Lý do Bộ GTVT lại đề xuất mua 8 dự án BOT

11/10/2022

Bộ GTVT đề xuất mua lại bốn dự án BOT đặt sai vị trí trạm, một dự án có phương án thu phí không khả thi và ba dự án bị phá vỡ phương án tài chính…

Bộ GTVT vừa tiếp tục đề xuất Chính phủ trình Quốc hội (QH) chấp thuận chủ trương mua lại tám dự án BOT. Đây không phải là lần đầu Bộ GTVT đưa ra đề xuất, tuy nhiên đến nay QH chưa quyết vấn đề này.

Bài học “lấy ý kiến nhân dân”

So với tờ trình QH trước đây, lần này Bộ GTVT có báo cáo rất kỹ để giải trình, làm rõ những ưu điểm, bất cập của các dự án BOT. Trong đó, bộ đúc kết ra sáu bài học kinh nghiệm, đáng chú ý là bài học về sự công khai, minh bạch và hiệu quả khi triển khai đầu tư; chú trọng, thực hiện nghiêm túc công tác tham vấn, lấy ý kiến của nhân dân khi triển khai các dự án.

Để chứng minh tính minh bạch của dự án BOT, Bộ GTVT khẳng định đến nay đã có khoảng 131 đoàn thanh tra, kiểm tra. Trong đó, Kiểm toán Nhà nước 74 đoàn, Thanh tra Chính phủ 11 đoàn, Thanh tra Bộ KH&ĐT 15 đoàn, Thanh tra Bộ Xây dựng ba đoàn và Thanh tra Bộ GTVT 28 đoàn.

Ngoài những mặt được, các đoàn thanh tra chỉ ra một số sai sót trong quá trình thẩm định tổng mức đầu tư, dự toán, một số bất cập về trạm thu phí, vướng mắc về doanh thu thu phí. Từ đó yêu cầu Bộ GTVT thực hiện giảm trừ tổng mức đầu tư, xác định lại thời gian thu phí hoàn vốn; khẩn trương rà soát, thực hiện các giải pháp xử lý bất cập về trạm thu phí.

Bộ GTVT đề xuất bố trí 1.879 tỉ đồng trả cho nhà đầu tư và chấm dứt hợp đồng đối với dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91. Ảnh: QUỲNH ANH

Theo đó, Bộ GTVT đã dừng triển khai 11 dự án BOT trên tuyến đường hiện hữu, chỉ đầu tư tuyến mới. Tổ chức kiểm điểm và rút kinh nghiệm tập thể, cá nhân có liên quan, không để xảy ra những tồn tại, hạn chế tương tự khi triển khai các dự án tiếp theo.

Đối với vị trí đặt trạm, Bộ GTVT đã xử lý 14/18 trạm thu phí có bất cập. Bốn trạm thu phí còn lại vượt thẩm quyền của Bộ GTVT, do phải bố trí vốn.

Cần chi 13.115 tỉ đồng mua lại các trạm

Để giải quyết triệt để các bất cập tại trạm BOT, Bộ GTVT cho biết chỉ còn cách mua lại tám dự án BOT. Trong đó, bốn dự án đang có bất cập về vị trí đặt trạm gồm:

Trạm thu phí La Sơn - Túy Loan, đây là dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (gồm bốn công trình hầm là Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân). Theo quyết định của Thủ tướng, dự án sau khi hoàn thành được hoàn vốn tại bảy trạm thu phí, trong đó có trạm La Sơn - Túy Loan. Nói đúng hơn thì đây là dự án đầu tư một nơi, thu phí một nơi.

Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất Nhà nước trả 2.280 tỉ đồng để hỗ trợ dự án. Sau đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng đề án thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan để thu hồi vốn cho Nhà nước.

