GIỚI THIỆU

Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam. Hiệp hội hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, thống nhất hành động, không vụ lợi, nhằm mục đích: phối hợp các hoạt động của hội viên để nâng cao hiệu quả trong hoạt động phát triển kinh tế của các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam và các lĩnh vực khác có liên quan đến đầu tư công trình giao thông đường bộ; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; phát triển nhanh và bền vững các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nghiên cứu các sản phẩm dịch vụ khác có liên quan đến ngành, lĩnh vực đầu tư công trình giao thông đường bộ, qua đó góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Công trình giao thông đường bộ được hiểu là hệ thống bao gồm: các công trình cầu đường bộ, hầm đường bộ, các bến phà đường bộ, bãi đỗ xe, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ... Hệ thống này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, vì thế hoạt động giao thông đường bộ phải được bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

Để phát triển hệ thống giao thông đường bộ, trong điều kiện ngân sách từ nhà nước còn hạn hẹp, thì việc kêu gọi các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt là mô hình hợp tác công tư (PPP) được xem là giải pháp hiệu quả. Việc thực hiện chủ trương huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài để phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, các dự án chỉnh trang đô thị thông qua phương thức đầu tư theo các hình thức BT, BOT, BTO, BOO,... đã sử dụng được nguồn vốn xã hội rất lớn, mang lại nhiều hiệu quả rất thiết thực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương. Hiện nay, có khoảng 62 doanh nghiệp dự án BOT, BT… đã ra đời, tương ứng với các hợp đồng BOT, BT… do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết với khoảng 100 nhà đầu tư đã có hàng nghìn Km tuyến đường gồm cao tốc, cầu đường bộ, hầm đường bộ, cải tạo nâng cấp tuyến quốc lộ được đầu tư đạt chuẩn về chất lượng. Nhiều công trình lớn, hiện đại đã hoàn thành do người Việt làm chủ công nghệ như Hầm đường bộ qua Đèo Cả, hầm Đèo Cù Mông, hầm Cổ Mã, hầm Phước Tượng – Phú Gia, Hầm Hải Vân 2, Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng…

Tuy nhiên việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro, bất lợi cho các nhà đầu tư như trong việc thu xếp nguồn vốn tín dụng, giải phóng mặt bằng, chính sách pháp luật thay đổi, thủ tục hành chính… Các khó khăn chủ quan như: các nhà đầu tư hạ tầng phần lớn là các doanh nghiệp non trẻ, ít kinh nghiệm về kỹ thuật, nguồn vốn không đảm bảo lâu dài, máy móc thiết bị còn nhiều hạn chế, nhân lực chưa chuyên nghiệp, hoạt động đơn lẻ.

Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam sau khi ra đời sẽ là cầu nối giữa các nhà đầu tư với cơ quan nhà nước, người dân để đảm bảo hài hòa lợi ích giữ các bên. Ngoài ra, việc Hiệp hội được thành lập sẽ tập hợp tất cả các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ, là nơi trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau, cùng phát triển của các doanh nghiệp. Đây cũng là nơi tập trung các nguồn lực về vốn, kỹ thuật, cùng nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ để phục vụ cho xây dựng công trình đường bộ nói riêng và cơ sở hạ tầng nói chung. Đặc biệt hơn, khi cùng nhau chia sẻ, hoạt động, Hiệp hội sẽ kịp thời phát hiện được những điểm hạn chế, không hợp lý, không phù hợp thực tế, hạn chế thu hút đầu tư, để cùng nghiên cứu và góp tiếng nói của mình vào việc kiến nghị điều chỉnh pháp luật có liên quan nhằm kiện toàn hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi. Bên cạnh đó Hiệp hội cũng là tổ chức đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, giảm thiểu rủi ro để các nhà đầu tư yên tâm thực hiện các dự án của mình… thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Bộ giao thông vận tải.