Hút vốn tư nhân để phát triển cơ sở hạ tầng

14/04/2025

Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, nâng cấp, cải tạo, bảo đảm an toàn chạy tàu các tuyến đường sắt. Riêng đường sắt tốc độ cao sẽ triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên. Hệ thống 30 cảng hàng không với 14 cảng hàng không quốc tế cùng 16 cảng hàng không quốc nội sẽ hoàn thiện. Những mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu nguồn lực tư nhân được thu hút và khơi thông hiệu quả.

Các dự án BT về hạ tầng đã giảm thiểu ùn tắc giao thông. Ảnh: NGUYỆT ANH

Dự án chống ngập do triều giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2016. Sau khi hoàn thành dự án sẽ giải quyết ngập do triều cường khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu. Riêng giai đoạn 1 đã bao gồm 6 cống ngăn triều: Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định. Theo đó, cả vùng đất diện tích 570 km2 sẽ được kiểm soát ngập do triều cường. Hơn 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh được bảo đảm an toàn trước biến đổi khí hậu.

Vẫn nhiều vướng mắc

Sau 8 năm, do vướng thủ tục thanh toán cho nhà đầu tư nên công trình dù đã hoàn thành 90% khối lượng công việc vẫn chưa thể xác định được cụ thể thời gian hoàn thành. Theo nhà đầu tư, việc chậm triển khai đã và đang phát sinh lãi khoảng 2.000 tỷ đồng.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ tháng 11/2020 tới nay, công trình tiếp tục dừng do hết thời gian thực hiện hợp đồng BT, hết hạn giải ngân tái cấp vốn. Dự án tạm ngưng, chưa nghiệm thu, vướng pháp lý nên thành phố chưa thể thanh toán cho nhà đầu tư...

Ông Vũ Đình Tân, Giám đốc Doanh nghiệp Dự án Trung Nam BT 1547, kỳ vọng được tái khởi động dự án thông qua việc thành phố tiếp tục thực hiện tái cấp vốn và điều chỉnh tổng mức đầu tư.

“Để triển khai được dự án cần điều chỉnh lại tổng mức đầu tư. Hiện nay, lãi suất phát sinh lên tới gần 2.000 tỷ đồng, nên việc điều chỉnh lại tổng mức đầu tư là điều kiện tiên quyết để triển khai được dự án. Nếu thành phố triển khai sớm thì trong mùa mưa 2025 sẽ đưa dự án vào vận hành được”.

Còn tại dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, hơn 10 năm qua, nhà đầu tư là Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa đã gắn bó với dự án. Nhưng sau khi UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo dừng đầu tư dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT), đại diện Tổng công ty cho rằng, đây là một điều hết sức đáng tiếc.

Ông Dương Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cho biết, dù hợp đồng dự án BT đã bị dừng nhưng nhà đầu tư sẽ bám trụ để chờ đợi những quy định, luật mới về phương thức hợp tác này. Vướng mắc cần tháo gỡ là việc xác định rõ ràng hơn các hình thức thanh toán cho nhà đầu tư.

“Từ dự án này có thể thấy khó nhất chính là xác định giá trị quỹ đất, cũng giống như xác định các quỹ đất để thực hiện tiếp một dự án BT. Đây là điểm nghẽn mà chưa biết chừng nào thông suốt”, ông Tuấn cho biết.

TP Hồ Chí Minh đã mời gọi 54 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bao gồm: 41 dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế; 5 dự án BOT giao thông và 8 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, thể thao của TP Thủ Đức. Từ thực tiễn triển khai thời gian qua cho thấy còn không ít vướng mắc cần phải tháo gỡ để có thể thu hút nguồn lực tư nhân một cách hiệu quả.

Theo các chuyên gia kinh tế, mấu chốt ở đây vẫn là quyền lợi trong các hợp đồng PPP. Vấn đề về quyền quản lý, khai thác đối với các dự án cũng như cơ chế thu hồi vốn của nhà đầu tư hiện đang vẫn bỏ ngỏ.

Theo luật sư Ngô Thanh Tùng, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cần có khung pháp lý rõ ràng hơn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư để dự án PPP thành công. Cũng cần phải xây dựng những đầu mối là các đơn vị, tổ chức có sự am hiểu về lĩnh vực này để có thể kết nối, hỗ trợ cho nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý.

Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, vướng mắc lớn của các dự án PPP nằm ở việc thực thi pháp luật của các địa phương. Cụ thể, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư năm 2020 ở Điều 101 không cho phép thực hiện các dự án BT mới, nhưng đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đã giao kết hợp đồng BT thì luật này vẫn cho phép tiếp tục thực hiện.

Kỳ vọng đột phá mới

Đầu năm nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và Luật Đấu thầu có hiệu lực. Trong đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư với nhiều điểm mới như mở rộng quy mô dự án PPP, bãi bỏ quy mô vốn tối thiểu, cho phép thực hiện trở lại dự án BT… được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong thu hút khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng, dịch vụ công.

So với Luật PPP năm 2020, Luật sửa đổi có nhiều điểm mới quan trọng, được đánh giá là sẽ giúp các dự án PPP thực hiện thông suốt hơn, nhất là với những dự án quy mô nhỏ, dự án PPP đặc thù và tạo đột phá trong thu hút đầu tư tư nhân.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) Trần Chủng cho rằng, để Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư thật sự đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng cần sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn Luật, trong đó cần quan tâm đến các hình thức hợp đồng PPP, kèm theo đó là các mẫu hợp đồng. Việc ký kết hợp đồng dự án PPP phải tuân thủ những nguyên tắc pháp lý nhất định. Việc tuân thủ các nguyên tắc này giúp cho quan hệ hợp đồng dự án PPP được thiết lập hợp pháp, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên ký kết hợp đồng và là cơ sở để pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi có tranh chấp xảy ra.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam khẳng định, cải cách quy định, bảo đảm một môi trường để thực thi PPP là rất quan trọng.

“Các thỏa thuận hợp đồng cần được xác định rất rõ ràng, trên cơ sở phân bổ rủi ro với chính phủ, với khu vực tư nhân, với các ngân hàng, là các nhà đầu tư vốn chủ sở hữu”, ông Shantanu nói.

Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, việc chú trọng huy động nguồn lực tư nhân đã giúp nước này đầu tư có hiệu quả vào các cơ sở hạ tầng chiến lược như sân bay, bến cảng bằng nhiều hình thức hợp tác công-tư (PPP). Đây là nhân tố cốt lõi của quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng ở quốc gia này.

Ông Masafumi Shukuri, nguyên Thứ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết, nguồn lực ngân sách có giới hạn nên chúng tôi đã phát huy nguồn lực của tư nhân để phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung lĩnh vực ưu tiên để làm trước và những cơ sở hạ tầng nào quan trọng thì Nhà nước đầu tư là chính, còn lại hầu hết là tư nhân và hành chính công đảm nhận.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu châu Á về đầu tư cho cơ sở hạ tầng, dành 5,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho các dự án trong lĩnh vực này. Chính phủ Việt Nam tiếp tục ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng bền vững thông qua đầu tư vào năng lượng tái tạo, hệ thống giao thông xanh, cũng như khuyến khích sản xuất và sử dụng các phương tiện công cộng chạy bằng điện.

Đại Kim

Nguồn: https://nhandan.vn/hut-von-tu-nhan-de-phat-trien-co-so-ha-tang-post871618.html