Tọa đàm "Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP"

20/10/2020

Ngày 19/10/2020 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tọa đàm “Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)”.

Chương trình toạ đàm được đồng điều hành bởi bà Vũ Quỳnh Lê - Cục phó Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), PGS. TS. Trần Chủng - Chủ tịch VARSI, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp Chế VCCI với sự tham dự của các chuyên gia, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực là đối tượng điều chỉnh của Luật PPP.

Bà Vũ Quỳnh Lê - Cục phó Cục Quản lý đấu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Phát biểu tại toạ đàm, bà Vũ Quỳnh Lê đưa ra 7 nhóm vấn đề chính thảo luận và lấy ý kiến tại toạ đàm bao gồm: Lĩnh vực, quy mô đầu tư; hội đồng thẩm định sự án PPP; chấm dứt hợp đồng dự án; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; quy trình dự án PPP; ưu đãi cho nhà đầu tư cam kết sử dụng nhà thầu, hàng hóa, vật tư, vật liệu, thiết bị trong nước; quy định chuyển tiếp.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Theo đánh giá từ ông Phan Vinh Quang – Giám đốc Dự án Nghiên cứu, đánh giá và phân tích USAID (LEAP III), Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP về cơ bản đã bám sát nội dung của Luật. Luật PPP đưa ra một số ưu đãi và hỗ trợ từ Chính phủ, Dự thảo Nghị định hiện tại cần bổ sung cụ thể tiêu chí và thủ tục áp dụng. Thêm vào đó, cần thúc đẩy cơ hội đầu tư đối với các dự án PPP bằng việc công bố các dự án tiềm năng cho các nhà đầu tư thông qua một hệ thống cổng thông tin tập trung để nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận và cập nhật.

Ông Phan Vinh Quang phát biểu tại tọa đàm

Ông Đặng Xuân Chinh – Phó Giám đốc Ban Kiểm soát nội bộ - Pháp chế Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, nhà đầu tư hạ tầng giao thông có kinh nghiệm tham gia nhiều dự án BOT, cho biết: “Thực tiễn đối với các dự án PPP từ giai đoạn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, triển khai xây dựng đến khai thác, vận hành đều gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ chế chính sách chưa được quy định đồng bộ hoặc chưa được hướng dẫn một cáchchi tiết”. Đối với việc lựa chọn chính sách được áp dụng để xem xét, thực hiện quy định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án PPP, sửa đổi hợp đồng dự án PPP hoặc áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu quy định tại Luật PPP, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm cơ quan nhà nước cấp địa phương và thực tế có các dự án PPP do cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị lựa chọn phương án “Quyết định, văn bản hành chính của cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương và cấp địa phương (quyết sách của cả cấp Trung ương và địa phương)”. Ông Đặng Xuân Chinh nói thêm, đối với việc lựa chọn quy mô tổng mức đầu tư, đề xuất “Áp dụng quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật PPP”bởi phân nhóm dự án PPP có thể thay đổi và trong phân nhóm dự án không có tiêu chí về địa lý.

Theo đại diện Cục Quản lý đấu thầu: “Các quy định liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn sẽ được Ban Soạn thảo tiếp tục ghi nhận ý kiến của các cơ quan liên quan để cụ thể hóa trong Dự thảo Nghị nhằm đảm bảo quyền, trách nhiệm của cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư”.

Tham luận từ góc độ nhà làm luật với sự mong mỏi Nghị định khi ban hành nhận được sự hưởng ứng từ nhiều nhà đầu tư, Luật sư Lê Nết – Công ty Luật LNT & Partners nhận định: “Quyền tiếp cận mặt bằng sớm và đúng hạn là yếu tố cơ bản cho việc hoàn thành kịp thời các công việc do đó cơ quan nhà nước sẽ chịu trách nhiệm đối với việc chậm trễ hay các khoản chi phí gia tăng nào phát sinh do việc chậm bàn giao mặt bằng dự án, nếu việc chậm trễ đó ảnh hướng đến tiến độ thi công trên thực tế”.

PGS. TS. Dương Đăng Huệ - Nguyên Vụ trưởng vụ Pháp luật Dân sự (Bộ Tư pháp) ghi nhận sự cố gắng và những thay đổi tích cực về nội dung Dự thảo Nghị định sau mỗi lần điều chỉnh và lấy ý kiến. Ông đồng tình với quan điểm, việc chậm trễ tiến độ dự án không thể coi là vi phạm nghiêm trọng của nhà đầu tư để làm cơ sở chấm dứt hợp đồng trước thòi hạn. Mặt khác, ông cho rằng, cần có những quy định cụ thể, lãm rõ cho Luật PPP về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của hội đồng thẩm định dự án.

PGS. TS. Dương Đăng Huệ phát biểu tham luận

Đại diện cho các nhà đầu tư PPP về hạ tầng giao thông, PGS. TS. Trần Chủng cho rằng: “Tâm thế của nhà nước khi ký kết hợp đồng dự án là không chịu đứng bình đẳng với nhà đầu tư. Cam kết cấp vốn cho dự án giữa nhà nước và ngân hàng còn giằng co, dẫn đến dự án không có nguồn vốn để thực hiện. Cần có thêm các phương án huy động vốn tạo điều kiện thuận lợi để các dự án PPP được triển khai”.

PGS. TS. Trần Chủng nhận định

PGS. TS. Trần Chủng nhận định

PGS. TS. Trần Chủng nhận định

Sau buổi toạ đàm, các nhận định, ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, các doanh nghiệp sẽ được tổng hợp và làm cơ sở tham gia xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP.

Ngày 18/6/2020 Quốc hội ban hành Luật PPP số 64/2020/QH14 tạo hành lang pháp lý nhằm đẩy mạnh phát huy tiềm năng, huy động nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Luật PPP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì xây dựng, VARSI là thành viên ban Soạn thảo Nghị định Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP. Nghị định cần được triển khai nghiên cứu để ban hành kịp thời trước ngày Luật PPP có hiệu lực thi hành và cần đảm bảo tính hợp lý, khả thi khi áp dụng vào thực tiễn.

Ngọc Trang