Ngày 19/11, PGS. TS. Trần Chủng – Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) đã tham dự và phát biểu tại tọa đàm “Tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và bất động sản”.
Toàn cảnh toạ đàm. Ảnh: Quang Huy.
Toạ đàm được tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài và Tạp chí Nhà đầu tư, quy tụ nhiều đại biểu Quốc hội, nguyên Đại biểu Quốc hội, đại diện các bộ ngành, chuyên gia kinh tế, pháp luật và lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chương trình nhằm thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và bất động sản, đặc biệt là các vấn đề pháp lý trong đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Trong khuôn khổ tọa đàm, PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) đã trình bày tham luận với chủ đề “Bàn về một số điểm nghẽn pháp lý của các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP)”. Tham luận chỉ rõ dù Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, số lượng các dự án đầu tư theo hình thức này không những không tăng mà còn giảm đáng kể.
“Điều này đặt ra câu hỏi lớn về tính hiệu quả của khung pháp lý hiện hành và khả năng thực thi trong thực tế”, ông Chủng nêu ý kiến và khẳng định một trong những vấn đề chính là sự thiếu cụ thể trong quy định về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đối với việc giải ngân vốn.
PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch VARSI trình bày tham luận: “Điểm nghẽn đầu tư theo hình thức PPP và kiến nghị giải pháp khắc phục”. Ảnh: Quang Huy.
Dù Điều 70 của Luật PPP quy định nghĩa vụ giải ngân đúng tiến độ là quan trọng, nhưng lại thiếu các biện pháp chế tài nếu Nhà nước không thực hiện đúng cam kết. Điều này làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư tư nhân, tạo ra rủi ro lớn trong quá trình triển khai dự án.
PGS. TS. Trần Chủng cũng đề cập đến việc chưa làm rõ quyền tài sản của nhà đầu tư đối với công trình dự án. Ông nhận định: “Việc làm rõ quyền sở hữu và quyền kinh doanh công trình là yếu tố then chốt để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư. Hiện tại, Luật PPP chỉ đề cập chung về quyền kinh doanh công trình mà không mô tả cụ thể nội dung quyền này và mối quan hệ với quyền sở hữu của Nhà nước”. Ông nhấn mạnh rằng nếu không làm rõ những quyền này, nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn khi quyết định tham gia vào các dự án dài hạn có giá trị lớn. Trong bài tham luận của mình, Ông Chủng cũng nêu hàng loạt các xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật, cách thức triển khai các quy định của pháp luật đặc biệt quy trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án kéo dài nhiều năm làm mất cơ hội của các nhà đầu tư.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Đỗ Minh Ánh, Trưởng Ban Pháp chế Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương nêu rõ các bất cập trong quy định pháp lý liên quan đến việc sử dụng đất và ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án.
“Nhiều địa phương yêu cầu nhà đầu tư phải ký quỹ bổ sung hoặc bảo lãnh tín dụng ngay cả khi đã chi trả khoản tiền lớn để giải phóng mặt bằng, điều này làm tăng gánh nặng tài chính không cần thiết”, bà Ánh nhấn mạnh. Do vậy cần có các quy định minh bạch và thống nhất hơn để tránh tình trạng mất cơ hội đầu tư do quy trình pháp lý kéo dài.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng điểm nghẽn lớn nhất nằm ở tư duy và luật pháp chồng chéo. Ông khẳng định: “Điểm nghẽn về thể chế là ‘nghẽn của nghẽn’. Phải tháo gỡ được các điểm cấp bách trước mắt mới có thể giải quyết những vấn đề kéo dài. Hiện nay, việc làm luật không giải quyết được tắc nghẽn mà chỉ tạo thêm gánh nặng”.
Còn PGS. TS. Dương Đăng Huệ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, cho rằng cần cải cách quy trình xây dựng luật để tránh sự chồng chéo và xung đột, giúp luật pháp liên quan đến vấn đề này trở nên hiệu quả và khả thi hơn.
Để tháo gỡ các điểm nghẽn, GS. TS. Trần Chủng đề xuất một số giải pháp cụ thể. Thứ nhất, cần bổ sung các biện pháp chế tài trong Luật PPP để đảm bảo Nhà nước tuân thủ cam kết giải ngân vốn đúng hạn, thậm chí áp dụng tính lãi trên số vốn chậm giải ngân để bảo vệ lợi ích nhà đầu tư. Thứ hai, cần làm rõ các quy định liên quan đến quyền tài sản của nhà đầu tư, xác định rõ quyền sở hữu và quyền kinh doanh công trình nhằm giảm thiểu rủi ro và tăng cường lòng tin.
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến chuyên gia đã làm rõ thách thức pháp lý mà hình thức đầu tư PPP đang phải đối mặt. Việc thiếu minh bạch và nhất quán trong các quy định pháp luật không chỉ cản trở sự phát triển của các dự án mà còn làm giảm sức hút của Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế. Những giải pháp được đề xuất, nếu được thực hiện, sẽ tạo nên một môi trường đầu tư hấp dẫn và hiệu quả hơn, thúc đẩy sự phát triển bền vững của kết cấu hạ tầng và bất động sản trong giai đoạn tới.
TT