Khơi thông điểm nghẽn, phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc

02/05/2022

01/05/2022

(NB&CL) Giao thông được ví như mạch máu của nền kinh tế, trong đó hệ thống đường bộ cao tốc giữ vai trò then chốt. Nhưng hiện còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dẫn tới hạ tầng đường cao tốc của Việt Nam chưa phát triển được như kỳ vọng.

Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) về những vướng mắc và giải pháp để phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc của nước ta.

+ Ông đánh giá thế nào về vai trò của hạ tầng giao thông và đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc trong việc thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương cũng như cả nước?

- Đường bộ là phương thức giao thông thích hợp và hiệu quả trong giai đoạn hiện nay và nhiều năm tới nữa. Trong hệ thống giao thông đường bộ thì hệ thống đường cao tốc như “mạch máu chính” của hệ thống giao thông, kết nối các trung tâm kinh tế, các vùng miền, các phương thức vận tải khác,...

PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI).

Phương tiện di chuyển với tốc độ cao, liên tục do không có những nút giao cắt đồng mức trên đường cao tốc. Từ đó sẽ tạo ra một khả năng lưu thông nhanh hơn, an toàn hơn; chính điều đó đã tạo ra động lực, cơ hội, tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng miền cũng như đóng góp rất đáng kể cho lưu thông hàng hóa, lưu thông con người.

Từ những lợi ích đó mà ngành giao thông vận tải đã đặt ra mục tiêu để chúng ta có hệ thống đường cao tốc xuyên Bắc - Nam, đường cao tốc kết nối các trung tâm tài chính, kinh tế của các vùng, miền Bắc, miền Trung, miền Nam và kể cả hệ thống đường cao tốc cho các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để tiềm lực của các địa phương được kích hoạt, được phát triển, tạo nhiều đột phá.

+ Vai trò của hệ thống đường bộ cao tốc là rất quan trọng và tại Nghị quyết Đại hội Đảng khóa 11 năm 2011 đặt mục tiêu “đến năm 2020 hoàn thành khoảng 2.000km đường cao tốc”, nhưng hiện ngành giao thông mới đạt được hơn một nửa. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới tiến độ đầu tư xây dựng đường cao tốc lại chậm như vậy?

- Nghị quyết từ Đại hội Đảng 11 đến 13 đều đề cập tới hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông và vai trò của đường cao tốc đã được Đảng và Nhà nước nhìn nhận là rất cần thiết. Tuy nhiên rất tiếc hiện nay, chúng ta mới làm được hơn 1.000km.

Khơi thông những điểm nghẽn để đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc đáp ứng yêu cầu phát triển.

Bộ Giao thông Vận tải cũng như các cơ quan chức năng đã phân tích rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc thực hiện hệ thống đường bộ cao tốc bị chậm từ cách thức tổ chức thực hiện, các phương thức huy động nguồn lực, giải phóng mặt bằng,...

Ví dụ như trước đây chúng ta lựa chọn phương thức đầu tư huy động nguồn lực xã hội thông qua phương thức đối tác công tư, hợp đồng BOT; có những dự án thậm chí chúng ta phải rút ra bài học “chọn nhầm người”. Điển hình như dự án Trung Lương - Mỹ Thuận trong 10 năm gần như không hành động được bởi các nhà đầu tư không có đủ năng lực để làm. Dự án Bắc Giang - Lạng Sơn chúng ta cũng lựa chọn nhà đầu tư không có năng lực, gần như 4 năm trời không thực hiện được.

Chúng ta có rất nhiều lỗi từ lựa chọn hình thức đầu tư, con người đầu tư, chủ thể tham gia đầu tư những dự án đó. Ngoài ra chúng ta còn phải phụ thuộc vào vốn vay của những tổ chức quốc tế, phụ thuộc các cam kết của họ về vấn đề từ thiết kế đến thi công, giám sát,... Tất cả những cái đó là điều mà chúng ta phải rút kinh nghiệm.

+ Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, khi khó khăn nguồn vốn ngân sách cho đầu tư cơ sở hạ tầng thì phải huy động nguồn lực xã hội. Tuy nhiên do nhiều khó khăn, vướng mắc đã dẫn tới 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 phải sử dụng toàn bộ bằng vốn đầu tư công và chỉ định thầu, ông đánh giá thế nào về điều này?

- Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 trước đó dự kiến sẽ có 8/11 dự án thành phần sẽ được thực hiện theo phương thức đối tác công tư. Nhưng khi bắt đầu nộp hồ sơ thì 5/8 dự án đã không có nhà đầu tư nào đủ điều kiện để nộp mà điều kiện khó nhất là không có ngân hàng nào cam kết cho vay.

Sau đó 3 dự án được thương thảo và ký kết hợp đồng thực hiện, tuy nhiên 2/3 dự án lại phải kéo dài thời gian giới hạn bởi trong điều kiện hợp đồng PPP quy định sau 6 tháng mà các nhà đầu tư không có hợp đồng tín dụng thì phương thức đối tác công tư bị vô hiệu. Cuối cùng Bộ Giao thông Vận tải đã phải vận động nhiều ngân hàng khác hợp vốn để cho vay. Đó chính là nút thắt.

Trở lại cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với 12 dự án thành phần, chúng ta chỉ còn 4 năm để triển khai nên rất khó hoàn thành nếu không có những cơ chế đột phá. Do đó sử dụng vốn đầu tư công và chỉ định thầu với các tiêu chí rõ ràng, minh bạch là giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay để 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có thể về đích chỉ trong một kỳ trung hạn.

Bên cạnh tiến độ, chất lượng đường bộ cao tốc cũng cần phải được bảo đảm.

Về bản chất chỉ định thầu hoặc đấu thầu là một trong hai hình thức lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu, mục đích cuối cùng là chọn được công ty làm ra sản phẩm bảo đảm được yêu cầu về chất lượng, tiến độ, giá cả phải chăng.

Ngoài ra, hiện nay mô hình tổng thầu đảm nhiệm hết từ thiết kế, thi công, cung ứng vật tư,... hứa hẹn nhiều triển vọng, giúp cho việc quản lý dễ dàng. Chủ đầu tư chỉ cần nắm tổng thầu, tránh hiện tượng một chủ đầu tư quản lý hàng chục nhà thầu, chia nhỏ gói thầu.

+ Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có 5.000km đường bộ cao tốc, theo ông đâu là giải pháp để bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án?

- Ngoài những khó khăn về cách thức tổ chức thực hiện, nguồn lực,... thì công tác giải phóng mặt bằng cũng là một trong những là nút thắt lớn. Bởi làm đường xuyên suốt, liên tục mà giải phóng mặt bằng kiểu “xôi đỗ” thì rất khó hoàn thành.

Do đó phải có cơ chế đặc biệt, ví dụ như tách giải phóng mặt bằng như là một dự án riêng biệt và giao cho địa phương thực hiện. Nếu công tác giải phóng mặt bằng tốt, có mặt bằng sạch thì chúng ta mới có thể tổ chức thi công được. Đôi khi làm đường chỉ cần một, hai cái nhà không giải phóng được thì coi như con đường không xong.

Bên cạnh đó, chúng ta đang đặt quá nặng về vấn đề giảm chi phí trong đấu thầu, tuy nhiên đường bộ cao tốc là công trình đặc biệt đòi hỏi nhà thầu phải có năng lực cao. Điều này dẫn tới tình trạng nhà thầu không đảm bảo năng lực, bỏ thầu thấp lại trúng thầu. Đôi khi chúng ta chọn giá có thể đắt nhưng sẽ được lợi ích lâu dài.

Chúng ta cũng cần áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để làm sao có thể đưa những công nghệ vào thi công xây dựng. Qua đó đẩy nhanh được tiến độ, đảm bảo kiểm soát được chất lượng và đáp ứng được giá cả.

+ Xin chân thành cảm ơn ông!

Thế Anh

Nguồn: congluan.vn