Bốn dự án cao tốc có kịp thông xe dịp cuối năm?

09/12/2022

Bốn dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để thông xe trong năm 2022.
Bốn dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để thông xe trong năm 2022, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT.

Kiểm soát tốt tiến độ 2 dự án thành phần phía Nam

Một góc công trường thi công nút giao kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Vĩnh Phú

Tuần đầu tiên tháng 12/2022, đưa PV vào công trường gói thầu XL1 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, gương mặt của ông Lê Văn Kiên, phụ trách gói thầu thuộc Ban QLDA 7 hiện rõ lo âu khi thời gian thông xe kỹ thuật chỉ còn tính bằng ngày nhưng hai ngày đầu tháng, khu vực thi công tiếp tục hứng những trận mưa lớn.

“Nếu đúng kế hoạch, ngày 3/12 sẽ có 3 mũi thảm nhựa mặt đường dọc tuyến. Thế nhưng, trời đổ mưa, hơn 40 xe lu và các dây chuyền thảm nhựa, máy nghiền đá trên công trường đều phải nằm một góc. May thay, những ngày qua nhà thầu đã chủ động tăng ca kíp thi công nên tiến độ vẫn được kiểm soát”, ông Kiên nói.

Thông tin về khối lượng công việc đảm nhận tại gói thầu XL1, ông Nguyễn Hải Vinh, Phó TGĐ Tổng công ty Xây dựng Thăng Long cho biết, đến nay, nhà thầu đã thi công cơ bản xong các cầu trên tuyến, công tác đúc dải phân cách bê tông đạt hơn 85%. Sau chuyến kiểm tra công trường của lãnh đạo Bộ GTVT, đơn vị đã huy động thêm xe, máy cùng 2 dây chuyền thảm nhựa, 10 lu rung để dồn sức thi công phần đường.

Chiều ngày 3/12, tại nút giao Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc), tranh thủ thời tiết bắt đầu có nắng, nhiều mũi thi công cầu khẩn trương bó vỉa sắt để đổ bê tông phần đường dẫn hai đầu cầu.

Theo ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tính đến ngày 29/11, sản lượng thi công dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã đạt 60,52% giá trị hợp đồng. Ban QLDA 7 đang kiểm soát sát sao tiến độ đảm bảo đến 31/12/2022 sẽ thông xe kỹ thuật tuyến chính trên lớp bê tông nhựa (tương ứng khoảng 75% giá trị hợp đồng.

Trên công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, ông Trần Viết Lai, PGĐ điều hành gói thầu XL2 thuộc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, hiện nỗi lo lớn nhất về khối lượng lớn phá đá, nổ mìn thông tuyến đã được giải tỏa. Dự kiến, đến ngày 10/12, nhà thầu sẽ thông tuyến chính và dồn lực thi công các hạng mục tiếp theo để sớm thảm bê tông nhựa mặt đường, đáp ứng thời gian thông xe kỹ thuật.

Tại gói thầu XL3 qua huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), ông Lê Trung Vĩnh, PGĐ điều hành gói thầu XL3 (Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính) cho biết, trong số 24 cầu đơn vị phụ trách trên tuyến, sản lượng thi công đã đạt hơn 85%.

Đại diện Ban điều hành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, tính đến cuối tháng 11/2022, sản lượng thực hiện dự án đạt đạt 67,76% giá trị hợp đồng.

Nỗ lực bù sản lượng chậm của nhà thầu yếu

Các nhà thầu tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 đang dồn lực thi công để đáp ứng kế hoạch thông xe kỹ thuật trong năm 2022Ảnh: Tạ Hải

Hơn 1 tháng qua, sau khi đưa hạng mục hầm Thung Thi thuộc dự án Mai Sơn – QL45 cơ bản hoàn thành, Tập đoàn Đèo Cả lại cấp tập bắt tay vào “giải cứu” khối lượng công việc bị chậm của Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long.

Ông Trương Công Đạt, Phó giám đốc điều hành thuộc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT trong việc san sẻ khối lượng trong liên danh gói thầu XL12, đảm bảo thời gian thông xe của dự án, từ cuối tháng 11/2022, Ban QLDA Thăng Long đã chủ trì họp với liên danh nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát, thống nhất điều chuyển một phần khối lượng thi công của Hoàng Long cho Tập đoàn Đèo Cả.

Tiếp nhận công việc, Tập đoàn Đèo Cả huy động thêm 5 máy đào công suất lớn, 18 máy lu, 3 máy rải, 4 máy ủi và 20 xe ô tô liên tục vận chuyển vật liệu cho công trường. Tổng nhân lực được huy động lên tới gần 500 người, trong đó có gần 100 lái xe, lái máy luân phiên thi công 24/7 trên công trường.

