Áp dụng mô hình EC và BIM sẽ rút ngắn tới 30% thời gian thực hiện dự án

22/03/2023

TS. Phạm Văn Khánh - Nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng, Trưởng Ban Kinh tế Tổng hội Xây dựng cho rằng, các nước áp dụng mô hình hợp đồng thiết kế và xây dựng (EC) và đã đưa ra tổng kết trung bình một dự án rút ngắn thời gian tới 30%, tiết kiệm được nhiều chi phí xây dựng. Việc áp dụng mô hình EC thuận lợi vì đã được quy định trong Luật Xây dựng.

Nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng - TS. Phạm Văn Khánh

Giảm thiểu khối lượng công việc

- Xin ông cho biết, mô hình EC là gì và ưu điểm của mô hình này so với phương pháp truyền thống?

- Hợp đồng EC là viết tắt của tiếng Anh, nghĩa là hợp đồng thiết kế và xây dựng. Mô hình này đã được áp dụng rất phố biến trên thế giới. Ở Việt Nam cũng có nhiều dự án xây dựng đã áp dụng. Theo quy định của Luật Xây dựng, khâu thiết kế của một công trình xây dựng ở Việt Nam gồm thiết kế cơ sở (nằm trong FS), thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công. Ở hợp đồng EC, khâu thiết kế là thiết kế được triển khai sau bước thiết kế cơ sở, tức là sau khi dự án được phê duyệt đầu tư. Nhà thầu EC sẽ thực hiện các công việc thiết kế và thi công xây dựng công trình. Áp dụng mô hình này giảm thiểu được khối lượng công việc lựa chọn nhà thầu và thực hiện hợp đồng khảo sát phục vụ thiết kế, thiết kế và thẩm tra, thẩm định thiết kế và dự toán nên rút ngắn thời gian thực hiện dự án so với phương thức truyền thống.

Ngoài ra, việc áp dụng hợp đồng EC sẽ khai thác được trí tuệ và kinh nghiệm của nhà thầu trong việc thiết kế thi công phù hợp với thực tiễn, rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội. Có nhiều dự án xây dựng áp dụng EC, ví dụ như các dự án ngành dầu khí, ngành công thương, các dự án nhà máy nhiệt điện…

- Ông đánh giá thế nào về triển vọng áp dụng rộng rãi mô hình EC trong các dự án hạ tầng giao thông trong nước?

- Mục tiêu của mọi hoạt động từ quản lý cho tới thực tiễn đều hướng đến hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường. Và phương thức EC với những hiệu quả do rút ngắn thời gian và tận dụng trí tuệ, kinh nghiệm của nhà thầu trong thiết kế, nên có triển vọng được áp dụng nhiều hơn. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức thực hiện EC cũng phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế chính sách, chủ đầu tư và người có thẩm quyền quyết định đầu tư.

Phương thức EC mang lại nhiều hiệu quả hơn khi áp dụng công nghệ mới trong dự án. Trong hoạt động xây dựng hiện nay đang triển khai áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong ngành xây dựng, kết hợp số hoá, mô phỏng thiết kế và thi công công trình hoàn toàn trên máy tính trước khi triển khai ngoài thực tế, trong đó tích hợp các thuật toán tự động. Nhờ đó, người làm có thể nhìn thấy tất cả những bất cập của thiết kế, giúp tăng chất lượng công trình, chủ động trong thi công nên đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm chi phí thực hiện. Các nước áp dụng mô hình này đã đưa ra tổng kết trung bình một dự án rút ngắn thời gian tới 30%, dẫn đến chi phí tiết kiệm được nhiều. Do đó, trong tương lai, chúng ta nên áp dụng rộng mô hình EC đồng thời với việc áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng.

Thêm vào đó, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, doanh nghiệp xây dựng nước ngoài họ có công nghệ, có kỹ thuật, có trình độ quản lý cao nên tiết kiệm chi phí và thời gian thực hiện công trình, hiệu quả kinh tế cũng vì thế được nâng lên. Doanh nghiệp Việt Nam nếu không tiến hành áp dụng những phương thức quản lý mới tân tiến thì sẽ khó khăn, bất lợi nhiều trọng việc cạnh tranh với các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế và cả trong nước.

