Trong thế giới của giao thông hiện đại, tàu đường sắt cao tốc đã trở thành biểu tượng của sự nhanh chóng và hiệu quả. Tàu cao tốc tại nhiều nước đã cạnh tranh ngang ngửa với hàng không giá giẻ và đó là lựa chọn của nhiều người dân khi di chuyển. Đứng trước bài toán hiệu quả kinh tế - xã hội, nhiều quốc gia đã đầu tư hệ thống đường sắt cao tốc và thu được những thành tựu, làm thay đổi bộ mặt giao thông, góp phần giảm tải cho các loại hình vận tải khác, đóng góp to lớn vào phát triển đất nước.
Từ thực tế phát triển đường sắt cao tốc đã chứng minh tính hiệu quả, đây là những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc đầu tư phát triển đường sắt tốc độ cao thời gian tới đây.
Trung Quốc: Đường sắt cao tốc thu hút được khoảng 1,7 tỷ hành khách mỗi năm
Xác định được tầm quan trọng của đường sắt cao tốc, Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc đã đề ra kế hoạch chiến lược phát triển loại hình vận tải này từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX. Trên cơ sở chiến lược đó, Chính phủ cũng bắt tay vào chuẩn bị năng lực về kỹ thuật trước khi bắt đầu xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc. Nước này nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ đường sắt cao tốc có sẵn trên thế giới, đồng thời cải thiện và thay đổi cho phù hợp với thực tế trong nước theo từng thời kỳ. Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào đào tạo kỹ thuật và xây dựng một "hệ sinh thái" các học viện, trường đại học, nhà thầu có năng lực và đội ngũ nhân viên đường sắt có kỹ năng để thực hiện kế hoạch.
Trong vài thập niên vừa qua, Trung Quốc đã xây dựng được mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, đây có thể coi là điều thần kỳ trong phát triển đất nước. Ảnh hưởng của mạng lưới này vượt ra ngoài ngành Đường sắt, thay đổi phương thức phát triển đô thị, thúc đẩy hoạt động du lịch và tăng trưởng kinh tế. Một lượng lớn người dân Trung Quốc giờ đây đi lại dễ dàng hơn bao giờ hết và mạng lưới này cũng là nền tảng cho việc giảm khí thải nhà kính trong tương lai.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2008 - 2021, Trung Quốc đã xây dựng trung bình mỗi năm 5.071 km đường sắt, với đường sắt cao tốc chiếm hơn một nửa, ở mức 2.819 km. Nếu nhìn vào phần trăm thay đổi cho cùng giai đoạn, tốc độ tăng trưởng hàng năm của cả hệ thống đường sắt Trung Quốc ở vào khoảng 4,4%, trong khi độ dài của tuyến đường sắt cao tốc tăng thêm 21,8%/năm. Có thể khẳng định đường sắt cao tốc đã trở thành mũi đầu tư chiến lược của Trung Quốc trong hai thập kỷ gần đây.
Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc hiện vượt xa các nước khác trên thế giới dù xuất phát sau. Đường sắt cao tốc Trung Quốc có khả năng cạnh tranh với giao thông đường bộ và hàng không cho các quãng đường lên tới 1.200 km. Giá vé của đường sắt cao tốc cạnh tranh với xe buýt, máy bay và chỉ bằng khoảng 1/4 so với giá vé tại các quốc gia khác. Điều này giúp đường sắt cao tốc thu hút được khoảng 1,7 tỷ hành khách mỗi năm từ mọi tầng lớp thu nhập. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã trở thành một trong những ngành công nghiệp trụ cột kinh tế của quốc gia và mạng lưới đường sắt cao tốc đã mang lại sự di chuyển và thịnh vượng hơn cho người dân.
Nhật Bản: Tàu cao tốc Shinkansen - phát minh vĩ đại
Đất nước mặt trời mọc có một hệ thống đường sắt chằng chịt với tổng chiều dài khoảng 27.000 km, nối liền các đảo chính Honshu, Hokkaido, Shikoku và Kyushu bằng một hệ thống 119.854 cây cầu với tổng 2.678 km chiều dài vượt sông, vượt biển, cùng 4.764 đường hầm qua núi qua biển. Đường hầm Seikan thuộc tuyến tàu JR Tsugaru Kaikyo dài tới 53,85 km, ở độ sâu 148 m dưới lòng vịnh Tsugaru, là đường hầm dài nhất trên thế giới. Mỗi năm, đường sắt Nhật Bản chuyên chở 22,65 tỷ lượt hành khách. Nếu chia đều cho 125 triệu dân, bình quân mỗi người dân đi 200 chuyến tàu/năm.
