Kiến nghị gỡ điểm nghẽn về vốn đầu tư các dự án hạ tầng giao thông

20/03/2025

Ngày 19/3, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) đã tham dự và phát biểu tại hội thảo “Cơ hội đầu tư trong bối cảnh mới”, tổ chức bởi Tạp chí Nhà đầu tư.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các bộ ngành thuộc Chính phủ, đội ngũ chuyên gia kinh tế, ngân hàng và các doanh nghiệp trong nước.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Phạm Thắng.

Trong khuôn khổ hội thảo, PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch VARSI, đã chia sẻ về những thách thức lớn mà các nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông phải đối mặt, đặc biệt là vấn đề vốn. Ông cho biết một trong những thách thức lớn nhất đối với các dự án hạ tầng giao thông áp dụng phương thức, đối tác công - tư (PPP), là việc huy động nguồn vốn, nhiều dự án không thể thực hiện được vì có những “điểm nghẽn” về vốn, hạn mức tín dụng và thời hạn vay.

Vấn đề nổi cộm mà PGS. TS Trần Chủng đề cập là thời hạn vay vốn tín dụng của các ngân hang thương mại. Ông cho biết, các nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông không thể vay quá 20 năm, trong khi phương án tài chính của một số dự án lại yêu cầu thời gian vay lên đến hơn 30 năm. Điều này tạo ra một rào cản lớn đối với các dự án BOT quy mô lớn trong lĩnh vực giao thông. PGS. TS Trần Chủng đặt câu hỏi liệu có cơ hội nào để giải quyết bài toán vốn cho các dự án giao thông đầu tư theo phương thức PPP, đặc biệt là đối với các dự án yêu cầu thời gian vay dài hơn.

Ông cũng kiến nghị cần sớm có các quỹ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để giúp nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay cho các dự án này với lãi suất và thời gian vay hợp lý. “Liệu có thể có những giải pháp tài chính mới, như có các quỹ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hoặc phát hành trái phiếu hạ tầng để các nhà đầu tư có thể tiếp cận vốn dài hạn cho các dự án giao thông không?”, PGS. TS Trần Chủng nêu.

Cùng thảo luận về vấn đề này, bà Phạm Thị Thùy Linh, Trưởng Ban Phát triển thị trường chứng khoán (thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước), cho biết Chính phủ rất quan tâm đến việc thu hút vốn cho các dự án hạ tầng đặc biệt hạ tầng giao thông. Theo bà Linh, Bộ Tài chính đang nghiên cứu và xây dựng các quy định pháp lý nhằm tạo ra cơ chế huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu để phục vụ các dự án cơ sở hạ tầng. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã được giao nhiệm vụ này và hiện đang triển khai thành lập một tổ nghiên cứu để thực hiện các bước tiếp theo, nhằm giúp các dự án này có thể thực thi và đạt được tính khả thi cao.

Bà Phạm Thị Thuỳ Linh cũng cho biết rằng Chính phủ đang tập trung vào việc xây dựng một hệ thống tài chính minh bạch và hiệu quả để thu hút nguồn vốn dài hạn, giúp giảm bớt khó khăn trong việc tìm kiếm vốn cho các dự án lớn. Điều này có thể giúp cải thiện tình trạng thiếu vốn cho các dự án hạ tầng giao thông và giải quyết các vấn đề về tín dụng và thời gian vay.

PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông Việt Nam, phát biểu tại hội thảo “Cơ hội đầu tư trong bối cảnh mới” về các thách thức trong việc huy động vốn cho các dự án giao thông. Ảnh: Phạm Thắng.

PGS. TS Trần Chủng bày tỏ kỳ vọng các nhà soạn thảo pháp luật sẽ lắng nghe ý kiến đóng góp từ các đối tượng mà pháp luật điều chỉnh để từ đó cải cách quy trình soạn thảo và góp phần nâng cao thính khả thi luật pháp trong thực tiễn. Ông chia sẻ rằng, trong khi một dự án PPP được triển khai trong 2 năm, thì thủ tục hành chính lại kéo dài đến 6 năm, vì vậy rất mong các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu để giảm bớt các thủ tục hành chính trong thực thi pháp luật để không làm mất cơ hội của nhà đầu tư.

PGS. TS Trần Chủng hy vọng rằng, trong thời gian tới, Đảng sẽ ban hành các chủ trương lớn về Doanh nghiệp tư nhân, Nhà nước cần sửa đổi các quy định pháp lý liên quan, đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân và cơ quan quản lý, tạo sự hợp tác bình đẳng. Ông cũng đề cập đến phát biểu gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm về quyền tài sản của nhà đầu tư tư nhân. Đồng thời, kỳ vọng rằng trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết riêng dành cho doanh nghiệp tư nhân, giúp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Với những khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn cho các dự án giao thông, PGS. TS Trần Chủng và các chuyên gia mong muốn Chính phủ tiếp tục cải cách và phát triển các cơ chế tài chính, tạo sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà đầu tư tư nhân và các cơ quan quản lý sẽ giúp tháo gỡ những rào cản về vốn, thủ tục hành chính và pháp lý, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của hạ tầng giao thông Việt Nam trong tương lai.

Bên cạnh đó, các phát biểu tại hội thảo này cũng nhấn mạnh doanh nghiệp cần có quan điểm, nhận thức về việc chuyển sang kinh tế số, doanh nghiệp số, sản xuất và kinh doanh xanh là giải pháp quan trọng trong bối cảnh mới.

THẢO GIANG