- Có ý kiến cho rằng, việc áp dụng mô hình EC trong các dự án xây dựng khi vừa thiết kế vừa thi công là một hình thức “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Quan điểm của ông về ý kiến này?.

- Hẳn có sự hiểu lầm ở đây bởi theo quy định của Việt Nam, quá trình đầu tư xây dựng theo truyền thống được chia làm ba giai đoạn, đầu tiên là chuẩn bị dự án, tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với những dự án lớn, báo cáo khả thi với hầu hết các dự án. Giai đoạn thiết kế sau khi phê duyệt dự án (FS) bao gồm thiết kế kỹ thuật đối với thiết kế 3 bước hoặc thiết kế bản vẽ thi công đối với thiết kế 2 bước và theo quy định phải phù hợp với thiết kế trước đó là thiết kế cơ sở trong dự án được phê duyệt.

Việc thiết kế và thi công trong EC được thực hiện bởi nhà thầu - là 1 của chủ thể của hợp đồng, còn một bên hợp đồng là chủ đầu tư, họ giám sát việc thực hiện nên không thể nào có chuyện “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Hơn nữa hợp đồng EC triển khai sau khi dự án được phê duyệt, mà trong dự án có thiết kế cơ sở, đã được cố định về kiến trúc, kết cấu, phương án thi công, loại vật liệu chủ yếu, công nghệ. Giai đoạn sau nhà thầu EC bắt buộc thiết kế và thi công phù hợp với giai đoạn trước (thiết kế cơ sở và thuyết minh dự án). Nếu nhà thầu có trí tuệ, biết vận dụng những sáng kiến, kinh nghiệm để làm tốt thì rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí thì được hưởng lợi, làm không tốt chính họ sẽ bị thua lỗ. Khi thực hiện tốt thì cả nhà thầu lẫn Nhà nước, chủ đầu tư, xã hội đều sẽ được hưởng lợi từ việc triển khai thực hiện loại hợp đồng này.

Việc hiểu mô hình này theo dạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” là chưa đúng. Bởi không chỉ có nhà thầu làm mà còn có bên chủ đầu tư, kèm theo tư vấn giám sát nếu có, tất cả đều có thước đo tiêu chuẩn trong dự án và theo quy định.

Có nên áp dụng mô hình tổng thầu EC trong các dự án giao thông trọng điểm?

Áp dụng mô hình EC sẽ thuận lợi

- Theo ông, việc triển khai mô hình EC ở Việt Nam trong bối cảnh hin nay có những thuận lợi, khó khăn gì?

- Việc áp dụng mô hình EC thuận lợi vì đã đươc quy định trong Luật Xây dựng. Luật Xây dựng phân định các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng và giai đoạn thiết kế rất rõ ràng. Thiết kế của hợp đồng EC ở đây được hiểu là thiết sau thiết kế cơ sở, mà thiết kế cơ sở thì nằm trong dự án đầu tư đã thể hiện khá rõ các yêu cầu của dự án, gói thầu. Luật cũng đã quy định đầy đủ về hợp đồng xây dựng, trong đó có loại hợp đồng tổng thầu EC.

Thứ hai là về thông lệ quốc tế, chúng ta đã mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài vào tham gia hoạt động xây dựng (thực hiện hợp đồng) tại Việt Nam nhiều.

Thứ ba là về trình độ quản lý xây dựng, thực hiện hợp đồng của các doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển ngang tầm khu vực, tiến bộ rất nhiều so với trước kia, đặc biệt là các đơn vị tư nhân đã tiếp cận và học hỏi công nghệ mới nhanh chóng. Hiện nay, các dự án xây dựng áp dụng hình thức hợp đồng EC của chúng ta chủ yếu do những đơn vị tư nhân thực hiện. Đối với tư nhân, những cái mới mang lại hiệu quả là họ học hỏi và tiến hành áp dụng, thực hiện ngay.

