Mối lo trông giữ xe dưới gầm cầu cạn

20/07/2023

Góp ý dự thảo Luật Đường bộ, nhiều chuyên gia lo ngại trông giữ xe dưới gầm cầu cạn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, tai nạn và ùn tắc giao thông.

Theo dự thảo Luật Đường bộ đang được lấy ý kiến nhân dân, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất dùng gầm cầu cạn làm nơi trông giữ xe tạm thời, trừ phương tiện chở nhiên liệu, chất gây cháy nổ. Quy định này nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ. Đây cũng là điểm mới so với Luật Giao thông đường bộ hiện hành, quy định người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe trên cầu, gầm cầu vượt.

Tuy nhiên, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh lo ngại việc trông giữ xe dưới gầm cầu cạn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và gây áp lực giao thông trên tuyến đường, nhất là giờ cao điểm. Đô thị như Hà Nội, TP HCM thiếu chỗ đỗ xe, thay vì tận dụng gầm cầu, chính quyền thành phố cần quy hoạch, xây dựng bãi đỗ trên cao, dưới mặt đất để phục vụ người dân và sử dụng đúng mục đích công trình.

Các đô thị đang có không ít dự án treo nhiều năm nay, chính quyền có thể thu hồi hoặc cấp phép để làm bãi xe tạm. Việc này vừa giải quyết nhu cầu đỗ xe của người dân, vừa tránh lãng phí. "Chính quyền đô thị có thể cho phép trông giữ xe tại một số gầm cầu cạn tại khu vực có nhu cầu lớn, đảm bảo an toàn, giao thông, song đưa nội dung này vào luật lại không ổn", ông Thanh nói.

Trông giữ ôtô dưới gầm cầu vành đai 2 Hà Nội. Ảnh: Phạm Chiểu

Đồng quan điểm, PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, cho rằng không gian dưới gầm cầu cạn nên sử dụng trồng cây xanh, vốn đang rất thiếu tại đô thị lớn. Các cầu vượt thường nằm ở các tuyến giao thông huyết mạch, khi xe ra vào điểm trông giữ cần quay đầu, gây cản trở phương tiện khác trên đường.

Ông Chủng dẫn kinh nghiệm nhiều thành phố trên thế giới gầm cầu cạn thường là không gian xanh để người dân thụ hưởng. Trong khi ở Việt Nam, diện tích giao thông tĩnh rất thiếu song chính quyền "ít chú ý phát triển giao thông tĩnh hoặc không gian xanh phục vụ người dân". "Chính quyền đô thị cần xây dựng bãi đỗ xe tĩnh hơn là tận dụng gầm cầu cạn làm nơi trông giữ xe kiểu chắp vá", ông Chủng nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cũng băn khoăn nội dung trên dù dự thảo luật quy định xe chở nhiên liệu, chất gây cháy nổ, hóa chất ăn mòn kim loại, nguy hiểm không được trông giữ dưới gầm cầu để phòng ngừa cháy nổ. Trên thực tế, các đơn vị trông giữ xe dưới gầm cầu không có khả năng và thiết bị kiểm tra để biết phương tiện có chở nhiên liệu dễ cháy nổ hay không. Do vậy, ông đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiêu chí cụ thể hơn với phương tiện được đỗ dưới gầm cầu cạn.

Trái với các ý kiến trên, ông Phan Lê Bình, chuyên gia quy hoạch giao thông, ủng hộ đề xuất dùng gầm cầu cạn trông giữ phương tiện để giải quyết tình trạng thiếu điểm đỗ xe nghiêm trọng ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, theo ông, nên ưu tiên nơi trông giữ xe đạp, xe máy của người dân đi đường sắt đô thị ở dưới gầm cầu cạn tại ga vành đai 3, ga Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ông Bình dẫn chứng, Nhật Bản cũng có một số gầm cầu cạn được bố trí làm nơi trông giữ xe, ưu tiên xe đạp phục vụ người dân đi tàu điện.

Hà Nội hiện vẫn bố trí điểm trông giữ phương tiện dưới một số gầm cầu như cầu vượt Mai Dịch, cầu Vĩnh Tuy, cầu vượt Ngã Tư Vọng. Thành phố từng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh một số quy định của Thông tư số 35 cho phép tổ chức trông giữ phương tiện dưới gầm cầu tại một số điểm đến hết năm 2023.

Theo một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thành phố có gần 8 triệu phương tiện, trong khi diện tích giao thông tĩnh mới đáp ứng được 25% nhu cầu đỗ xe và rất ít dự án bãi đỗ xe ngầm, cao tầng được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Do vậy, Hà Nội phải tận dụng mọi vị trí có điều kiện để phục vụ nhu cầu đỗ, gửi xe của người dân.

Trong dự thảo Luật Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương tiện quá niên hạn sử dụng không được gửi ở nơi trông giữ dưới gầm cầu. Cầu có gầm làm nơi trông xe phải đáp ứng yêu cầu, điều kiện kỹ thuật an toàn, không quá tuổi thọ khai thác, không trong thời gian sửa chữa, kiểm định, quan trắc. Gầm cầu thuộc tuyến phố chính không được dùng để trông xe.

Cơ quan soạn thảo đề xuất khi dùng gầm cầu trông xe phải thiết kế giao thông đấu nối đường bộ trong khu vực và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường. Điểm cao nhất của xe dưới gầm cầu cách điểm thấp nhất của dầm cầu từ 1,5 m. Các xe có khoảng cách với trụ cầu từ 1,5 m, để bảo trì công trình.

Đoàn Loan