Ngày 16/7/2024, phúc đáp đề nghị của Bộ Xây dựng về việc góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP (Nghị định 15) của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) đã đóng góp một số ý kiến xoay quanh Dự thảo Nghị định này.
Cụ thể, Văn bản số 21/2024/VARSI ngày 16/7 nêu, Nghị định 15/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 3/3/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng được coi là bước tiến quan trọng cải thiện quy trình quản lý dự án xây dựng tại Việt Nam, bao gồm các quy định về thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế xây dựng, khảo sát xây dựng, và cấp giấy phép xây dựng.
Mặc dù mang lại nhiều cải thiện, Nghị định này vẫn tồn tại một số bất cập như thủ tục thẩm định thiết kế và cấp giấy phép xây dựng còn nhiều phức tạp dẫn đến tình trạng chậm trễ và khó khăn cho các chủ đầu tư, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý và giám sát các dự án xây dựng cũng gặp nhiều trở ngại.
Nghị định 15/2021/NĐ-CP hiện hành là bước tiến quan trọng cải thiện quy trình quản lý dự án xây dựng, nhưng vẫn tồn tại những bất cập cần thay đổi (Ảnh minh hoạ)
Theo VARSI, việc ban hành một Nghị định mới thay thế Nghị định 15 là cần thiết do dự thảo hiện tại đã sửa đổi, bổ sung toàn diện nhiều điều khoản. Mặc dù việc áp dụng trình tự thủ tục rút gọn là cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhưng cơ sở pháp lý của việc này chưa rõ ràng và chặt chẽ, dẫn đến nguy cơ bị lạm dụng, đề nghị cần có sự giải thích và cơ sở pháp lý cụ thể hơn để đảm bảo tính minh bạch và hợp pháp.
VARSI đưa ra những đề xuất cụ thể nhằm nâng cao tính thuyết phục của Dự thảo Tờ trình, bao gồm việc tập trung vào những điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản và trình bày rõ các vấn đề còn có ý kiến khác nhau để các Bộ, ngành liên quan dễ thảo luận và tìm giải pháp thống nhất.
Liên quan đến việc áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong thiết kế, thi công và quản lý dự án, VARSI cho rằng các quy định đã theo tinh thần của Quyết định 258/QĐ-TTg, tuy nhiên chưa đủ rõ ràng, thiếu quy định về đối tượng và phạm vi áp dụng BIM, dẫn đến sự không nhất quán và khó khăn trong thực thi.
Bộ Xây dựng họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập sửa đổi Nghị định số 15/2021/NĐ-CP (Ảnh: Bộ Xây dựng)
VARSI đề xuất cần có quy định cụ thể về đối tượng bắt buộc sử dụng BIM, dự án bắt buộc sử dụng hay khuyến khích sử dụng BIM, như: các công trình, dự án có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (đầu tư công, có sử dụng vốn Nhà nước ngoài đầu tư công, PPP) hay áp dụng bắt buộc đối với tất cả công trình (đối với tất cả nguồn vốn: ngân sách nhà nước, tư nhân,…) theo cấp công trình từ cấp II trở lên. Bên cạnh đó, kiến nghị cần thống nhất nguyên tắc cơ quan nhà nước sử dụng BIM như một “công cụ hỗ trợ” cho việc quản lý nhà nước trong trật tự xây dựng hay là một “công cụ để quản lý bắt buộc” đối với công trình xây dựng.
Cũng tại Văn bản góp ý, VARSI chỉ rõ cần có quy định cụ thể và quy trình phê duyệt, quản lý, lưu trữ dữ liệu trên hệ thống điện tử để tương thích với với việc ứng dụng BIM và quy định rõ điều kiện về năng lực, bằng cấp chứng chỉ đối với đơn vị tư vấn, đơn vị quản lý dự án, nhà thầu thi công, thậm chí là cả cơ quan quản lý Nhà nước khi áp dụng BIM trong thiết kế, thi công và quản lý dự án xây dựng.
Thực tế như hiện nay, chuyển bản vẽ 3D sang 2D để in và phê duyệt trên bản giấy là chưa tận dụng hết các ưu việt của công nghệ. Việc xây dựng quy trình quản lý dữ liệu điện tử sẽ tối ưu hoá việc ứng dụng công nghệ này, nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính đồng bộ trong quản lý xây dựng.
VS