VARSI thăm Dự án cầu Văn Lang

15/12/2020

Ngày 11/12/2020, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) đã có chuyến thăm và làm việc với Công ty TNHH BOT Phú Hà - doanh nghiệp dự án Dự án cầu Việt Trì – Ba Vì (cầu Văn Lang).

Trong không khí cởi mở, hai bên đã có những trao đổi thiết thực về hiện trạng đầu tư Dự án cầu Văn Lang cũng như tình hình chung về đầu tư hạ tầng giao thông Việt Nam hiện nay.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Văn Lang là dự án cầu đường bộ nối Quốc lộ 32 (thuộc địa phận huyện Ba Vì, Hà Nội) với Quốc lộ 32C (thuộc địa phận thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), có tổng chiều dài 9,46km, được triển khai theo hình thức BOT. Dự án được đưa vào khai thác từ tháng 01/2019. Bằng sự nỗ lực và tinh thần làm việc nghiêm túc của nhà đầu tư, Dự án cầu Văn Lang không những thực hiện đúng cam kết với Nhà nước mà còn đảm bảo tiến độ thi công và hiệu quả kinh tế tốt nhất, chi phí đầu tư thực tế được tiết giảm từ 1.462 tỷ đồng (tổng mức đầu tư Dự án) xuống còn 1.088 tỷ đồng (giá trị quyết toán công trình).

Đối với Dự án BOT cầu Văn Lang, việc dự án này được đưa vào sử dụng đã rút ngắn 21 km quãng đường từ Thủ đô Hà Nội đến trung tâm thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân và mở rộng giao thương, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong địa phương và khu vực.

VARSI và Công ty TNHH BOT Phú Hà có cuộc trao đổi về thực trang đầu tư Dự án BOT cầu Phú Hà

Ông Lê Minh Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH BOT Phú Hà cho biết, sau khi dự án đi vào vận hành khai thác từ tháng 01/2019 đã gặp phải những vướng mắc về phương án tài chính. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc lưu lượng xe qua cầu bị phân lưu do phát sinh các tuyến đường đi khác so với phương án ban đầu được thoả thuận trong hợp đồng dự án giữa Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư.

Trung bình mỗi tháng, nhà đầu tư phải tự bù lỗ 5 tỷ đồng vốn chủ sở hữu để đủ trả lãi vay ngân hàng. Nhà đầu tư này mong mỏi khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực thi hành, Dự án sẽ được hưởng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu như Luật này quy định để phần nào giảm bớt khó khăn cho phương án hoàn vốn của Dự án. “Chúng tôi đang vô cùng “bế tắc”, nếu Nhà nước không vào cuộc tháo gỡ các bất cập, doanh nghiệp dự án không thể trụ được lâu và có nguy cơ phá sản”, ông Lê Minh Nghĩa nói thêm.

Ông Lê Minh Nghĩa cũng bày tỏ thái độ bất bình trước những thay đổi không phù hợp về cơ chế, chính sách dẫn đến thực tế đất trên khu vực đường giao thông đang khai thác của Dự án, hiện nay lại bị cơ quan địa phương yêu cầu nhà đầu tư phải trả tiền thuê. “Trước đây, theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP, doanh nghiệp BOT được miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian thời hiện dự án. Tuy nhiên, kể từ Nghị định 15/2015/NĐ-CP trở đi, việc thuê đất sử dụng cho mục đích thực hiện dự án đầu tư PPP lại được quy định áp dụng chung theo quy định của Luật Đất đai. Điều này là bất hợp lý”, ông Nghĩa nói.

Ngoài ra, đại diện Công ty TNHH BOT Phú Hà cũng cho biết doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm chỉnh Quyết định 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC), là 1 trong những đơn vị “tiên phong” triển khai lắp đặt thiết bị. Hiện, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng chờ ngày đưa vào vận hành thu phí ETC.

PGS.TS. Trần Chủng – Chủ tịch VARSI cho biết VARSI sẽ đồng hành sát sao cùng Dự án cầu Văn Lang, kiến nghị cơ quan chức năng có các phương án “giải cứu” kịp thời để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư Dự án này.

PGS. TS. Trần Chủng (bên phải) và ông Lê Minh Nghĩa (bên trái) chụp hình lưu niệm

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc, hai bên đã có những thảo luận sôi nổi và hiệu quả xoay quanh các nội dung về thể chế, khuôn khổ pháp lý cũng như các vấn đề thực tiễn liên quan đến lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ theo phương thức PPP.

PGS. TS. Trần Chủng nhận định: “Đầu tư PPP giải quyết được 3 vấn đề “nan y” mà đầu tư công vướng phải đó là chất lượng, tiến độ và chi phí xây dựng dự án”. Mặc dù vậy, nhiều dự án PPP mà cụ thể là các dự án BOT đã và đang gặp phải các khó khăn, vướng mắc, đa phần là bắt nguồn từ việc cơ chế chính sách thiếu thực tiễn và thường xuyên thay đổi, từ sự bất bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các nhà đầu tư tư nhân.

Ngọc Trang