Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu sẽ được Quốc hội cho ý kiến ngày 30/10. Đáng chú ý, trong dự thảo luật Chính phủ đề xuất cho áp dụng cơ chế linh hoạt trong việc bố trí nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP theo hướng tiếp tục quy định tỉ lệ vốn nhà nước ở mức 50% và giao Thủ tướng hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tỉ lệ vốn nhà nước tham gia cao hơn nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án.
Đây được cho là cơ chế linh hoạt, tăng sức hút vốn đầu tư tư nhân đối với các dự án giao thông thuộc địa bàn khó khăn. Ghi nhận tại dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, một trong những dự án đã thực hiện cơ chế thí điểm về vốn góp nhà nước lên đến 70%.
Ngày đầu tiên của năm 2024, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh khởi công sau hơn 1 tháng Nghị quyết 106 của Quốc hội cho phép nâng tỷ lệ góp vốn của Nhà nước lên 70%. Nhưng trước đó là cả một quãng đường dài gần 4 năm không thu xếp được vốn.
Thay vì quy định vốn tư nhân - nhà nước với tỷ lệ 50/50 như Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2021, dự thảo Luật 1 luật sửa 4 luật quy định nâng trần mức tham gia vốn nhà nước không quá 70%. Các đại biểu cho rằng, đây là tư duy linh hoạt trong việc bố trí vốn nhà nước, tạo sức hút đầu tư tư nhân, đặc biệt là với các dự án chưa thực sự hấp dẫn.
Trong hơn 3 năm thực hiện Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, có 31 dự án mới đang được triển khai thực hiện và 11 dự án đang chuẩn bị đầu tư theo mô hình này, với tổng mức đầu tư khoảng 380.000 tỷ đồng.