Ban QLDA2 vừa trình Bộ GTVT thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh).
Tuyến QL22 từ TP HCM lên Tây Ninh luôn chịu cảnh ùn tắc vì chỉ có một đường độc đạo - Ảnh: Phan Tư
Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), tổng mức đầu tư khoảng 10.456 tỷ đồng.
Nhà nước góp vốn gần 50%, thực hiện GPMB 6 - 8 làn
Tờ trình của Ban QLDA2 cho biết, dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài dài 53,5km. Hướng tuyến của dự án bắt đầu từ đường vành đai 3, TP HCM đi song song với đường sắt Tân Chánh Hiệp - Trảng Bàng. Sau đó, tuyến cắt qua đường vành đai 4, đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành - Đức Hòa), ĐT782, ĐT787, QL22B, đến khu vực ga đường sắt Gò Dầu (khoảng Km 40+000) rẽ phải, cắt qua QL22B gần khu vực Km 4+00, rồi tiếp tục rẽ phải, vượt sông Vàm Cỏ đi về phía QL22, giao với QL22 tại Km 52+850, kết nối với cửa khẩu Mộc Bài.
Theo đề xuất của Ban QLDA 2, cao tốc TP HCM - Mộc Bài được đầu tư thành hai phân đoạn: TP HCM - Trảng Bàng (dài 33km) và Trảng Bàng - Mộc Bài (dài 20,5km). Trong đó, đoạn TP HCM - Trảng Bàng có lưu lượng giao thông lớn hơn được đầu tư xây dựng với quy mô đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, nền đường rộng 27m, tốc độ thiết kế 120km/h. Còn lại, đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài được đề xuất đầu tư với mô hình đường cao tốc hạn chế 4 làn xe, nền đường rộng 17m, tốc độ thiết kế 80km/h.
Dự kiến lộ trình thực hiện dự án 2018 - 2019: Lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. 2019 - 2020: Lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. 2021: Lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng. 2021 - 2022: Thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng. 2022: Lựa chọn nhà thầu. 2022 - 2025: Thi công và hoàn thành công trình. Quý III/2025: Vận hành khai thác dự án. |
Đáng chú ý, công tác GPMB của dự án sẽ được thực hiện toàn bộ trong giai đoạn 1 với quy mô quy hoạch (6 - 8 làn xe) để thuận tiện cho công tác quản lý đất đai của địa phương và phục vụ cho việc mở rộng sau này. Cụ thể, đoạn TP HCM - Trảng Bàng sẽ GPMB theo quy mô 8 làn xe và đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài giải phóng theo quy mô 6 làn xe, với tổng diện tích đất chiếm dụng để xây dựng dự án khoảng 342ha.
Theo tính toán sơ bộ, dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn I khoảng 10.456 tỷ đồng, trong đó, hai khoản lớn nhất là chi phí xây lắp, thiết bị (5.745 tỷ đồng) và GPMB, tái định cư (2.004 tỷ đồng). Do tổng mức đầu tư dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài rất lớn, nên để đảm bảo tính khả thi về tài chính, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của tư vấn Hàn Quốc, Ban QLDA2 đề xuất áp dụng hình thức đầu tư hỗn hợp gồm PPP, vốn ODA và ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, phần vốn tham gia của nhà đầu tư PPP là 5.413 tỷ đồng; phần vốn góp của Nhà nước là 5.043 tỷ đồng gồm: Vốn ngân sách trong nước phục vụ GPMB, chi phí quản lý dự án (2.177 tỷ đồng) và vốn vay ODA phục vụ xây lắp và tư vấn là 2.866 tỷ đồng. “Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, vốn ngân sách bố trí cho dự án chưa thể thực hiện được nên việc kêu gọi các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư theo hình thức PPP là cần thiết nhằm đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế, các khu công nghiệp và du lịch khác trong quy hoạch”, Tờ trình của Ban QLDA2 nêu rõ.
Cấp thiết đầu tư cao tốc để giảm tải cho QL22
Ông Lê Thắng, Phó giám đốc Ban QLDA2 cho biết, hiện QL22 là tuyến giao thông duy nhất kết nối giữa TP HCM với cửa khẩu Mộc Bài, cửa ngõ quốc tế của các quốc gia ASEAN. Tuyến đường đang duy trì tốc độ tăng trưởng về lưu lượng hành khách và hàng hóa lần lượt khoảng 7,7% và 8,6%/năm. Theo nghiên cứu của tư vấn DEEP của KOICA (Hàn Quốc) và TEDI South, tuyến QL22 đoạn TP HCM - Mộc Bài sẽ mãn tải và ùn tắc giao thông trong vài năm tới, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế khu vực đến kinh tế trong khu vực và hai địa phương TP HCM, Tây Ninh.
“Đã đến lúc phải xây dựng một tuyến đường mới có năng lực cao kết nối từ TP HCM đến cửa khẩu Mộc Bài để san sẻ lưu lượng giao thông với QL22 hiện hữu và rút ngắn thời gian đi lại giữa các khu vực này. Hơn nữa, tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài sẽ tạo điều kiện liên kết giữa các quốc lộ hiện hữu NH.1, NH.22, NH.22B, đường Hồ Chí Minh, tuyến đường đô thị, metro và hệ thống hàng không phục vụ phát triển KT-XH khu vực”, ông Thắng cho biết.
Để triển khai dự án, Ban QLDA2 kiến nghị Bộ GTVT thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài. Đồng thời, Bộ GTVT bố trí vốn và giao nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án vào năm 2019 để có thể thực hiện ngay khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Ngoài ra, Ban QLDA2 đề xuất Bộ GTVT đưa dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và cho phép Ban QLDA2 làm việc chính thức với các nhà tài trợ vốn về việc vay ODA để làm vốn góp cho dự án.