Nhà thầu rủi ro vì địa phương chậm công bố giá xây dựng

05/05/2022

05/05/2022
Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc địa phương chậm công bố chỉ số giá xây dựng, chưa sát với giá thị trường, chưa xem xét đến cung - cầu thị trường… khiến công tác lập, quản lý chi phí xây dựng gặp nhiều khó khăn, đẩy nhà thầu vào rủi ro.

Giá công bố không sát thị trường

Theo quy định của Luật Xây dựng, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xác định, công bố giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng tại địa phương, bảo đảm kịp thời với những biến động giá trên thị trường xây dựng.

Theo phản ánh của ông Hoàng Anh (Tổng Công ty tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải - TEDI), việc công bố giá đến chân công trình của các địa phương còn chậm, đa số theo quý, chưa sát với diễn biến thị trường. Danh mục công bố còn thiếu nhiều loại vật liệu xây dựng chủ yếu.

Đề xuất chủ đầu tư xác định chỉ số giá xây dựng cho cao tốc Bắc-Nam

Đáng chú ý, hầu hết địa phương công bố giá vật liệu trên cơ sở tham khảo báo giá của nhà cung cấp trên địa bàn mà chưa xem xét đến cung - cầu thị trường. Khi có dự án lớn hoặc nhiều dự án triển khai cùng lúc, các nhà cung ứng vật liệu lợi dụng tình hình để tăng giá, trục lợi. Việc này khiến công tác lập, quản lý chi phí xây dựng gặp nhiều khó khăn, đẩy nhà thầu vào rủi ro khi giá vật liệu bùng phát tăng tại thời điểm thực hiện dự án.

Ông Phùng Tiến Thành, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, chỉ số giá xây dựng có địa phương công bố theo quý, có địa phương một năm công bố một lần khiến nhà thầu chỉ mong bớt lỗ chứ không dám nghĩ đến lãi. Ông Thành lấy ví dụ dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo được phê duyệt điều chỉnh dự toán để đấu thầu vào tháng 9.2020, đến cuối năm 2021 mới ký được hợp đồng. Trong khoảng thời gian đó giá thép biến động “kinh khủng”, nhà thầu “đã tiết kiệm đủ thứ” nhưng cũng “không bù đắp nổi”.

Chưa áp dụng chỉ số giá xây dựng quốc gia cho điều chỉnh hợp đồng

Theo Luật Thống kê, từ năm 2022, Bộ Xây dựng là đơn vị chủ trì công bố chỉ số giá xây dựng quốc gia. Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng Đàm Đức Biên cho biết, trong năm đầu thực hiện, độ tin cậy và các danh mục vẫn còn hạn chế, do vậy Cục kiến nghị với lãnh đạo Bộ Xây dựng trước mắt chỉ số này chỉ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và chưa áp dụng cho điều chỉnh hợp đồng.

Theo công bố của Bộ Xây dựng tháng 3.2022, chỉ số giá xây dựng công trình bình quân của cả nước năm 2021 tăng 105,39% so với năm 2020.

Các cơ quan chuyên môn Bộ Xây dựng xác nhận một số địa phương chậm trễ trong thực hiện quy định công bố giá các yếu tố đầu vào của công trình xây dựng (vật liệu, nhân công, máy thi công và chỉ số giá xây dựng); thậm chí, một số địa phương chưa công bố.

Cụ thể, đến giữa tháng 3.2022, hầu hết các tỉnh công bố giá vật liệu đến tháng 12.2021 hoặc quý IV.2021; chỉ có 6 tỉnh công bố giá tháng 1.2022 hoặc quý I.2022 (Yên Bái, Phú Yên, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Cần Thơ, Hậu Giang); và vẫn còn địa phương mới công bố giá đến quý III.2021 như Lào Cai, Hòa Bình, Hà Nội.

