường để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Đến nay, toàn dự án đạt hơn 92% kế hoạch, cơ bản đáp ứng tiến độ điều chỉnh của Bộ GTVT. Trong đó, công tác giải ngân đạt hơn 85% kế hoạch vốn. Từ đầu năm 2022 đến nay, dự án đã giải ngân gần 660 tỷ đồng.

Tại dự án Mai Sơn - QL45, ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành Dự án (thuộc Ban QLDA Thăng Long) cho biết, việc giải ngân vốn tính đến nay đảm bảo kế hoạch giao.

Để đạt được điều này, thời gian qua Ban yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh công tác thi công, làm hồ sơ thanh toán kịp thời các khối lượng đủ điều kiện để thanh toán.

“Quá trình làm hồ sơ thanh toán thì kịp thời trao đổi giải quyết các vướng mắc ngay tại chỗ, không để dây dưa. Đồng thời, chúng tôi quy định thời gian cụ thể làm hồ sơ của các bộ phận để theo dõi chặt đường đi của hồ sơ thanh toán”, ông Long cho biết.

Cụ thể, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện dự án, chủ đầu tư cùng các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công họp bàn và thống nhất báo cáo khối lượng theo thời gian quy định để hoàn thiện các hồ sơ thanh toán.

“Tổng thời gian kể từ khi nhà thầu xuất hồ sơ cứng là 7 ngày ra đến kho bạc, chưa tính thời gian vận chuyển giữa các bước”, ông Long nói và cho biết thêm, nếu khối lượng làm xong trong 1 ngày thì các bên sẽ tiến hành thẩm định, cùng lập biên bản ẩn giấu.

Khi làm các hồ sơ thanh toán thì chỉ cần lấy các hồ sơ ẩn giấu ra để làm nhanh các bước tiếp theo cho việc giải ngân đúng, kịp thời. Để làm được điều đó, tư vấn giám sát, nhà thầu, chủ đầu tư phải có người chuyên theo dõi làm công việc này.

Hiện trên toàn dự án đang triển khai 68 mũi thi công tại 5 gói thầu gồm 30 mũi thi công đường, 34 mũi thi công cầu và cấu kiện, 04 mũi thi công hầm. Tổng sản lượng thi công đến nay đạt 4.807,10 tỉ đồng, tương đương 58,56% giá trị xây lắp theo hợp đồng (7.011,47 tỉ đồng).

Dự án đã hoàn thành công tác giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn các năm 2019, 2020, 2021 đã được Bộ GTVT giao. Năm 2022, Dự án được Bộ GTVT giao 3.000 tỷ đồng kế hoạch vốn. Đến nay, dự án đã giải ngân được 1.670,80 tỉ đồng tương đương 55,69%, đáp ứng kế hoạch giải ngân chi tiết đã đăng ký với Bộ GTVT

Đẩy nhanh thủ tục thanh toán

Các thủ tục nghiệm thu, thanh toán được đẩy nhanh, thậm chí Ban quản lý dự án cùng nhà thầu kiểm tra tại công trường đạt chất lượng là cho nghiệm thu luôn, các thủ tục làm song hành, rút ngắn hơn một nửa thời gian nghiệm thu, thanh toán so với trước. Đó là những gì đã và đang diễn ra tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Tại gói thầu XL4 có chiều dài đến gần 50km, nhiều tháng trước ở mức báo động về tiến độ. Tuy nhiên, đến giữa tháng 7 gói thầu đã giải ngân được hơn 1.245/2.857 tỷ đồng (đạt 43,59%).

“Để tăng sản lượng cũng như đẩy tiến độ giải ngân, Ban điều hành theo dõi sát sao việc triển khai thi công trên công trường, bắt buộc các nhà thầu lập tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ”, ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho hay.

