Góp ý Dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án PPP

16/11/2020

Góp ý Dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án PPP

Ngày 11/11/2020 tại Hà Nội, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) tổ chức lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Buổi họp do PGS. TS. Trần Chủng - Chủ tịch VARSI chủ trì, có sự tham gia của một số nhà đầu tư hạ tầng giao thông và các chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý, tài chính.

Các vấn đề xoay quanh nội dung Dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án PPP được thảo luận góp ý sôi nổi

Trong khuôn khổ buổi họp, nhiều vấn đề trong Dự thảo Nghị định được Chủ tịch VARSI đưa ra thảo luận như: các nguyên tắc xây dựng phương án tài chính, huy động vốn thực hiện dự án, quyết toán công trình…

Theo ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch VARSI cho rằng: “Thực tế hiện nay các hồ sơ mời thầu của Bộ Giao thông vận tải không cho phép nhà đầu tư được cập nhật năng lực trước thời điểm đóng thầu.Ví dụ đối với hồ sơ mời thầu dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, nhà đầu tư chỉ được phép cập nhật năng lực đến 30/06/2020 trong khi ngày 5/10/2020 mới đóng thầu, giai đoạn từ 30/06/2020 đến 5/10/2020 nhiều nhà đầu tư đã tiến hành góp bổ sung vốn chủ sở hữu nhưng không được ghi nhận”. Trước thực tế bất cập đó, Phó Chủ tịch VARSI kiến nghị đối với trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, bổ sung báo cáo tài chính của nhà đầu tư đã được kiểm toán trước thời điểm đóng thầu 30 ngày làm căn cứ xác định vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.

Liên quan đến vốn đầu tư công hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 70 Luật PPP, hiện nay chưa có quy định thời hạn cụ thể để cơ quan ký hợp đồng dự án phản hồi đề nghị thanh toán, dẫn đến doanh nghiệp dự án phải đi lại nhiều lần và dễ xảy ra các tiêu cực phát sinh, bao gồm cơ chế “xin - cho”. Theo đó, đại diện cho quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư PPP, ông Trần Văn Thế đề xuất: “Chậm nhất trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thanh toán, cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP phải xác nhận đề nghị thanh toán, trong trường hợp từ chối xác nhận thì phải nêu rõ lý do từ chối. Trường hợp dự án được chấp thuận cấp vốn ngân sách nhưng nguồn vốn NSNN chưa được bố trí và giải ngân kịp thời, nhà đầu tư có quyền huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án và được tính lãi vay.”

Dưới góc độ của chuyên gia lĩnh vực kiểm toán và tài chính kiểm toán, PGS. TS. Ngô Văn Quý - nguyên Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV, kiến nghị bỏ “Căn cứ giá trị quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thành, doanh nghiệp dự án PPP và cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP xem xét, đàm phán, ký phụ lục hợp đồng để điều chỉnh phương án tài chính của dự án PPP (nếu cần) theo quy định tại hợp đồng dự án PPP”. Theo ông Ngô Văn Quý, nội dung này mâu thuẫn với Điều 61 Luật PPP quy định về trường hợp doanh nghiệp dự án hoàn thành công trình trước thời hạn hoặc tiết giảm được tổng mức đầu tư thì không phải điều chỉnh lại hợp đồng dự án.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) được Quốc hội ban hành 18/6/2020 tạo hành lang pháp lý ổn định, lâu dài cho việc thực hiện các dự án PPP tại Việt Nam. Luật PPP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Luật ra đời khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam, tiệm cận với thông lệ quốc tế và điều kiện của đất nước qua đó tạo môi trường thuận lợi, thu hút nguồn lực tư nhân trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Chính phủ chịu trách nhiệm quy định chi tiết một số nội dung tại Luật PPP, trong đó có Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án PPP do Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu và xây dựng dự thảo.

N.T