Thành lập Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam: Để có tiếng nói thống nhất, đại diện các nhà đầu tư

11/10/2018

Kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta đang ngày càng được hoàn thiện và hiện đại là nhờ có sự góp công rất lớn từ các nhà đầu tư tâm huyết. Tuy vậy, vấn đề cơ chế chính sách và thủ tục hành chính hiện vẫn đang là trở lực, “trói tay” các nhà đầu tư, làm giảm đi “sức nặng” của một chủ trương đúng đắn của Nhà nước về thu hút đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có hợp đồng BOT. Trong bối cảnh như hiện nay, việc xúc tiến ra đời Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam là yêu cầu cấp thiết.

Khẳng định vị thế nhà đầu tư hạ tầng giao thông

Hạ tầng giao thông phát triển tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy các ngành kinh tế cùng phát triển, và điều này đặc biệt có ý nghĩa hơn với ngành logistics thông qua các hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa. Thực tế đã chứng minh, các nền kinh tế phát triển trên thế giới đều thuộc về các quốc gia có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại.

Hiện nay, bên cạnh những chính sách ưu tiên đầu tư phát triển công trình hạ tầng giao thông từ nguồn ngân sách Nhà nước, thì chính sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tư nhân… đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước theo hướng an toàn, hiện đại, đặc biệt là ở lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), giao thông đường bộ nước ta có tổng chiều dài khoảng 570.448km trong đó quốc lộ 24.136km, hiện đã đưa vào khai thác sử dụng 14 tuyến đường cao tốc với hơn 816km; phấn đấu trong giai đoạn (2018 – 2021) sẽ hoàn thành 2.100km chạy qua 32 tỉnh thành, tiêu biểu như: tuyến cao tốc Bắc – Nam, Bắc Giang – Lạng Sơn, Hà Nội – Hải Phòng, Cam Lộ (Quảng Trị) – La Sơn (Thừa Thiên Huế), TP.HCM – Cần Thơ… Bên cạnh các dự án cao tốc đường bộ, Bộ GTVT cũng chú trọng việc đầu tư xây dựng các hầm đường bộ xuyên qua đèo, qua núi… bởi ý nghĩa đặc biệt quan trọng của những công trình này trong việc phát triển kinh tế, an sinh xã hội kết nối các vùng kinh tế. Ngoài các hầm đường bộ đã đưa vào sử dụng như: hầm Hải Vân, hầm Đèo Cả…, Bộ GTVT cùng các nhà đầu tư đã đặt mục tiêu, trước năm 2020 sẽ hoàn thành dự án hầm Cù Mông, hầm Hải Vân 2. Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ có chủ trương, nguồn vốn chủ yếu sẽ được huy động từ các nhà đầu tư tư nhân qua các hình thức hợp tác như: BOT, BTO, BT, PPP…

Cuộc họp ra mắt Ban vận động thành lập Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam

Cuộc họp ra mắt Ban vận động thành lập Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam

Minh bạch, công bằng cho nhà đầu tư

Mặc dù, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư, nhưng qua thực tế đầu tư thực hiện các dự án, nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam hiện nay gặp phải nhiều khó khăn, rào cản như: khung pháp lý, hệ thống văn bản pháp luật hiện tại chưa đầy đủ, chưa phù hợp với đặc thù hình thức đầu tư PPP, chưa có chính sách đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho nhà đầu tư. Cơ quan quản lý nhà nước chưa thể hiện sự bình đẳng trong việc thực hiện các điều khoản của hợp đồng. Ngoài hợp đồng, quyền lợi của nhà đầu tư còn chịu ảnh hưởng bởi các văn bản quy phạm, văn bản hành chánh của cơ quan quản lý nhà nước. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khó khăn của dự án và nhà đầu tư; và cộng đồng, xã hội truyền thông trong nước chưa nhận thức đầy đủ nên chưa có sự đồng thuận với hình thức đầu tư PPP…

Đơn cử như, tại Hội nghị toàn quốc về tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng gần đây do Chính phủ chủ trì, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả - Nhà đầu tư dự án hầm đường bộ Đèo Cả, dự án mở rộng hầm Hải Vân 2… đã thẳng thắn nêu ra những tiêu cực từ cơ quan quản lý gây trở ngại, khó khăn cho nhà đầu tư, cụ thể là Quyết định 4255/QĐ-BGTVT có nhiều điểm không hợp lý hay Thông tư 35/2016/TT-BGTVT bỏ lọt đối tượng áp dụng là các dự án hầm đường bộ ảnh hưởng đến các quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.

Hay, trong các tình huống người dân bức xúc, phản ứng trước việc vị trí đặt các trạm thu giá BOT, thu phí qua trạm chưa hợp lý… thường dư luận, truyền thông trước tiên sẽ đứng về phía người dân, gây áp lực với nhà đầu tư mặc dù nhiều trường hợp nhà đầu tư làm đúng theo hợp đồng và sai sót thuộc về cơ quan quản lý. Khi gặp khó khăn như trên các nhà đầu tư phải tự mình gõ cửa nhà quản lý để khiếu nại, hiện chưa có một tổ chức nào đại diện cho tiếng nói của các nhà đầu tư công trình giao thông Việt Nam để làm cầu nối thông tin với Nhà nước và các kênh truyền thông.

Hiệp hội – tổ chức gắn kết và bình đẳng giữa các bên

Qua thực tiễn đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm quốc gia như Hầm đường bộ Đèo Cả, dự án hầm Hải Vân 2, dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và Hữu Nghị - Chi Lăng… nhận thấy sự cần thiết ra đời một tổ chức Hiệp hội để có thể đại diện cho các nhà đầu tư trong các cuộc đối thoại với cơ quan quản lý nhà nước và người dân, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT/TGĐ Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã mạnh dạn đưa ra chủ trương và cùng Ban cố vấn của mình vận động thành lập Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam. Chủ trương này nhận được sự đồng thuận của Bộ GTVT qua quyết định số 92/QĐ-BGTVT ngày 15.5.2018 về việc công nhận Ban Vận động thành lập Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam.

Các thành viên Ban vận động thành lập Hiệp hội và giới truyền thông

Các thành viên Ban vận động thành lập Hiệp hội và giới truyền thông

Hiện các thủ tục và quy trình thành lập Hiệp hội đang được triển khai. Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp bao gồm các hội viên là doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan của ngành… với mong muốn góp sức xây dựng ngành và nhu cầu được kinh doanh bình đẳng, minh bạch, góp phần tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam.

Hiệp hội hoạt động theo tôn chỉ, mục đích là kết nối các nhà đầu tư có nhu cầu kinh doanh bình đẳng, minh bạch góp phần tạo môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng, hiện đại và thu hút. Sàng lọc, liên kết các Nhà đầu tư có năng lực, tạo sức mạnh tập thể để cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài ở các dự án hạ tầng giao thông sắp tới. Đối thoại, góp ý phản biện các chính sách và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, quản lý dự án, hỗ trợ cùng nhau phát triển.

Dự kiến trong tháng 9.2018, sẽ diễn ra kỳ Đại hội đầu tiên và ra mắt Ban chấp hành; khi được các cơ quan quản lý chuyên trách thông qua Điều lệ thì Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam sẽ chính thức đi vào hoạt động, tạo thêm dấu ấn phát triển mới cho ngành giao thông Việt Nam trong thời kỳ mới.

Bài: Hồng Út & Ảnh: Quang Tuấn