Với những bất cập, tồn tại đã được nhận diện, để mô hình đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trở thành “đòn bẩy” trong đầu tư cơ sở hạ tầng, yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay đó là cần có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn trong thu hút, triển khai dự án PPP; cũng như đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả của dự án.
Đảm bảo khung pháp lý, tính minh bạch trong quản lý
Bước đột phá trong thể chế hóa chủ trương của Đảng về PPP là việc Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP đã hình thành khung pháp lý thống nhất và sát hợp hơn với bối cảnh phát triển mới của đất nước. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Đầu tư theo phương thức PPP đã giúp cụ thể hóa việc thu hút, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng và đang trở thành một trong những mô hình hợp tác có hiệu quả giữa Nhà nước và tư nhân.
|
Tuy nhiên, đến nay phương thức PPP chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân, dù dư địa cho việc huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư các dự án công còn rất lớn. Ngoài những yếu tố khách quan (như: Chi phí đầu tư lớn, độ rủi ro cao...), những bất cập về chính sách, nguồn lực được bố trí và trong thực thi chính sách là nguyên nhân chính làm hạn chế việc áp dụng mô hình PPP tại Việt Nam.
Dẫn chứng cụ thể, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, Luật Đầu tư theo phương thức PPP, tại khoản 2 Điều 69 quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Quy định như vậy sẽ không phù hợp với các dự án ở vùng sâu, vùng xa, có lưu lượng xe thấp, do đó sẽ không thể thu hút nhà đầu tư. “Thực tế, các dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2016-2020 có tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dưới 50% đều không lựa chọn được nhà đầu tư” - VARSI cho biết, đồng thời đề xuất sửa đổi quy định theo hướng không khống chế tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP. Trường hợp quy định về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP, cần tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án riêng.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An cũng cho rằng, các quy định về tỷ lệ vốn nhà nước trong Luật Đầu tư theo phương thức PPP, quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ liên quan đến chi ngân sách ở Trung ương và ngân sách địa phương có rất nhiều điểm vướng. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải cần có tổng kết, đánh giá và tham mưu cho Chính phủ báo cáo cơ quan có thẩm quyền những vấn đề liên quan đến thể chế, để khơi dậy được nguồn lực thật sự cần thiết cho phát triển giao thông trong thời gian tới.
Trong khi đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đề xuất, để xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư, khai thác các dự án PPP lĩnh vực giao thông, đặc biệt là các tồn tại, bất cập liên quan đến thu phí hoàn vốn cho các dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên (Nhà nước - nhà đầu tư - người dân và tổ chức tín dụng), cần xây dựng cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư về các rủi ro phát sinh như: Cơ chế kéo dài thời gian hoàn vốn BOT, cơ chế thu phí... do tăng tổng mức đầu tư, chậm giải phóng mặt bằng…
Từ góc độ nhà đầu tư tham gia nhiều dự án PPP, Tập đoàn Đèo Cả cũng đề nghị Luật Đầu tư theo phương thức PPP và các văn bản hướng dẫn cần bổ sung các điều khoản để quy định về trách nhiệm pháp lý đối với các bên khi vi phạm hợp đồng PPP; hướng dẫn cách thức, nguyên tắc điều chỉnh giá cho cả vòng đời khai thác của dự án PPP dựa trên các thông số về chi phí được tính toán trong phương án tài chính được duyệt. Kiến nghị này được doanh nghiệp đưa ra xuất phát từ thực trạng Luật Giá và các quy định có liên quan chưa có hướng dẫn đối với vấn đề này, khiến nhà đầu tư gặp lúng túng, cũng như ngại tiếp cận dự án PPP mới.
Tăng cường vai trò giám sát của cơ quan thanh tra, kiểm toán
Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư PPP, việc tăng cường vai trò quản lý, giám sát của Nhà nước đối với phương thức đầu tư này cũng sẽ góp phần ngăn ngừa rủi ro, kịp thời chấn chỉnh sai phạm, từ đó tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch, cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư.
Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh), cơ chế bất cập, lỏng lẻo trong quản lý, cộng với sự thiếu kiểm tra giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động đầu tư PPP khiến cho Nhà nước và xã hội “thiệt đơn, thiệt kép” khi ngân sách nhà nước phải thanh toán cho các dự án PPP lớn hơn chi phí đầu tư thực tế khoảng 30-100%; người dân bức xúc, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng… Vì vậy, ông Ngân cho rằng, cần tăng cường vai trò giám sát của cơ quan chức năng, của cộng đồng dân cư đối với dự án PPP; trong đó đặc biệt chú trọng vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN). “Thực tế, trong thời gian qua, khi tham gia kiểm soát các dự án PPP, KTNN đã phát hiện được nhiều vấn đề bất cập và đã kiến nghị điều chỉnh chính sách” - đại biểu Ngân dẫn chứng.
|
Khẳng định việc kiểm tra, kiểm toán dự án PPP góp phần kiến nghị cơ chế, chính sách, hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý đầu tư các dự án PPP, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Ngô Minh Kiểm cho rằng, cần phải tăng cường kiểm toán đối với các dự án PPP. Điều này là phù hợp với Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Để đáp ứng yêu cầu này, các đơn vị kiểm toán của KTNN cần tăng cường giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán các dự án PPP, trong đó chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn của kiểm toán viên; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm toán dự án PPP; áp dụng phương pháp kiểm toán tiên tiến hiệu quả để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán, tạo dựng lòng tin của xã hội, từ đó góp phần xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch.
Nhấn mạnh việc sửa đổi cơ chế, chính sách và cách thức quản lý của Nhà nước đối với dự án PPP là vô cùng cần thiết nhằm “đảm bảo sự vận hành tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường, với sự tham gia có hiệu quả của Nhà nước để dẫn dắt, thu hút nguồn vốn đầu tư”, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cũng lưu ý: “Đẩy nhanh và mạnh quá trình thực hiện PPP nhưng phải đảm bảo khả năng chi trả, đảm bảo năng lực tiếp nhận và xử lý rủi ro của các bên”.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao kiểm toán các dự án PPP, KTNN đã chỉ ra nhiều tồn tại, nổi cộm trong thực hiện các dự án này. Đặc biệt, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, đảm bảo nguồn lực ngân sách được sử dụng minh bạch, đúng quy định; đồng thời tạo sự an tâm, thu hút nhà đầu tư. Xin mời quý độc giả đón đọc Báo Kiểm toán số 33 phát hành ngày 17/8/2023./.
N.LỘC - N.HỒNG