Dự án đầu tư xây dựng quốc lộ (QL) 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa, được Thủ tướng chấp thuận đầu tư hạng mục đường tránh và đường vành đai phía tây TP. Nhà đầu tư được phép thu phí trên tuyến QL1 để hoàn vốn. Hiện dự án đã thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh và được Bộ GTVT dừng thu phí vào năm 2017. Đối với đường vành đai phía tây, đã hoàn thành vào năm 2019 nhưng đến nay chưa được thu phí trên QL1 để hoàn vốn.

Để gỡ khó cho nhà đầu tư, Bộ GTVT phối hợp với địa phương tìm nơi đặt trạm tại khu vực dự án. Tuy nhiên, khu vực này có nhiều đường song hành, nếu đặt trạm thu phí thì các xe sẽ chọn hướng khác để đi. Nên phương án di dời trạm không khả thi. Vì vậy, cần bố trí 920 tỉ đồng để trả cho nhà đầu tư.

Dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và cải tạo, nâng cấp QL3, hoàn thành đưa vào khai thác vào tháng 5-2017. Theo hợp đồng, nhà đầu tư được thu phí tại hai trạm thu phí (trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới và trên QL3), thời gian hoàn vốn khoảng 16 năm một tháng.

Sau khi xem xét, Bộ GTVT nhận thấy bất cập là trạm thu phí QL3 do đặt gần cửa ngõ TP Thái Nguyên nên nhiều xe sử dụng dự án rất ngắn cũng phải trả phí. Thực tế sau khi thu phí, người dân phản đối, gây mất an ninh trật tự nên Bộ GTVT và địa phương thống nhất dừng thu phí.

Tuy nhiên, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết do chỉ thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới nên hầu hết các xe lựa chọn trạm QL3, dẫn đến doanh thu chỉ đạt 9,9% so với doanh thu theo hợp đồng, gây phá vỡ phương án tài chính. Do đó, Bộ GTVT đề xuất trả cho nhà đầu tư khoảng 3.250 tỉ đồng và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL91, được thực hiện gồm hạng mục nâng cấp QL91 đoạn Km14 - Km50+889 và QL91B. Nhà đầu tư được đặt hai trạm T1 và T2 trên QL91.

Sau khi hoàn thành đầu tư dự án, thu phí thuận lợi. Tuy nhiên, từ tháng 5-2019, cầu Vàm Cống hoàn thành đưa vào khai thác phát sinh tình trạng người dân tụ tập, phản đối thu phí tại trạm T2 trên QL91. Trước tình hình đó, trạm thu phí T2 phải dừng thu phí từ năm 2019 đến nay, dẫn đến sụt giảm doanh thu còn 25% thay vì gần 90% như trước, làm vỡ phương án tài chính. Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất bố trí 1.879 tỉ đồng trả cho nhà đầu tư và chấm dứt hợp đồng.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề xuất bố trí kinh phí 4.786 tỉ đồng để mua lại dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk; dự án BOT đầu tư xây dựng cầu Thái Hà; dự án BOT cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn; dự án BOT xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì (tỉnh Phú Thọ).

Nhà nước nên mua nhưng…

TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông, cho rằng khi dự án BOT bị thất bại, giải pháp đưa ra thường là các bên tham gia dự án gồm Nhà nước, nhà đầu tư và ngân hàng phải chia sẻ rủi ro. Tuy nhiên, ngân hàng không ký hợp đồng với Nhà nước mà đứng sau nhà đầu tư, nên còn lại Nhà nước và nhà đầu tư.

Để giải quyết triệt để và sòng phẳng đối với tám dự án này, ông Đức cho rằng Nhà nước nên mua lại những dự án này, vì để lâu gây phức tạp về an ninh, người dân đi lại khó khăn và nhà đầu tư gia tăng thua lỗ. “Tôi cho rằng Nhà nước không nên bỏ rơi các dự án này và không mua cũng không được. Vấn đề giờ là Nhà nước phải đánh giá lại khoản tiền sát với thực tế để trả cho nhà đầu tư…” - vị chuyên gia này nói.

Viết Long

Theo:https://plo.vn/ly-do-bo-gtvt-lai-de-xuat-mua-8-du-an-bot-post702374.html