Nhà đầu tư kiến nghị giải quyết tồn tại cũ dự án BOT

09/09/2020

Ngày 08/9/2020, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn triển khai các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)”.

Chương trình toạ đàm được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, do PGS. TS. Trần Chủng - Chủ tịch VARSI chủ trì, có sự tham dự của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chuyên gia lĩnh vực pháp lý và 9 doanh nghiệp là các nhà đầu tư BOT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ trên cả nước. Tại tọa đàm, các vấn đề bất cập trong triển khai các dự án PPP được các nhà đầu tư nêu ra và thảo luận.

Theo PGS. TS. Trần Chủng, thực tiễn trong quá trình triển khai dự án từ trước đến nay đã phát sinh nhiều khó khăn như phương án tài chính bị ảnh hưởng, khó khăn trong thanh quyết toán công trình, các dạng vi phạm hợp đồng dự án từ phía nhà đầu tư, cơ quan nhà nước.

PGS. TS. Trần Chủng – Chủ tịch VARSI điều hành tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phan Văn Thắng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả Cả cho biết, tại dự án hầm Đèo Cả, phần vốn ngân sách Nhà nước tham gia là 5.048 tỷ đồng, tuy nhiên, đến nay mới giải ngân 3.868 tỷ đồng, còn 1.180 tỷ đồng chưa được bố trí như cam kết, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả sử dụng vốn, phát sinh lãi vay tín dụng, ảnh hưởng đến phương án tài chính tổng thể của dự án. Ngoài ra, theo hợp đồng, nhà đầu tư được thu phí tại 7 trạm để hoàn vốn, song thực tế hiện dự án hầm Đèo Cả chỉ được thu phí 5 trạm đã gây thâm hụt nguồn thu.

Ông Phan Văn Thắng - Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết Luật PPP chỉ quy định cơ chế chia sẻ rủi ro đối với các dự án mới mà chưa có quy định cụ thể đối với các dự án đã và đang triển khai

Ông Đinh Văn Tiếp, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phương Nam cho hay, trong tình hình dịch bệnh, lưu lượng xe giảm, mức phí lại không được tăng, dự án sụt giảm doanh thu nên ngân hàng dễ đưa vào nhóm nợ xấu. Doanh nghiệp còn có nhiều dự án khác nên nếu bị đưa vào nợ xấu thì rất khó vay vốn. Đại diện BOT Quốc lộ 1 qua Bình Thuận cũng cho rằng, dự án này đáng lẽ đã tăng phí 2 lần song đến nay chưa được tăng. Nếu không tăng phí, dự án sẽ kéo dài thời gian thu phí đến 40 năm. Ngoài ra, các dự án BOT đưa vào sử dụng 5-6 năm đã đến lúc phải duy tu, sửa chữa, nếu không vay được vốn thì không có nguồn để duy tu. Dự án khó khăn do nguyên nhân khách quan như không được tăng phí, giảm lưu lượng, không phải lỗi của nhà đầu tư.

Cùng quan điểm, ông Lê Minh Dũng - Trưởng phòng Đầu tư Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 cho biết theo hợp đồng ký kết, giá phí được tăng 3 năm/lần, nhưng trạm BOT Bến Thuỷ và Nghi Sơn - Cầu Giát hiện chưa được tăng. Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đã khai thác hơn 2 năm, theo hợp đồng được thu phí hoàn vốn 2 trạm, nhưng hiện mới chỉ được thu 1 trạm, doanh thu chỉ đạt 15% phương án tài chính. “Hiện phương án giải quyết rất bế tắc, nhà đầu tư nhiều lần gửi văn bản đề nghị Bộ GTVT cho phép thu phí hoặc mua lại dự án, nhưng sau 2 năm vẫn chưa chốt được”, đại diện CIENCO4 chia sẻ.

Ông Lê Minh Dũng - Trưởng phòng Đầu tư Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4

Ông Lưu Quốc Khánh - PGĐ Công ty TNHH BOT Phú Hà - nhà đầu tư Dự án BOT Cầu Việt Trì - Ba Vì cho biết, Dự án Cầu Việt Trì đưa vào thu phí từ tháng 4/2019 nhưng đến nay so với phương án tài chính ban đầu doanh thu chỉ đạt 20-30%. Mức doanh thu này không đủ để nhà đầu tư duy trì hoạt động, chỉ đủ trả lãi vay. Doanh thu cầu Việt Trì - Ba Vì giảm là do lưu lượng xe phân lưu với cầu Hạc Trì nên không đúng với dự báo lưu lượng. “Với lưu lượng và phương án tài chính thu phí như hiện nay thì 100 năm nữa dự án cũng không thể hoàn được vốn. Do vậy chúng tôi đề xuất Nhà nước mua lại một phần để hỗ trợ dự án vì hiện nay nhà đầu tư rất bế tắc”, đại diện Công ty TNHH Phú Hà.

Cũng tại tọa đàm, ông Văn Thành Tâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty BOT cầu Bạch Đằng phát biểu: “Dự án thu phí từ tháng 10/2018, nhưng tới nay mới đạt 30% doanh thu so với phương án tài chính ban đầu, lưu lượng xe dựa trên báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) đã được UBND tỉnh Quảng Ninh xây dựng, nhưng thực tế lưu lượng hiện chỉ xấp xỉ 40%. Hợp đồng BOT có rất nhiều điều khoản mở để 2 bên đàm phán, nhưng chúng tôi đã bàn nhiều lần nhưng chưa giải quyết thấu đáo. Doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ theo các phương án bằng nguồn ngân sách để bù cho phần âm lãi vay vì không đủ doanh thu trả lãi, hoặc nhà nước mua lại dự án hoặc chia sẻ rủi ro”. Nhà đầu tư này cũng kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cũ cho các nhà đầu tư, sớm thực hiện các cam kết hỗ trợ.

Ông Văn Thành Tâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty BOT cầu Bạch Đằng kiến nghị Chính phủ sớm giải quyết các cam kết hỗ trợ từ phía Chính phủ.

Ông Nguyễn Bằng Giang, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Hùng Thắng,nêu khó khăn của Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 32 đoạn Cổ Tiết - cầu Trung Hà: “Doanh thu đạt 50-60% do phân lưu dòng xe sang QL70 không thu phí, các phương tiện miễn giảm vượt phương án tài chính đồng thời dự án lại chưa được tăng phí theo hợp đồng đã ký kết.

Toàn cảnh tọa đàm

Chủ tịch VARSI cho biết sẽ tập hợp ý kiến các nhà đầu tư và gửi tới Chính phủ, các Bộ, ban ngành liên quan kiến nghị giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư. “Cam kết của nhà nước hỗ trợ cho nhà đầu tư phải thực hiện đúng, như dự án Trung Lương - Mỹ Thuận gỡ được tín dụng, 4 ngân hàng cho vay ngay vì nhà nước thực hiện cam kết hỗ trợ vốn. Thay đổi chính sách địa phương như đề nghị bớt đi 1 trạm thu phí, làm thêm 1 tuyến song hành phân lưu... ảnh hưởng rất nhiều”, PGS.TS Trần Chủng nói.

Chủ tịch VARSI cũng thừa nhận một số dự án BOT trước đây chưa chuẩn mực theo phương án đối tác công tư, tạo nên một số hình ảnh “nhơ nhuốc”, vì thế phải sửa lại hình ảnh, làm sao cho các nhà đầu tư PPP sắp tới không phải tuyên bố vỡ nợ.

Ngọc Trang