Tháo gỡ vướng mắc trong hợp đồng dự án hạ tầng giao thông đường bộ theo phương thức PPP

22/06/2022

Ngày 21.6, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy ban quan hệ đối tác công tư thuộc Ủy ban Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Tọa đàm Tìm kiếm phương thức hợp tác công tư hiệu quả trong các dự án xây dựng và vận hành đường cao tốc theo mô hình BOT tại Việt Nam.

Toàn cảnh tọa đàm

Toàn cảnh tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Chủ tịch VIAC Vũ Tiến Lộc cho biết, sự ra đời của Luật PPP được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, thúc đẩy hợp tác công - tư bền vững. Mô hình BOT không có lỗi, và thực tế là BOT đang được sử dụng phổ biến để thu hút nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông ở nhiều quốc gia trên thế giới. TS. Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng: “chỉ cần chúng ta có các quy định, hướng dẫn đầy đủ; đặc biệt là các điều khoản hợp đồng mẫu BOT, sẽ có tính hướng dẫn cả hai bên của quan hệ hợp tác công - tư, để hai phía có thể dựa vào đó cùng thương thảo xây dựng và tổ chức vận hành những dự án hợp tác hiệu quả cho cả phía Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân”.

Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) Trần Chủng, vẫn còn những trở ngại chính cần sớm được tháo gỡ nhằm kích hoạt các hình thức hợp đồng dự án hạ tầng giao thông đường bộ theo phương thức PPP trong thời gian tới. Đó là, bình đẳng giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong hợp đồng PPP; bài toán ngân sách; giải phóng mặt bằng; đa dạng hóa các hình thức hợp đồng PPP; áp dụng tiến độ khoa học hướng tới phát triển bền vững.

Chủ tịch VARSI Trần Chủng cho rằng, bản chất của phương thức đối tác công tư là nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân cùng ký hợp đồng để phân chia lợi ích, rủi ro cũng như trách nhiệm của mỗi bên trong việc xây dựng công trình hay cung cấp một dịch vụ công nào đó. Như vậy, hai chủ thể này là đối tác bình đẳng theo pháp luật dân sự thông qua Hợp đồng dự án. Tuy vậy, do Luật PPP không có điều nào quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của hai chủ thể này.

Theo Luật PPP, “Cơ quan có thẩm quyền” được quy định tại khoản 1 Điều 5 là Bộ, UBND cấp tỉnh, cơ quan được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập. Trong hệ thống hành chính quốc gia, các cơ quan này là các cơ quan quản lý nhà nước. Trong vị thế là cơ quan quản lý nhà nước nhưng khi xuất hiện trong vị thế “đối tác” thì phương thức hoạt động vẫn mang đậm dấu ấn của cơ quan công quyền, cơ quan quản lý dẫn đến bất bình đẳng giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư theo nguyên tắc trong hợp đồng dân sự (hợp đồng dự án PPP).

"Thực tế, cơ quan có thẩm quyền luôn nghĩ mình có quyền quản lý và nhà đầu tư là đối tượng bị quản lý. Tâm thế của nhiều cơ quan quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn chưa thoát ra hết được kiểu cách quản lý theo cơ chế “xin - cho” thời kỳ bao cấp", ông Trần Chủng nhìn nhận.

Bên cạnh đó, việc không phân định trúng và đúng quyền, nghĩa vụ của hai chủ thể này trong hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư khiến cho kết quả của việc áp dụng phương này còn nhiều bất cập. Trong đó, sự mất bình đẳng giữa “nhà nước và nhà đầu tư” là nguyên nhân quan trọng không hấp dẫn các nhà đầu tư dẫn tới bầu không khí ảm đạm của môi trường đầu tư còn rất mới này.

Do đó, VARSI mong muốn hệ thống văn bản pháp luật sớm được nghiên cứu, bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của hai chủ thể này trong hoạt động xây dựng theo phương thức PPP và làm căn cứ xây dựng các hợp đồng trên nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.


Minh Anh

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/Kinh-te-phat-trien/thao-go-vuong-mac-trong-hop-dong-du-an-ha-tang-giao-thong-duong-bo-theo-phuong-thuc-ppp-i292413