Nghị định số 71/2025/NĐ-CP (ban hành ngày 28/3/2025) đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Những nội dung sửa đổi đã tháo gỡ một số vướng mắc được nhà đầu tư quan tâm trong thời gian qua, đồng thời tạo thuận lợi hơn nữa trong thực hiện dự án PPP.

Việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia tại dự án PPP giúp giảm áp lực tài chính, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các dự án hạ tầng quy mô lớn. Ảnh: Lê Tiên
Một trong những điểm mà nhà đầu tư rất trông chờ gỡ vướng là quy định về tạm ứng, thanh toán vốn nhà nước trong các dự án PPP. Theo quy định của Luật PPP, vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng được sử dụng để hỗ trợ thực hiện dự án trong giai đoạn xây dựng nhằm gia tăng tính hiệu quả về tài chính cho dự án. Điều 76 Nghị định số 35 quy định, trường hợp dự án PPP hình thành tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công, cơ quan ký kết hợp đồng thanh toán tối đa 50% giá trị dự toán của tiểu dự án khi doanh nghiệp dự án (DNDA) hoàn thành công trình thuộc tiểu dự án, thanh toán giá trị còn lại khi DNDA được xác nhận hoàn thành công trình. Bên cạnh đó, Nghị định số 28/2021/NĐ-CP về cơ chế quản lý tài chính dự án PPP quy định, vốn nhà nước chỉ được thanh toán cho khối lượng hạng mục hoàn thành mà không được tạm ứng. Nhiều ý kiến phản ánh quy định hạn chế tỷ lệ thanh toán vốn nhà nước này là không cần thiết, ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhà đầu tư, không phát huy tính chất hỗ trợ của vốn nhà nước, dẫn đến không hấp dẫn nhà đầu tư.
Trong một góp ý sửa đổi Nghị định số 35, Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, quy định không được tạm ứng dẫn đến nhà đầu tư không thể tạm ứng cho nhà thầu đối với hạng mục công trình có vốn nhà nước hỗ trợ. VARSI kiến nghị vốn đầu tư công hỗ trợ dự án được thanh toán, tạm ứng theo tỷ lệ các nguồn vốn, giá trị, tiến độ, điều kiện được quy định tại hợp đồng dự án PPP…
Tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp, một nghiên cứu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, vốn nhà nước tham gia là để thúc đẩy nhà đầu tư thực hiện tốt dự án, nếu thanh toán hết thì nhà đầu tư có nguồn lực thực hiện dự án nhanh hơn.
Bên cạnh đó, việc hướng dẫn triển khai những quy định liên quan đến chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, vốn nhà nước tham gia dự án PPP được sửa đổi tại Luật số 57/2024/QH15 cũng là vấn đề nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
Nghị định số 71 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung để tháo gỡ những vướng mắc trên. Cụ thể, Điều 52 Luật PPP (được sửa đổi tại khoản 14 Điều 3 Luật số 57/2024/QH15) quy định cụ thể các trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn được sử dụng vốn đầu tư công để chi trả và trình tự, thủ tục sử dụng vốn đầu tư công trong trường hợp này. Nghị định số 71 sửa đổi một số nội dung của Nghị định số 35 để phù hợp với quy định của Luật, như bổ sung thỏa thuận của các bên về thời điểm Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán chi phí bồi thường, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; thỏa thuận thuê kiểm toán độc lập. Bổ sung quy định hợp đồng phải quy định cụ thể trách nhiệm chi trả của từng bên khi phát sinh trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Nghị định số 71/2025/NĐ-CP có một số nội dung được sửa đổi, bổ sung tại nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rút ngắn thời gian triển khai dự án PPP. Ảnh: Nhã Chi
Nghị định số 71 quy định chi tiết các điều kiện áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước cao hơn 50% nhưng không quá 70% đối với dự án đường bộ. Các dự án này có tính chất đặc thù do thường được thực hiện trên một hoặc nhiều địa phương và có thể đi qua một hoặc nhiều địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, trong đó có dự án chỉ tính riêng chi phí đền bù, hỗ trợ tái định cư đã vượt trên 50% tổng mức đầu tư. Do vậy, để bảo đảm tính khả thi về tài chính của dự án, Nghị định số 71 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 35 nhằm làm rõ 2 điều kiện khi áp dụng quy định nêu trên đối với dự án đường bộ, gồm thực hiện trên ít nhất 1 địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; cần sử dụng vốn nhà nước cao hơn 50% tổng mức đầu tư do lưu lượng vận tải, mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công dự kiến, doanh thu dự kiến, thời gian thu hồi vốn, lợi nhuận của nhà đầu tư hoặc nội dung khác thuộc phương án tài chính dẫn đến dự án không bảo đảm tính khả thi về tài chính. Các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được xác định trên cơ sở Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Đặc biệt, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong việc huy động vốn và thu xếp tài chính của toàn bộ dự án PPP, Nghị định số 71 sửa đổi theo hướng bỏ quy định cơ quan ký kết hợp đồng chỉ thanh toán tối đa 50% giá trị khối lượng đối với tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP; thay vào đó, cho phép thanh toán theo tiến độ, giá trị, khối lượng được các bên thỏa thuận theo hợp đồng. Việc sửa đổi quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong việc huy động vốn, thu xếp tài chính thực hiện dự án, đồng thời bảo đảm quản lý, sử dụng vốn đầu tư công trong tiểu dự án đúng tiến độ, giá trị, khối lượng theo cam kết của nhà đầu tư, gia tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP.
Bên cạnh đó, các nội dung được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 71 cũng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án PPP. Theo đó rút ngắn thời gian thẩm định, thời gian phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP; rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư; cắt giảm một số thủ tục trung gian…
Minh Thư
Nguồn: https://baodauthau.vn/go-vuong-mac-phap-ly-tang-suc-hut-cho-du-an-ppp-post177015.html