Toạ đàm “Góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư”

07/05/2020

Ngày 06/05/2020, tại Hà Nội, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đồng chủ trì phối hợp với Ủy ban hợp tác công tư - Hội đồng quốc gia về phát triền bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Tọa đàm “Góp ý Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP): Hợp đồng PPP và giải quyết tranh chấp”.

PGS. TS. Trần Chủng và Luật sư Trần Hữu Huỳnh điều hành toạ đàm

Buổi toạ đàm có sự tham dự của đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các chuyên gia, trọng tài viên, các nhà đầu tư, lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ.
Mục đích của tọa đàm để tập hợp ý kiến của các cơ quan, các nhà đầu tư, các chuyên gia về việc thành lập doanh nghiệp dự án, hợp đồng PPP và giải quyết kiến nghị, tranh chấp, xử lý vi phạm trong phương thức đối tác công tư, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật PPP.

Bản chất của đầu tư theo phương thức đối tác công - tư là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ công mà Nhà nước có trách nhiệm cung cấp. Nhiều nội dung liên quan đến các chủ thể, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể với tài sản là công trình của dự án, những vướng mắc, tranh chấp, xử lý sai phạm chưa được nêu một cách thấu đáo, do đó, rất cần được tiếp tục nghiên cứu, thảo luận làm rõ.

Các đại biểu tham gia góp ý cho dự thảo Luật

Tại tọa đàm, PGS.TS. Trần Chủng – Chủ tịch Hiệp hội VARSI cho biết, đến nay dự thảo Luật PPP đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và chuẩn bị trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2020. Trong suốt thời gian qua, đã có nhiều đợt góp ý kiến cho dự thảo. Thành viên Hiệp hội VARSI là một trong những đối tượng bị điều chỉnh của luật này nên việc tham gia góp ý không những là quyền mà còn là nghĩa vụ của Hiệp hội.

Tại tọa đàm, có nhiều tham luận được trình bày, bao gồm những vấn đề liên quan đến hợp đồng PPP; thành lập doanh nghiệp dự án và ký kết hợp đồng PPP; thành lập doanh nghiệp dự án và ký kết hợp đồng PPP; giám sát thực hiện hợp đồng trong giai đoạn xây dựng và quyết toán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu và hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước; giải quyết kiến nghị, tranh chấp và xử lý vi phạm.

Trong quá trình này, có rất nhiều ý kiến trao đổi và thảo luận giữa các diễn giả và thành viên tham dự, tạo ra một bầu không khí tương tác sôi nổi. Các ý kiến tại tọa đàm này chính là cơ sở để giúp nhà làm luật (Quốc hội) xây dựng được chế độ pháp lý phù hợp, góp phần ghi nhận và bảo vệ một cách có hiệu quả, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

Sau tọa đàm, trên cơ sở đóng góp của các đại biểu tham dự, Ban tổ chức sẽ tổng hợp và báo cáo đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Kết quả các buổi tọa đàm được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cơ quan chủ trì xây dựng Luật tiếp thu và nghiên cứu để hoàn thiện dự án.

Như đã biết, dự án PPP đã xuất hiện từ năm 1997, nhưng vẫn chưa có một đạo luật riêng, khuôn khổ pháp lý và thể chế về PPP cũng chưa hoàn chỉnh, từ đó gây ra rất nhiều bất cập, khó khăn trong việc thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Nguyễn Cường