Ông Nguyễn Công Ý, Giám đốc điều hành gói thầu XL4 cho biết, Ban QLDA 7 đã có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân hỗ để trợ nhà thầu chính được thanh toán nhanh hơn trước để chi trả cho nhà thầu phụ.

Trung bình quy trình hiện tại sau khi hoàn thiện thủ tục, dòng tiền thanh toán về công ty nhanh hơn trước khoảng 1 tháng. Một số thủ tục có thể hoàn thiện sau, cho nhà thầu nợ rồi thanh toán luôn, từ đây dòng tiền về nhà thầu sẽ nhanh hơn.

“Nếu đủ 100% thủ tục như quy trình chắc chắn việc thanh toán sẽ chậm hơn 1 tháng. Ví dụ, sản xuất cấu kiện bê tông theo quy trình cũ từ 14 hoặc 28 ngày mới được nghiệm thu xong, sau đó mới thanh toán. Nay, khi chủ đầu tư kiểm tra cấu kiện đủ cường độ, chất lượng, đủ tiêu chuẩn sẽ được nghiệm thu luôn nên giờ chỉ cần khoảng 10 ngày là tiền về đến nhà thầu”, ông Ý nói.

Ông Nguyễn Quang Thức, Chỉ huy trưởng thi công của Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập (thuộc Liên danh Đạt Phương - Thăng Long - Tự Lập) thi công gói thầu XL1 cho biết, các cấu kiện bê tông đúc sẵn trước đây trung bình hoàn thiện thủ tục mất gần 1 tháng, hiện nay chỉ khoảng 10 ngày là có thể nghiệm thu, thanh toán.

Ông Phạm Quốc Huy cho rằng, muốn tăng giá trị giải ngân thì cần phải thúc đẩy tiến độ thi công, nghiệm thu, thanh toán.

Để làm được việc này, Ban QLDA 7 đã tăng cường nhân sự của các phòng nghiệp vụ ở công trường, kịp thời xử lý, điều chỉnh phát sinh trong quá trình thi công; điều chỉnh phụ lục hợp đồng, tách phần sản xuất và lắp đặt để thanh toán trước phần sản xuất đối với các cấu kiện bán thành phẩm như dầm, dải phân cách giữa…

Đến cuối tháng 7, giá trị sản lượng xây lắp của dự án đạt gần 2.800/6.065 tỷ đồng, đạt 46,2% giá trị hợp đồng.

Không để dồn kế hoạch vào cuối năm

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT cho biết, để công tác giải ngân đạt được kết quả đúng kỳ vọng, ngay sau khi có quyết định giao kế hoạch vốn, Bộ GTVT đã đã ban hành Chỉ thị số 01 với những nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân rất cụ thể cho từng đối tượng: Chủ đầu tư, ban QLDA, các cơ quan tham mưu của Bộ.

Trong đó, yêu cầu các đơn vị, đặc biệt là các chủ đầu tư/ban QLDA xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết hàng tháng, thường xuyên phối hợp với Cục, Vụ chuyên môn rà soát khối lượng thực hiện.

Để tạo động lực trong công tác giải ngân, lãnh đạo Bộ GTVT luôn yêu cầu các chủ đầu tư/ban QLDA phấn đấu mục tiêu tỷ lệ giải ngân hàng tháng phải cao hơn từ 8 - 10% so với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân cả nước.

“Nguyên tắc đặt ra là không để dồn kế hoạch vào cuối năm. Việc triển khai thi công thuận lợi lúc nào phải dồn lực làm ngay lúc đó.

Liên quan đến các dự án do ban QLDA của Bộ GTVT làm chủ đầu tư, lãnh đạo Vụ KH-ĐT cho biết, xác định có khối lượng hiện trường mới tạo ra được giá trị giải ngân, các biện pháp chấn chỉnh nhà thầu cũng được thực hiện liên tục.

Với những nhà thầu chậm, Bộ GTVT đã yêu cầu các Ban QLDA căn cứ quy định hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu, kiên quyết điều chỉnh khối lượng của nhà thầu yếu cho nhà thầu có tiến độ triển khai tốt.

“Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết là một ví dụ với 21 km khối lượng của các nhà thầu yếu đã bị cắt chuyển”, lãnh đạo Vụ KH-ĐT nói và cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, những chủ đầu tư/ban QLDA không hoàn thành kế hoạch giải ngân được phân bổ cũng sẽ bị xem xét không giao nhiệm vụ quản lý dự án tại các dự án mới do Bộ quản lý.

Hết tháng 8, giải ngân hơn 23.000 tỷ đồng

Tính đến hết tháng 7/2022, Bộ GTVT đã giải ngân được hơn 19.600/50.328 tỷ đồng. Mục tiêu đến hết tháng 8/2022, khối lượng giải ngân đạt hơn 23.000 tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Để giải ngân hết hơn 30.700 tỷ đồng còn lại, Bộ GTVT đang tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư/ban QLDA đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục, sớm khởi công một số dự án, thủ tục bố trí vốn GPMB cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Đồng thời, tranh thủ thời tiết thuận lợi tổ chức thi công 3 ca tại hiện trường tại các dự án trọng điểm, đặc biệt là 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có kế hoạch về đích trong năm 2022.

Mỗi năm phải giải ngân 80.000 tỷ đồng

Theo kế hoạch phân bổ ban đầu, giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch vốn trung hạn của Bộ GTVT được Quốc hội thông qua là 304.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, triển khai quyết định phân cấp của Chính phủ về triển khai dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô và 3 dự án cao tốc trọng điểm: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Bộ GTVT sẽ điều chuyển vốn cho địa phương thực hiện dự án thành phần. Cộng với nguồn vốn được bố trí từ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, kế hoạch vốn trung hạn của Bộ GTVT được điều chỉnh lên khoảng 320.000 tỷ đồng.

Trong năm 2021, khối lượng giải ngân của Bộ đạt 43.000 tỷ đồng, năm 2022 là năm được giao kế hoạch giải ngân lớn nhất từ trước đến nay, khoảng 50.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, áp lực trong 3 năm còn lại là rất lớn, bình quân mỗi năm Bộ GTVT cần phải giải ngân khoảng 80.000 tỷ đồng.

Nghiên cứu thí điểm tách GPMB khỏi dự án đầu tư

Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng năm 2022 đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (36,71%).

Có 3 Bộ và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40%; có 36/51 Bộ và 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%, trong đó có 26 Bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15% (có 1 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn).

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, qua làm việc với các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, Bộ KH&ĐT nhận diện có khoảng 21 tồn tại thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có phân thành 3 nhóm chính.

Vướng mắc đầu tiên liên quan đến thể chế, chính sách, khó khăn chủ yếu về lĩnh vực đất đai; TN&MT; lĩnh vực ngân sách Nhà nước và công sản; xây dựng; lĩnh vực đấu thầu; lĩnh vực đầu tư công.

Vướng mắc khác liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện. Chất lượng chuẩn bị dự án thấp, việc khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt.

Hơn nữa, các cấp, các ngành và người đứng đầu các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án đã và đang triển khai.

Ngoài ra, còn có khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022. Đây là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, song thực chất là năm đầu tiên, do kế hoạch mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021; cũng là năm các Bộ, địa phương bắt đầu khởi công mới nhiều dự án, nên thông thường thường cần từ 6- 8 tháng hoàn tất thủ tục.

Trước thực tế đó, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng, các đơn vị liên quan cần xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương có liên quan nghiên cứu sửa tổng thể các luật có liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công (một Luật sửa nhiều Luật); Bộ TN&MT nghiên cứu, tiếp thu các vướng mắc về đất đai theo phản ánh của các địa phương trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai….

Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Hồng Hạnh

Nhóm phóng viên

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/diem-sang-giai-ngan-von-giao-thong-d562003.html