Những hành vi manh động, đi qua trạm phá rào chắn, hoặc không trả phí hoặc trả tiền lẻ cố tình gây ách tắc giao thông, điều khiển xe đi thành đoàn đến trạm thu phí để gây áp lực và đăng facebook... Những hành vi gây rối, gây mất an ninh trật tự đó lặp đi lặp lại nhiều lần tại một số trạm thu phí trong năm 2018 làm bất ổn xã hội, phương hại đến quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư vẫn chưa bị lực lượng chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
“Trăm dâu đổ đầu…” nhà đầu tư
Thời gian gần đây, tại một vài trạm thu phí BOT “nóng” bởi một bộ phận người dân phản ứng. Đáng nói, BOT “nóng” không phải vì tuyến tránh, mà liên quan đến các dự án BOT nói chung, các trạm thu phí nâng cấp mở rộng quốc lộ nói riêng.
PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước chất lượng các công trình xây dựng, (Bộ Xây dựng) chia sẻ: “Chủ trương BOT của nhà nước là hoàn toàn đúng. Cũng phải nói, việc thực hiện chủ trương đó còn hạn chế tại một số dự án cụ thể. Tuy nhiên, không thể đánh đồng BOT là “xấu”, không thể đánh đồng nhà đầu tư nào cũng “xấu”, không nên phủ nhận hoàn toàn những lợi ích mà công trình BOT mang lại cho xã hội. Để cho một bộ phận người dân chưa hiểu rõ bản chất sự việc, điều đó là lỗi của công tác thông tin tuyên truyền đến người dân của các ngành chức năng”.
Theo quy định, việc thu phí qua các trạm BOT do Nhà nước quản lý giá trần. Doanh nghiệp BOT muốn ấn định mức thu phí phải có văn bản đề xuất với Bộ GTVT, Bộ Tài chính. Ngoài ra, doanh nghiệp BOT muốn tăng phí qua trạm BOT cũng phải xin ý kiến từ cơ quan quản lý nhà nước.
Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết theo quy định hiện hành, Bộ GTVT là cơ quan ban hành mức phí giá dịch vụ đường bộ tại các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh.
Trước đây, khi Bộ GTVT chưa ban hành Thông tư 35, Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính quy định, định kỳ 3 năm kể từ năm 2016 sẽ xem xét, điều chỉnh tăng phí một lần. Hiện nay, trong các hợp đồng BOT đã ký, tạm ký với nhà đầu tư đều quy định như vậy.
Như vậy, chủ trương đầu tư, ban hành mức phí, quyết định đặt trạm thu phí là do Bộ GTVT quyết định, nhà đầu tư chỉ là đơn vị thực hiện theo hợp đồng nhưng khi có phản ứng từ phía người dân, “trăm dâu đổ đầu…” nhà đầu tư BOT.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bộ nghiên cứu, chỉnh sửa quy định theo hướng, bỏ trần mức phí tại các dự án BOT xây mới, dự án đường cao tốc. Mức trần phí BOT tùy doanh nghiệp quyết định, Nhà nước chỉ quy định mức trần tại các dự án BOT đường độc đạo đưa mức giá dịch vụ của các dự án đường cao tốc tuân theo cơ chế của nền kinh tế thị trường, phương tiện đi đường tốt được phục vụ với chất lượng cao thì phải trả giá cao.
Ngày 8/11/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi họp Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Thủ tướng đã phân công cụ thể các Phó Thủ tướng với những chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ các bất cập về cơ chế nhằm huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển hạ tầng giao thông.
Đi ngược với tinh thần trên, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam cho rằng: “Đề xuất là quyền của nhà đầu tư, còn quyết định phải dựa trên Thông tư và hợp đồng”. Đây là ý kiến thiếu tích cực khi bản thân Tổng Cục đường bộ chưa có giải pháp cụ thể để tháo gỡ cho các vướng mắc thu phí.
