Sáng 30.10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Các ĐBQH cho rằng cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật điều khoản cụ thể quy định về các trường hợp cần bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ đối với các dự án PPP ký kết hợp đồng trước thời điểm Luật này có hiệu lực, gồm cả những dự án đang trong quá trình vận hành, khai thác.
Sửa luật nhằm khơi thông nguồn lực
Theo Tờ trình của Chính phủ, kể từ khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực (1.1.2021), đã có 31 dự án mới đang được triển khai và 11 dự án đang chuẩn bị đầu tư theo phương thức PPP, đều là các dự án có quy mô lớn, trọng điểm của quốc gia và các địa phương, góp phần đầu tư mở rộng, nâng cấp các công trình giao thông, KT - XH… Tuy nhiên, cũng còn nhiều vướng mắc đang đặt ra.
Đánh giá chung, các đại biểu cho rằng, đây là dự luật khó, phức tạp, việc sửa đổi là cần thiết, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, gỡ vướng mắc khó khăn cho các địa phương có dự án liên quan, từ đó tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng, miền còn khó khăn.
Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn cho biết việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PPP là cần thiết, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra, khơi thông nguồn lực, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư trên các lĩnh vực trong bối cảnh nguồn vốn NSNN hạn hẹp.
Đặc biệt, qua sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính khả thi, hài hoà lợi ích của các bên liên quan, không chỉ đối với các dự án PPP được triển khai sau khi Luật này có hiệu lực, mà cả đối với các dự án PPP đã và đang triển khai, vận hành, khai thác.
Tuy nhiên, Luật PPP năm 2020 mới chỉ quy định vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng được sử dụng để hỗ trợ thực hiện dự án trong giai đoạn xây dựng nhằm gia tăng tính hiệu quả về tài chính cho dự án (Khoản 1 Điều 70), còn thiếu quy định về hỗ trợ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm không do lỗi của nhà đầu tư, dẫn đến một số dự án gặp khó khăn trong giai đoạn vận hành, khai thác. Điều này dẫn đến sự niềm tin của nhà đầu tư, gây khó khăn trong việc huy động vốn cho các dự án mới.
“Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật điều khoản cụ thể quy định về các trường hợp cần bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ đối với các dự án PPP ký kết hợp đồng trước thời điểm Luật này có hiệu lực, gồm cả những dự án đang trong quá trình vận hành, khai thác. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, đối tượng áp dụng, cơ chế chia sẻ rủi ro của nhà đầu tư, bên cho vay khi thực hiện trong các trường hợp này”, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị.
Nhà đầu tư cần sự đồng hành của Nhà nước
Theo Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng Trần Hồng Minh, trong lần sửa đổi Luật PPP sắp tới, cần tiến hành một số điều chỉnh quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Đại biểu này đề xuất bãi bỏ quy định về hạn mức quy mô vốn đầu tư tối thiểu cho các dự án theo hình thức PPP, đồng thời cần áp dụng cơ chế linh hoạt đối với tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án này.
Đại biểu Trần Hồng Minh nhấn mạnh, có những tuyến đường và dự án không sử dụng vốn nhà nước vẫn thu hút sự tham gia sôi nổi của các nhà đầu tư, vì họ thấy tiềm năng vận tải lớn và khả năng thu hồi vốn nhanh. Tuy nhiên, đối với các dự án đi qua những vùng kinh tế khó khăn, sự tham gia của Nhà nước là rất cần thiết để thu hút nhà đầu tư. Do đó, việc bổ sung quy định vốn nhà nước tham gia không vượt quá 70% tổng vốn đầu tư là hợp lý và cần được đưa vào luật để bảo đảm tính khả thi cho các dự án này”, đại biểu Trần Hồng Minh nêu quan điểm.
Đại biểu Trần Hồng Minh cũng cho rằng mô hình PPP có tiềm năng khơi dậy nguồn lực khi được triển khai tại các tỉnh trung du và miền núi, nhưng để phát huy lợi thế này cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Đại biểu này nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, bởi hiện nay Luật PPP chưa quy định rõ ràng về trách nhiệm chia sẻ rủi ro, chưa có các quy định cụ thể về việc tỉnh và trung ương sẽ chịu trách nhiệm ra sao.
Ngoài ra, đại biểu Trần Hồng Minh đề xuất bổ sung nội dung liên quan đến việc quản lý tạm ứng vốn nhà nước cho nhà đầu tư trong mua sắm vật tư để phòng ngừa rủi ro trượt giá.
Để nâng cao hiệu quả chuẩn bị đầu tư, đại biểu Trần Hồng Minh cho rằng cần rút gọn hai bước nghiên cứu tiền khả thi và khả thi thành một phần của nội dung dự án đầu tư. Điều này sẽ giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Đồng thời, trong hoạt động tư vấn, nên có cơ chế chỉ định thầu và đấu thầu linh hoạt để đảm bảo tiến độ và tiết kiệm chi phí đầu tư.