Cấp bách xây thêm cầu, đường xóa kẹt xe vùng ĐBSCL

14/03/2019

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thống nhất với địa phương về việc kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cho xây cầu Rạch Miễu 2 bằng vốn ngân sách...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiểm tra tiến độ tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi

Trong các ngày 11, 12/3, đoàn công tác của Bộ GTVT do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dẫn đầu làm việc với lãnh đạo các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang về tiến độ xây dựng các công trình giao thông ở khu vực ĐBSCL.

Xây cầu Rạch Miễu 2 là ưu tiên đặc biệt

Tại buổi làm việc với tỉnh Bến Tre, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, cầu Rạch Miễu hiện hữu đang quá tải nghiêm trọng, trở thành điểm tắc nghẽn giao thông những dịp lễ, Tết. Việc xây dựng cầu Rạch Miễu 2 là rất cấp bách, bởi công trình không chỉ giải bài toán kẹt xe mà còn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Duyên hải phía Đông của ĐBSCL gồm: Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng…

“Tôi đã nhiều lần bị kẹt trên cầu Rạch Miễu, hàng nghìn xe nối đuôi nhau, mỗi lần các xe đề máy để di chuyển là cầu rung lên. Việc kẹt xe không chỉ cản trở phát triển kinh tế mà đe dọa đến an toàn cầu. Vì vậy, việc xây cầu Rạch Miễu 2 sớm ngày nào hay ngày đó”, ông Mãi nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thống nhất với địa phương về việc kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cho xây cầu Rạch Miễu 2 bằng vốn ngân sách, bởi sử dụng vốn ODA sẽ kéo dài thời gian, còn theo hình thức BOT không khả thi. Bộ trưởng yêu cầu tư vấn TEDI có nghiên cứu báo cáo cụ thể, so sánh thời gian thực hiện, trượt giá giữa các phương án vốn để Bộ và các địa phương có cơ sở báo cáo Chính phủ. Bộ GTVT sẽ đưa dự án cầu Rạch Miễu 2 (tổng mức đầu tư khoảng 4.494 tỷ đồng) vào danh mục ưu tiên đặc biệt trong giai đoạn sắp tới để triển khai, phấn đấu năm 2024 đưa vào khai thác.

Đối với tuyến An Hữu - Cao Lãnh được nghiên cứu xây mới song song với QL30 với chiều dài 30,1km. Công ty Tư vấn 625 đưa ra các phương án đầu tư khác nhau. Cụ thể, nếu đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, cần khoảng 4.583 tỷ đồng. Nếu theo hình thức PPP, tổng mức đầu tư khoảng 4.780 tỷ đồng, thời gian thu phí có thể từ 15 - 17 năm tùy theo mức phí (nếu thu 30.000 đồng/lượt thì thời gian thu phí là 17 năm 7 tháng; nếu thu 35.000 đồng/lượt là 15 năm 3 tháng).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, tuyến An Hữu - Cao Lãnh rất quan trọng vì QL30 hiện đang quá tải. Đặc biệt, khi cầu Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đưa vào khai thác thì lượng phương tiện lưu thông theo hướng này tăng lên. Bộ trưởng yêu cầu Công ty Tư vấn 625 nghiên cứu đưa ra các phương án đầu tư khác nhau để so sánh lựa chọn. Vì đây là tuyến mới nên quan điểm xây dựng và khai thác theo hướng đường cao tốc để đảm bảo tốc độ và an toàn giao thông.

Khai thác tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi theo đường cao tốc

Làm việc tại tỉnh Kiên Giang, bà Đặng Tuyết Em, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiến nghị, với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang được đầu tư xây dựng, dự kiến đưa vào khai thác quý I/2020, Bộ GTVT nên ưu tiên nguồn vốn để thảm nhựa mặt đường và khai thác theo hướng đường cao tốc để đảm bảo an toàn, rút ngắn thời gian. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đồng tình với ý kiến của địa phương, giao TCT Cửu Long làm việc với các cục, vụ, tham mưu Bộ GTVT trình Chính phủ bổ sung hàng rào để quản lý tuyến này theo hướng đường cao tốc. Phần vốn dư tập trung đầu tư nút giao với TL963, đảm bảo kết nối với QL80 và dân sinh. Tinh thần là đến cuối tháng 3/2020 hoàn thành toàn bộ để thông tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ được đẩy nhanh thi công để hoàn thành vào tháng 3/2019

Liên quan đến kiến nghị của tỉnh về nâng cấp mở rộng đường Hành lang ven biển phía Nam đoạn từ cửa khẩu Xà Xía đến Rạch Giá để đảm bảo khai thác đồng bộ tuyến từ Cà Mau qua Campuchia, Thái Lan, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh, HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh có văn bản để cùng Bộ GTVT có tiếng nói với Quốc hội, Chính phủ trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư giai đoạn 2 của tuyến này để kết nối liên vận quốc tế.

Tại buổi làm việc với tỉnh An Giang chiều 12/3, trước kiến nghị của tỉnh liên quan đến dự án tuyến tránh nối QL91 và Tuyến tránh TP Long Xuyên, Bộ trưởng đề nghị tỉnh phối hợp với Bộ để kiến nghị Chính phủ sớm đàm phán ký tiếp hiệp định vay vốn cho dự án.

Đối với cầu Châu Đốc, Bộ trưởng đề nghị An Giang nên học mô hình của Quảng Ninh, địa phương tự bỏ kinh phí ra để giải phóng mặt bằng, để khi nhà đầu tư vào sẽ triển khai nhanh hơn, vì chờ nguồn ngân sách Trung ương sẽ lâu. Yêu cầu Vụ PPP và nhà đầu tư, tư vấn, Sở GTVT An Giang, Đồng Tháp rà soát lại phương án tài chính của cầu Châu Đốc và phà Tân Châu - Hồng Ngự, có thể giao cho nhà đầu tư khai thác bến phà này để tạo nguồn vốn hỗ trợ làm cầu Châu Đốc. Về việc kiên cố hóa sạt lở QL91, nâng cấp QL91 đoạn qua TP. Long Xuyên, QL80B… Bộ trưởng giao các cục, vụ phối hợp với địa phương để nghiên cứu thực hiện.

Bộ trưởng giao TCT Cửu Long, khi xây dựng tuyến tránh TP Long Xuyên cần nghiên cứu xây dựng như tiêu chuẩn đường cao tốc, đầu tư hàng rào bảo vệ, xem đây như một phần của tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đây cũng là tuyến đường mà Bộ GTVT đặc biệt quan tâm và lên kế hoạch đầu tư trong giai đoạn tới.

Theo:baogiaothong.vn