Tàu Shinkansen - Nhật Bản
Ngày 1/10/1964, tuyến đường sắt tốc độ cao Tokaido - Shinkansen chính thức khai trương với tốc độ vận hành 210 km/h, vận chuyển khoảng 360.000 lượt hành khách mỗi ngày. Nhật Bản là quốc gia làm tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên trên thế giới với tên gọi Shinkansen (nghĩa là đường huyết mạch mới) và tên gọi này đã trở thành biểu tượng quốc tế về cả tính hiệu quả lẫn tốc độ. Đây là tuyến đường đôi, khổ tiêu chuẩn (khổ đường 1.435 mm) điện khí hóa, đại diện cho thế hệ công nghệ đường sắt tốc độ cao đầu tiên trên thế giới. Có 8 tàu Shinkansen chạy trên các tuyến đường dài 2.387 km, hoàn toàn độc lập với các tuyến tàu chạy ngắn metro. Shinkansen chiếm phần lớn hoạt động giao thông đường dài tại Nhật Bản, với hơn 10 tỷ lượt hành khách trên tất cả các tuyến. 1.114 chuyến chạy hàng ngày, chuyến nhanh nhất với các đầu máy JR Đông R5 và E6, vận hành tốc độ tối đa 320 km/giờ. Tàu Shinkansen còn là biểu tượng của sự an toàn, không có tai nạn liên quan đến việc hành khách chết hoặc bị thương nào trong gần 60 năm mạng lưới tàu Shinkansen đi vào hoạt động. Shinkansen cũng nổi tiếng vì rất đúng giờ. Trong năm 2003, trung bình thời gian trễ mỗi tàu Shinkansen chỉ là 6 giây.
Tàu cao tốc hay gọi là Shinkansen là một trong những phát minh vĩ đại của Nhật Bản ở thời kỳ hiện đại, tạo tiền đề cho sự phát triển ngoạn mục của Nhật Bản. Sau khi xây dựng Shinkansen, Nhật Bản có khoảng 18 năm đạt mức tăng trưởng GDP liên tục ở mức khoảng 10%, khiến nước này trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Theo ông Masafumi Shukuri, Chủ tịch Viện Nghiên cứu giao thông và du lịch Nhật Bản (JTTRI), việc chọn lựa công nghệ phụ thuộc vào tốc độ khai thác và phương án chỉ khai thác chạy tàu khách hay khai thác chung tàu khách, tàu hàng. Từ kinh nghiệm phát triển hệ thống Shinkansen từ năm 1964 chưa xảy ra sự cố đe dọa mất an toàn, kể cả trường hợp không người lái. Ông Masafumi Shukuri cho rằng nên đầu tư đường sắt tốc độ cao chuyên khai thác chạy tàu khách.
Tây Ban Nha: Tàu cao tốc thân thiện với môi trường, không có carbon
Đường sắt cao tốc Tây Ban Nha cũng mang đến triển vọng xanh cho du lịch và giao thông. Quá trình phát triển đường sắt cao tốc, các nhà khoa học đã nghiên cứu tích hợp môi trường là một phần quan trọng trong triết lý truyền cảm hứng cho tất cả các mạng lưới đường sắt cao tốc. Thực tế, đường sắt là phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, nhất là khi lượng khí thải CO2 thấp hơn nhiều so với lượng phát thải từ các phương thức vận tải khác, đồng thời giúp tiết kiệm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng. Tàu cao tốc ở Tây Ban Nha với 100% năng lượng tiêu thụ được tạo ra từ các nguồn tái tạo, không có carbon.
Tốc độ thương mại trung bình của mạng lưới tàu cao tốc Tây Ban Nha là 222 km/h, cao hơn so với các quốc gia tiên phong bao gồm Nhật Bản và Pháp. The Railway Network nhận định, mạng lưới đường sắt cao tốc của Tây Ban Nha là mạng lưới dài nhất đang hoạt động ở châu Âu và đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc, giúp Tây Ban Nha dẫn đầu trong hoạt động vận tải này dù "sinh sau đẻ muộn" so với một số quốc gia châu Âu khác.
Sau ba thập kỷ, thị trường đường sắt cao tốc của Tây Ban Nha những ngày cuối năm 2022 "nóng" lên với sự xuất hiện của một nhà điều hành mới bắt đầu phục vụ hành khách từ đầu tháng 12, đưa nước này trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu có 3 công ty trong lĩnh vực đường sắt cao tốc. Việc cùng "chung sống" và phát triển của 3 nhà khai thác khác nhau trên "đường đua" tàu cao tốc Tây Ban Nha có lẽ sẽ để lại những bài học quan trọng cho nhiều quốc gia khác ở châu Âu và trên toàn thế giới.
Châu Thành