Ngoài thuận lợi cũng có những khó khăn. Về quản lý, chúng ta vẫn quen cách quản lý theo phương thức truyền thống. Khó khăn thứ hai liên quan tới quy định của pháp luật, Luật Xây dựng vẫn còn những quy định mà nếu được sửa đổi thì thực tế triển khai phương thức EC tốt hơn. Luật Xây dựng hiện hành quy định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể theo phương thức truyền thống, nhưng chỉ đề cập một phần nhỏ trong trường hợp các giai đoạn dự án xây dựng được thực hiện kết hợp với nhau thì quyền và nghĩa vụ cũng phải tuân thủ kết hợp một cách cơ học.

Ví dụ khi áp dụng EC hiện nay, sau khi đã ký hợp đồng rồi, nhà thầu đang trong giai đoạn thực hiện hợp đồng thì Nhà nước lại can thiệp vào thông qua thẩm định thiết kế khiến việc thực hiện gặp vướng mắc, trở nên phức tạp và tiêu tốn thời gian. Đây được coi là phần khó khăn nhất về mặt pháp lý.

Hoặc cũng khi áp dụng EC, việc chênh lệch giữa kết quả chi phí lập dự án, thiết kế cơ sở với thiết kế thi công hầu hết sẽ không thể giống nhau hoàn toàn. Việc thanh toán giữa chủ đầu tư và nhà thầu sẽ dựa theo quy định hợp đồng. Nhưng các cơ quan thanh tra kiểm toán thấy có sự chênh lệch, khác biệt là không chấp nhận, bị cắt giảm, không được bù nếu chi phí chênh lên, thậm chí có thể bị quy kết là vi phạm pháp luật. Điều này gây ra cản trở lớn trong việc thực hiện hợp đồng EC.

- Theo ông, trước những khó khăn trong triển khai hợp đồng EC thì Nhà nước, các doanh nghiệp, nhà thầu và các bên liên quan cần phải làm gì để có thể thúc đẩy triển khai mô hình này phổ biến hơn tại Việt Nam?

- Pháp luật hiện hành vẫn quy định phù hợp theo phương thức truyền thống, phân chia trách nhiệm ở các giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và bàn giao đưa công trình vào sử dụng rất rõ ràng. Tuy nhiên đối với loại hợp đồng EC, chưa có quy định riêng về quy trình hay sự can thiệp của Nhà nước vào quá trình thực hiện hợp đồng. Vậy nên trong Luật Xây dựng cần điều chỉnh quyền nghĩa vụ của các chủ thể để có cách quản lý dự án phù hợp với phương thức hợp đồng, cụ thể là dự án thực hiện theo phương thức EC thì quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm các chủ thể và phạm vi can thiệp của Nhà nước đến đâu. Có vậy thì việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn, thuận lợi hơn.

Thứ hai, về công tác thanh tra kiểm toán, cần xác định rõ ràng nếu hợp đồng theo phương thức điều chỉnh giá thì thực hiện thanh tra, kiểm toán tuân thủ phương thức này, nếu hợp đồng theo đơn giá cố định thì cũng phải thẩm tra, thẩm định hợp đồng, thanh tra kiểm toán cũng phải theo quy định của hợp đồng đơn giá cố định, nếu theo phương thức trọn gói cũng sẽ tuân theo các bước quy định về phương thức trọn gói.

Bên cạnh việc điều chỉnh quy định pháp luật, cần phổ biến rộng rãi các quy định để các chủ thể tham gia (chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn, cơ quan thanh tra, kiểm toán) phải có sự thống nhất nhằm thúc đẩy và tăng hiệu quả thực hiện dự án xây dựng theo mô hình hợp đồng EC.

- Trân trọng cảm ơn ông.

Minh Anh thực hiện

Theo:https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/ap-dung-mo-hinh-ec-va-bim-se-rut-ngan-toi-30-thoi-gian-thuc-hien-du-an-i319619