“Tập đoàn Đèo Cả sẽ tiếp tục đồng hành với đơn vị liên danh trong gói thầu. Trường hợp Hoàng Long tiếp tục không đáp ứng tiến độ thi công (đối với 2,4km đảm nhận), chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ để đảm bảo tiến độ chung của dự án”, đại diện Tập đoàn Đèo Cả khẳng định.

Tìm lời giải bài toán nền đất yếu

Nút thắt quyết định đến việc thông xe kỹ thuật của dự án thành phần Mai Sơn - QL45 chính là công tác xử lý nền đất yếu.

Ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án cho biết, nhằm đảm bảo tiến độ thông xe, trong tổng số 21km nền đất yếu của dự án, Ban QLDA Thăng Long đã báo cáo và được Bộ GTVT chấp thuận chuyển đổi kết cấu mặt đường đối với hơn 6km. Hơn 14km nền đất yếu còn lại đã được chấp thuận cho dỡ tải, các nhà thầu đang rốt ráo triển khai thi công móng mặt để sớm đến giai đoạn thảm bê tông nhựa.

“Ngay sau chuyến đi của Bộ trưởng Bộ GTVT, các mũi thi công đã tăng lên đáng kể ở các khu vực phải xử lý nền đất yếu. Đơn cử, tại gói XL13, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã tăng thêm một mũi hầm chui, một mũi cống hộp, hai mũi thi công tường chắn có cốt. Tập đoàn Trường Thịnh tăng thêm 5 đội thi công. Thời gian thi công được đẩy lên đến 11 - 12h đêm. Có những mũi lu làm việc đến 2 - 3h sáng để bám đuổi tiến độ”, ông Long nói và cho biết, hiện sản lượng thi công dự án đạt hơn 76%.

Phải xử lý hơn 3 km nền đất yếu trong số 4,3km đường đảm nhận thi công (Km 313 - Km 318) tại gói thầu XL13, đại diện Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh cho biết, đến ngày 30/11, nhà thầu đã làm báo cáo quan trắc và được chấp thuận dỡ tải 783km nền đất yếu cuối cùng. Hiện, nhà thầu đã hoàn thiện dỡ tải, chuẩn bị thi công móng mặt.

Căn cứ vào kết quả quan trắc, trong phạm vi phụ trách của Trường Thịnh, dự kiến, khoảng 400m đường sẽ giữ nguyên kết cấu cũ. Khoảng 1,8km còn lại đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chuyển đổi kết cấu mặt đường.

Trên công trường hiện tại, Trường Thịnh đang huy động khoảng 62 đầu máy, thiết bị, gấp 1,5 lần so với tháng trước để cố gắng hết sức để thông xe kỹ thuật đúng yêu cầu.

Phức tạp nhất là khu vực gói thầu XL14. Theo một cán bộ phụ trách ban điều hành dự án Mai Sơn - QL45, trong 10,5km nền đất yếu thuộc gói thầu, hiện, vẫn còn khoảng 3,5km chưa đánh giá được cố kết. Khu vực này nếu áp dụng phương án chuyển đổi kết cấu mặt đường sẽ phát sinh rất nhiều chi phí.

“Đối với chiều dài nền đất yếu còn lại đều đã được chấp thuận dỡ tải. Các nhà thầu đang gấp rút triển khai để thi công móng mặt, đáp ứng kế hoạch thông xe kỹ thuật trong năm 2022”, vị cán bộ ban điều hành dự án chia sẻ.

Cơ bản hoàn thành tuyến chính cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Liên quan đến tiến độ dự án đoạn Cam Lộ - La Sơn, ông Lê Văn Sáu, PGĐ Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, đến ngày 30/11, công tác thảm tuyến chính dự án đã hoàn thành.

Từ đầu tháng 12/2022 đến nay, thời tiết mưa liên tục, công tác thi công hệ thống ATGT bị ảnh hưởng. Tính đến ngày 5/12, công tác sơn, kẻ vạch đường đạt khoảng 70%, lắp đặt hệ thống biển báo đạt khoảng 60%. Thời tiết thuận lợi, các hạng mục này sẽ được hoàn thiện trong khoảng 4 - 5 ngày. Thời gian hoàn thành, đưa vào khai thác tuyến trong tháng 12/2022 vẫn được đảm bảo.


Nam Khánh, Vĩnh Phú

Theo:https://www.baogiaothong.vn/bon-du-an-cao-toc-co-kip-thong-xe-dip-cuoi-nam-d575516.html