Với phát ngôn thiếu nhất quán giữa lãnh đạo bộ và đơn vị cấp dưới đã gây hoang mang đối với các Nhà đầu tư hiện đang ngày đêm cùng các bên liên quan giải quyết các bất cập cơ chế tồn tại đồng thời chống chọi với các phần tử quá khích cố tình tuyên truyền phá hoại tại các trạm thu phí. Sẽ ra sao với các dự án cao tốc mới đã được Bộ GTVT thông qua Quốc Hội vừa qua, cho dù dự án hiệu quả có cao nhưng khi mức giá sử dụng dịch vụ ảnh hưởng, cách điều hành “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” sẽ làm nản lòng các Nhà đầu tư, các Ngân hàng đầu tư vốn vốn đã khó nay lại càng khó hơn?
Không dừng lại ở đó, một số ý kiến còn đánh đồng nhà đầu tư tích cực, có những đóng góp lớn cho sự phát triển hạ tầng giao thông đất nước với việc thực hiện của các nhà thầu Trung Quốc thông qua phát biểu của ông Tổng Cục trưởng nhưng không có đơn vị nào lên tiếng bảo vệ nhà đầu tư và làm rõ trước dư luận.
Xử lý sai phạm chưa nghiêm
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, mạng xã hội lan truyền clip một lái xe vừa điều khiển xe chạy chậm qua trạm thu phí Ninh Lộc (thị xã Ninh Lộc, tỉnh Khánh Hòa) vừa livestream. Đáng chú ý, trong lúc phát tán clip lên mạng, người này buông lời miệt thị cán bộ công nhân viên trạm thu phí ở đây, đây không phải là lần đầu tiên mà đã rất nhiều lần người này đưa tin tạo ra các tính huống kịch bản gây ách tắc giao thông.
Công ty CP BOT Đèo Cả Khánh Hòa đã làm việc với công an địa phương để phối hợp việc điều phối giao thông thông suốt dịp Tết Kỷ Hợi.
Trước đó, hồi tháng 8.2018 trạm thu phí Ninh Lộc “nóng” bởi một số đối tượng cố tình gây sự với nhân viên trạm thu phí gây mất an ninh trật tự, tắc nghẽn giao thông trên quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Ninh Lộc.
Tình trạng quấy rối gây mất trận tự an toàn giao thông tại một số trạm thu phí cho thấy việc xử lý những sự việc này của cơ quan chức năng chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe.
Tại một cuộc họp báo năm 2018, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT hơn một lần nói về trách nhiệm ở dự án BOT. “Nóng” ở các trạm thu phí là có thật. Đó cũng là trách nhiệm của chúng tôi. Ai làm sai người đó phải bị xử lý.” - ông Thể khẳng định.
Hiện nay, hầu hết ở tất cả các trạm hệ thống camera đều rất tốt, các xe đi qua đều được ghi lại hình ảnh. “Có một số đối tượng đi lại xuyên suốt tại nhiều trạm, hình ảnh cá nhân, phương tiện đều được lưu trữ dài hạn để cung cấp đầy đủ cho cơ quan công an và đơn vị chức năng khi có yêu cầu. Chắc chắn thời gian tới lực lượng công an sẽ có trách nhiệm và xử lý các đối tượng gây rối, tôi tin Bộ Công an sẽ có giải pháp mạnh để giải quyết vấn đề này.” – Bộ trưởng GTVT cho hay.
Cũng trao đổi về vấn đề gây mất an ninh trật tự tại trạm thu phí, Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết: Trong năm 2018, 24 dự án BOT trên cả nước có vấn đề liên quan đến an ninh trật tự. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an, Bộ GTVT cùng với chính quyền địa phương giải quyết một cách căn cơ, không để điểm nóng xảy ra tại các dự án BOT.
“Đối với những đối tượng kích động, gây rối cầm đầu, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ GTVT trích xuất dữ liệu các camera để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.” - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông khẳng định.
Bên cạnh những tuyên bố cứng rắn đó, cũng đã có nhiều cuộc họp giữa nhà đầu tư và cơ quan chức năng liên quan được tổ chức. Sau mỗi lần như thế nhiều phát ngôn mạnh mẽ, những thông điệp cứng rắn khác của nhà quản lý tiếp tục được phát đi, nhưng những kẻ gây rối vẫn tiếp tục hành vi và sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Năm 2019 có tiếp tục là một năm đầy bất ổn tại các trạm thu phí BOT, nhà đầu tư, người dân kỳ vọng các ngành chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, hài hòa lợi ích của người dân, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự bảo đảm.