ĐBQH "kêu cứu" cho đồng bằng sông Cửu Long: Từ bao đời nay chỉ có đường độc đạo là quốc lộ 1A

01/06/2019

Nói về hạ tầng giao thông yếu kém của vùng đồng bằng sông Cửu Long, DDBQH cho biết: "Từ bao đời nay, từ mũi Cà Mau đến TP HCM cũng chỉ có một con đường giao thông độc đạo là quốc lộ 1A".

Hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long yếu kém

Ngày 31/5, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước tại kì họp thứ 7, Quốc hội khóa 14, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) dẫn ý kiến cử tri cũng cho rằng, Chính phủ cần phải đồng bộ, kịp thời hơn nữa trong điều hành phát triển các vùng kinh tế trọng điểm trong phát triển liên kết vùng, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, theo đại biểu Dung, với các giải pháp mà Chính phủ để ra, các dự án cao tốc quan trọng như Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án cầu Rạch Miễu 2 có thể xong trong vài năm tới.

"Còn dự án dài hơi khác như dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ phải chờ đợi tới 5 - 10 năm sau hoặc hơn nữa.

Dù cho rằng các dự án cầu, đường cao tốc nói trên sẽ hoàn thành trong 3 - 5 năm nữa, khi ấy sẽ không còn kẹt xe hoặc giảm nhiều ở cầu Rạch Miễu trên Quốc lộ 60 và Quốc lộ 1 đoạn qua Tiền Giang nhưng lúc đó các tuyến đường từ miền Tây đi TP HCM và ngược lại qua địa bàn tỉnh Long An sẽ kẹt xe khủng khiếp, có thể tăng gấp đôi so với hiện nay.

Nói cách khác, nút thắt giao thông từ TP HCM về miền Tây không mất đi mà chỉ dời từ các nơi về địa bàn tỉnh Long An", bà Dung nói.

Để khắc phục tình trạng này, bà Dung đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT "cần có giải pháp để chữa cháy, gỡ những nút thắt này trước mắt, nhanh chóng mở rộng và nâng cấp tuyến N2 qua Long An, Tiền Giang đến Đồng Tháp".

Tuyến đường này sẽ giải quyết hầu hết nhu cầu đi lại của vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên đến TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ, giảm áp lực lên tuyến Quốc lộ 1A và tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương.

"Về lâu dài, bên cạnh các dự án giao thông đường bộ, đường sắt kết nối TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cần có giải pháp khai thác giao thông thủy đồng bằng sông Cửu Long, để chia sẻ áp lực giao thông đường bộ", bà Dung nói thêm.

Cùng chung vấn đề nêu trên, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (TP Cần Thơ) cho rằng sự bất cập triển khai chậm hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long ngày càng bộc lộ rõ, cản trở phát triển vùng.

"Với tuyến đường khoảng 180 km từ Cần Thơ đến TP HCM phải mất gần 4 giờ trong thời điểm bình thường", đại biểu Xuân nói.

Đại biểu TP Cần Thơ cũng đưa ra ví dụ điển hình về sự yếu kém của giao thông khu vực này là kẹt xe trong dịp lễ, Tết khiến chi phí vận chuyển hàng khóa tăng cao.

"Xin kiến nghị Chính phủ có giải pháp chỉ đạo, triển khai với quyết tâm cao nhất để hoàn thành tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đúng kế hoạch.

Kiến nghị Quốc hội xem xét đưa vào kế hoạch tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ trong điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn", đại biểu TP Cần Thơ kiến nghị.

Ảnh minh họa: Zing.vn

Ảnh minh họa: Zing.vn

Bao giờ đồng bằng sông Cửu Long mới có cao tốc?

Cũng liên quan đến vấn đề hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long, ngày hôm qua (30/5), ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) có nêu vấn đề sản phẩm ngành nông nghiệp ở khu vực này khó cạnh tranh được trên thị trường.

"Nguyên nhân là do chi phí sản xuất cao, nhất là khâu lưu thông, vận chuyển hết sức khó khăn vì đường sắt, đường bộ, đường thủy chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức hoặc chỉ được phân bổ vốn đầu tư nhỏ giọt, nếu không muốn nói là đồng bằng sông Cửu Long bị bỏ rơi.

Từ bao đời nay, từ mũi Cà Mau đến TP HCM cũng chỉ có một con đường giao thông độc đạo là quốc lộ 1A.

Không biết đến bao giờ mới có đường cao tốc hoặc một con đường quốc lộ mới để giảm ách tắc giao thông, lưu thông hàng hóa cho đồng bằng sông Cửu Long", bà Thủy nói.

Đáng chú ý, bà Thủy nêu việc Chính phủ có tờ trình Quốc hội về dự kiến phân bổ nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn của quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, trong nguồn vốn 10 nghìn tỉ đồng Chính phủ đã "mạnh tay" đề xuất dành 4.069 tỉ đồng, chiếm hơn 40% tổng nguồn vốn để ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

"Trong đó 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được dự kiến phân bổ chỉ có 1000 tỉ đồng", bà Thủy cho hay.

Từ thực tế nêu trên, ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm điều chỉnh bất hợp lí trong phân bổ ngân sách đầu tư, nhất là đầu tư công ở đồng bằng sông Cửu Long.

Liên quan đến vấn đề các đại biểu phản ánh, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết: "Về vấn đề đồng bằng sông Cửu Long, trong những năm vừa qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm và tập trung nguồn lực đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long.

Vừa qua Chính phủ cũng đã bố trí hơn 2.500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hàng năm và nguồn dự phòng chung của cả nước".

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho biết đối với đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề giao thông đang là vấn đề lớn nhất, đang là điểm nghẽn.

"Chúng tôi đồng tình là trong thời gian tới Chính phủ tiếp tục quan tâm và đồng hành với đồng bằng sông Cửu Long để có đầu tư thích đáng tạo điều kiện cho đồng bằng sông Cửu Long bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Các vấn đề đại biểu nêu tôi xin tiếp thu đầy đủ và có tham mưu với Chính phủ để có giải pháp kịp thời", ông Dũng nói thêm.

Theo:Theo Đời sống & Pháp lý