Vì sao cần tăng vốn góp nhà nước tại dự án PPP giao thông có tính đặc thù?

27/11/2023

Việc tăng tỷ lệ vốn góp của nhà nước vào các dự án PPP giao thông đi qua vùng địa hình khó khăn, lưu lượng xe thấp được đánh giá sẽ giúp phương án tài chính của dự án khả thi hơn, các ngân hàng cũng sẽ tự tin trong việc tài trợ vốn.
Ưu tiên dự án vùng sâu vùng xa

Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ được trình Quốc hội xem xét, thông qua lần này đề xuất tăng tỷ lệ vốn nhà nước đối với một số dự án đối tác công - tư (PPP) có tính đặc thù.

Đồng Đăng - Trà Lĩnh hiện đang là một trong những dự án đường bộ cao tốc đang trông chờ cấp có thẩm quyền xem xét, tăng tỷ lệ vốn góp nhà nước để đẩy nhanh tiến độ đầu tư (Ảnh phối cảnh dự án).

Trong đó, Đồng Đăng - Trà Lĩnh là một trong những dự án được kiến nghị xem xét tăng nguồn vốn ngân sách nhà nước lên 70%.

Theo đánh giá, đây là dự án có doanh thu và lưu lượng xe rất thấp. Nếu vốn ngân sách nhà nước tham gia ở mức không quá 50% như quy định hiện hành, phương án tài chính sẽ thiếu khả thi.

"Chủ trương nâng vốn nhà nước trong các dự án PPP đến các dự án ở vùng sâu vùng xa là điều cần thiết", ông Vũ Tiến Lộc, ĐBQH thành phố Hà Nội nhận định.

Ở góc độ hiệp hội chuyên ngành, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN (Varsi) cho rằng, một số dự án đường cao tốc nối các trung tâm kinh tế, chính trị của đất nước tới các vùng sâu, vùng xa như: cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), Tân Phú - Bảo Lộc (Lâm Đồng) sẽ mang lại ý nghĩa xã hội, chính trị và an ninh.

Các nhà đầu tư trong hiệp hội có khát vọng tham gia thực hiện các dự án ý nghĩa này nhưng đang gặp muôn vàn khó khăn.

Nguyên nhân bởi lưu lượng phương tiện rất thấp, trong khi công trình qua các vùng địa hình, địa mạo phức tạp cần chi phí đầu tư xây dựng công trình lớn dẫn đến phương án tài chính không khả thi. Các cuộc đàm phán, tìm nhà đầu tư tài chính đều gặp trở ngại.

Theo ông Chủng, các ngân hàng thương mại chỉ chấp nhận thời gian cho vay dưới 20 năm, phương án khả dĩ là từ 15 - 18 năm.

"Với việc tăng vốn góp của nhà nước tăng lên 70 - 75%, phương án tài chính có thể khả thi hơn.

Khi thời gian hoàn vốn khoảng trên dưới 20 năm, ngân hàng mới có thể đồng ý ngồi vào đàm phán với nhà đầu tư về các khoản tín dụng cho dự án", lãnh đạo Varsi chia sẻ.

Tiêu chí lựa chọn dự án áp dụng cơ chế đặc thù tăng tỷ lệ vốn góp nhà nước cần ưu tiên các công trình tại khu vực có ý nghĩa về xã hội như: Vùng có tỷ lệ đồng bào dân tộc, tỷ lệ người nghèo cao hay các vùng có các di sản, quê hương cách mạng nhưng kinh tế chưa phát triển, cần có đường cao tốc để kích hoạt.

Chủ tịch Varsi Trần Chủng

Tùy đặc thù, bối cảnh để quyết định tỷ lệ vốn
Phân tích lý do cơ chế tăng vốn nhà nước cần sớm được cho phép áp dụng, theo Chủ tịch Varsi Trần Chủng, khoản 2 Điều 60 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không vượt quá 50% tổng mức đầu tư.

Luật cũng quy định vốn nhà nước được dùng cho việc chi trả kinh phí bồi thường, GPMB và hỗ trợ xây dựng công trình của dự án trong giai đoạn thực hiện.

Thực tế, nhiều dự án đầu tư xây dựng, chi phí đền bù, GPMB chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng mức đầu tư, nguồn vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình thấp buộc nhà đầu tư phải huy động từ các nguồn lực khác trong xã hội ngoài nguồn vốn chủ sở hữu.

Trong khi đó, nguồn vốn huy động cho các dự án PPP ở nước ta hiện nay duy nhất có thể vay được tín dụng từ các ngân hàng thương mại.

"Nhiều dự án có lưu lượng xe thấp, phương án tài chính không khả thi, thời gian thu phí kéo dài trên 20 năm hoặc hơn 30 năm, các ngân hàng thương mại đều "đóng cửa".

Thẳng thắn nhìn nhận, từ khi Luật PPP khống chế vốn nhà nước tham gia dự án không vượt quá 50% tổng mức đầu tư có hiệu lực, hầu như chưa dự án PPP giao thông nào được triển khai", ông Chủng chia sẻ.

Trước đó, trên diễn đàn Quốc hội, đề xuất tăng tỷ lệ vốn góp nhà nước tại dự án PPP giao thông nhận được sự ủng hộ của nhiều đại biểu.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái Bình, tỷ lệ tham gia phần vốn ngân sách của nhà nước có thể tăng đến 80% tổng mức đầu tư. Song, tùy vào từng bối cảnh, đặc điểm dự án, các địa phương có thể đàm phán tỷ lệ vốn góp của ngân sách nhà nước một cách phù hợp.

Trong khi đó, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp thì đề nghị nghiên cứu, đối với các trường hợp dự án có lưu lượng giao thông ít, giải phóng mặt bằng khó, tỷ lệ phần vốn tham gia của nhà nước có thể lên đến 70%.

Đánh giá việc việc nâng tỷ lệ vốn nhà nước tại các dự án PPP giao thông để bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân là cần thiết, nhất là ở các dự án có lưu lượng xe thấp, nhu cầu vận tải không cao, khả năng thu hồi vốn thấp, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ góp vốn từ 70 - 75% là hợp lý.

Tuy nhiên, việc ấn định tỷ lệ cụ thể là bao nhiêu phải tùy từng dự án cụ thể và khả năng cân đối với của nhà nước ở thời điểm xem xét đầu tư dự án.

Nam Khánh

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-can-tang-von-gop-nha-nuoc-tai-du-an-ppp-giao-thong-co-tinh-dac-thu-192231127144737596.htm