Bên cạnh đó, mặc dù hầu hết các tỉnh công bố giá nhân công nhưng có 55 tỉnh công bố đơn giá cho năm 2021 theo cơ cấu nhóm nhân công mới quy định tại Thông tư 13/2021/TT-BXD; vẫn còn 8 tỉnh công bố đơn giá nhân công năm 2020 và có hướng dẫn chuyển đổi xác định đơn giá nhân công tại Thông tư 13/2021/TT-BXD. Về giá máy và thiết bị thi công, chỉ có 44 tỉnh công bố giá cho năm 2022 và 19 tỉnh vẫn công bố đơn giá cho năm 2020.

Cũng theo Bộ Xây dựng, hầu hết các tỉnh công bố chỉ số giá xây dựng theo quý, trong đó có 45 tỉnh công bố chỉ số giá quý IV.2021, 36 tỉnh mới công bố chỉ số giá đến quý III.2021. Đáng chú ý, có 7 địa phương chưa công bố chỉ số giá trong năm 2021 (TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Khánh Hòa, Kiên Giang, Thanh Hóa, Vĩnh Long, Thanh Hóa).

Ai xác định chỉ số giá xây dựng cao tốc Bắc - Nam?

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Bình Định có 3 dự án thành phần, trong đó 1 dự án nằm trên địa bàn Bình Định, 2 đoạn còn lại thuộc Quảng Ngãi và Phú Yên. Nếu từng địa phương công bố chỉ số giá thì sẽ dẫn đến chênh lệch, gây khó khăn cho chủ đầu tư trong quản lý chi phí, quản lý hợp đồng. Ông Hoàng đề xuất, với các gói thầu của dự án cao tốc Bắc - Nam, nên giao cho chủ đầu tư tổ chức xác định chỉ số giá xây dựng hàng tháng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Cùng quan điểm, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng cần xây dựng chỉ số giá riêng cho các dự án cao tốc, vì các dự án này giải ngân lượng vốn rất lớn trong thời gian ngắn. Ví dụ 2 dự án Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây, theo công bố giá và chỉ số giá của các địa phương, nếu điều chỉnh theo công thức trong hợp đồng thì giá trị dự án tăng 5 - 7%; nhưng tính theo trượt giá thực tế thì tăng 17 - 18%. Nếu không có giải pháp kịp thời, các nhà thầu sẽ hụt vốn rất nhiều để đẩy nhanh được tiến độ.

Thiếu dữ liệu để dự trù chi phí dự án

Theo ông Đàm Đức Biên, Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng), giá cả vật liệu xây dựng chủ yếu thời gian qua nhiều biến động, tăng mạnh và khó dự báo. Trong khi đó, việc công bố giá và chỉ số giá xây dựng của hầu hết các địa phương đều có “độ trễ” hơn so với diễn biến thị trường. Điều này dẫn đến thiếu dữ liệu để tính toán, dự trù chi phí các dự án và điều chỉnh giá trong công tác thanh toán, quyết toán hợp đồng các gói thầu đang triển khai.

Để giải quyết khó khăn này, doanh nghiệp đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương công bố giá xây dựng minh bạch, công khai, kịp thời, phù hợp với cơ chế thị trường. Các địa phương thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung các loại vật liệu chủ yếu, thiết bị công trình phổ biến vào danh mục để công bố. Đối với các loại vật liệu chủ yếu, biến động nhiều thì cần tổ chức xác định, công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng, hàng tuần. Các địa phương đồng thời nâng cao chất lượng dự báo về khả năng cung - cầu trên địa bàn, về biến động giá các vật liệu xây dựng chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong chí phí đầu tư xây dựng…

Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản yêu cầu địa phương công bố giá kịp thời, bảo đảm sát giá thị trường, phục vụ điều chỉnh giá hợp đồng; tăng cường xử lý nghiêm các hiện tượng đầu cơ, tích trữ, đẩy giá vật liệu xây dựng. Tới đây, Cục sẽ phối hợp với Viện Kinh tế Xây dựng nghiên cứu và trình Bộ ban hành hướng dẫn các Sở Xây dựng tiêu chí về cách thức khảo sát, công bố để bảo đảm công bố giá thống nhất, kịp thời…

Hà Lan

Nguồn: daibieunhandan.vn