Nguồn lực làm cao tốc không thiếu, quan trọng là cơ chế

11/05/2021

10/05/2021 06:03

Các nhà đầu tư xã hội sẵn sàng tham gia đầu tư khi một tuyến đường có sự đầu tư của Nhà nước và Nhà nước cùng thu phí.

Dự thảo báo cáo của Chính phủ đặt kế hoạch đến năm 2025 sẽ có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc trong cả nước (Trong ảnh: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng). Ảnh: Tạ Hải

Để thực hiện mục tiêu có 5.000km đường cao tốc vào năm 2030, ngoài phần vốn ngân sách Nhà nước, Chính phủ cần phải có giải pháp huy động nguồn lực xã hội để đầu tư. Bởi nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì không thể thực hiện được.

Nguồn lực chúng ta không thiếu nhưng quan trọng là phải có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động.

Trong giai đoạn hiện nay, vốn ngân sách cũng đang cần cho nhiều nhiệm vụ mới xuất hiện từ đại dịch Covid-19 và hướng tới giảm nợ công thì đầu tư theo phương thức đối tác công - tư vẫn là một trong những giải pháp hiệu quả để phát triển đất nước.

Vừa qua, Luật PPP được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã tạo ra khung pháp lý quan trọng để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng. Mặc dù, Luật đã có quy định về sự bình đẳng giữa Nhà nước và nhà đầu tư, song các nghị định hướng dẫn thi hành Luật vẫn chưa thực sự làm cho các nhà đầu tư yên tâm.

Do vậy, để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các dự án đường cao tốc triển khai theo hình thức PPP sắp tới, cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện, xây dựng các cơ chế, chính sách minh bạch, tạo sự bình đẳng giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Về giải pháp huy động vốn, hiện nay, các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam đang đề nghị với Nhà nước thành lập các quỹ đầu tư hạ tầng hoặc có thể chế để doanh nghiệp phát hành trái phiếu công trình để từ đó thu hút, huy động nguồn lực từ xã hội, người dân, chứ không thể chỉ trông chờ vào vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại.

Đặc biệt, để phát huy hiệu quả của hình thức PPP, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị Nhà nước cần tiến hành tổ chức thu phí đối với các tuyến đường cao tốc được đầu tư bằng vốn ngân sách.

Bởi, đầu tư đường cao tốc tạo ra môi trường giao thông tốt hơn, hiệu quả hơn và những người tham gia giao thông có quyền lựa chọn thì phải đóng góp cho Nhà nước để có nguồn lực tái đầu tư các dự án cao tốc mới.

Nếu được tổ chức thu phí sử dụng các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thu được cả chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Cần sớm triển khai thu phí sử dụng các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư để không tiếp tục lãng phí một nguồn lực lớn.

Các nhà đầu tư xã hội sẵn sàng tham gia đầu tư khi một tuyến đường có sự đầu tư của Nhà nước và Nhà nước cùng thu phí. Chính việc không thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư mới gây khó khăn cho nhà đầu tư tư nhân.

Theo:https://www.baogiaothong.vn/nguon-luc-khong-thieu-quan-trong-la-co-che-d506043.html