Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ vừa có văn bản đề nghị Tổng cục Đường Bộ Việt Nam không tiến hành dừng thu phí đối với 3 trạm BOT: Cam Thịnh, Phước Tượng - Phú Gia, Cần Thơ - Phụng Hiệp kể từ ngày 10-7 như thông báo trước đó.
Trạm thu phí BOT Cam Thịnh (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) sẽ không bị dừng thu phí kể từ ngày 10-7 như thông báo trước đó của Tổng cục Đường bộ Việt Nam
Chiều tối ngày hôm nay 9-7, nguồn tin riêng của Báo Người Lao Động cho biết Thứ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ đã ký văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam liên quan đến lệnh dừng thu phí đối với 3 trạm BOT: Cam Thịnh, Phước Tượng - Phú Gia, Cần Thơ - Phụng Hiệp kể từ ngày mai 10-7 theo thông báo trước đó.
Cụ thể, văn bản cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan đã tiến hành đàm phán để Bộ GTVT tiến hành kí phụ lục hợp đồng thu phí không dừng (ETC) tại các dự án BOT. Đến nay, cơ bản các nhà đầu tư đã ký các phụ lục hợp đồng nêu trên.
"Đối với 3 nhà đầu tư (dự án Cần Thơ - Phụng Hiệp, dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia và dự án BOT quốc lộ 1 qua Khánh Hòa), đến nay Bộ GTVT và các nhà đầu tư đã tiến hành đàm phán và cơ bản thống nhất nội dung phụ lục hợp đồng. Bộ GTVT đánh giá cao tinh thần hợp tác của nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng. Do vậy, Bộ GTVT đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam không tiến hành việc dừng thu phí tại các dự án nêu trên. Đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai thực hiện" - văn bản do Thứ trưởng Lê Đình Thọ kí nêu rõ.
Vẫn theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, đại diện các nhà đầu tư nêu trên cho biết hiện nay 3 nhà đầu tư chưa ký phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT. "Văn bản của Bộ GTVT do Thứ trưởng Thọ mới ban hành chỉ để trấn an dư luận. Nhà đầu tư chỉ ký phụ lục hợp đồng khi Bộ GTVT thống nhất giải quyết và ghi nhận các nội dung mà nhà đầu tư đề xuất"- nguồn tin cho hay.
Cụ thể, các nhà đầu tư đề nghị Bộ GTVT chịu trách nhiệm về năng lực của nhà đầu tư ETC đã được Bộ GTVT chỉ định; và cung cấp cho hồ sơ năng lực cho nhà đầu tư BOT quản lý và theo dõi.
Về phí dịch vụ ETC, trước mắt tạm xác định theo tỷ lệ % doanh thu ETC, đảm bảo không vượt quá mức phí nhà đầu tư BOT đã ký với nhà đầu tư ETC và không kéo dài thời gian thu phí. Mức phí dịch vụ ETC sẽ được xác định chính thức trên cơ sở kết quả Kiểm toán Nhà nước.
Đồng thời, nhà đầu tư ETC phải phát hành bảo lãnh thực hiện Hợp đồng và bảo lãnh hoàn trả tiền thu phí cho Nhà đầu tư BOT.
Bộ chủ trì làm việc với Ngân hàng tài trợ vốn để có ý kiến thống nhất trước khi đưa hệ thống ETC vào vận hành.
Bộ GTVT có trách nhiệm lấy ý kiến thống nhất của các đơn vị sau: Bộ Thông tin và Truyền thông về điệu kiện kết nối thông tin và đảm bảo an toàn dữ liệu của Dự án ETC. Bộ Tư pháp về tính pháp lý và việc phê duyệt điều chỉnh dự án ETC; cơ sở việc chỉ định nhà đầu tư ETC; việc ảnh hưởng đến hợp đồng BOT và hợp đồng tín dụng. Bộ KH-ĐT về quá trình duyệt, điều chỉnh Dự án ETC và quá trình lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT. Bộ Tài chính: về việc bồi thường cho các bên liên quan khi xảy ra tranh chấp hoặc lỗi của hệ thống ETC.
Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nhà đầu tư ETC được cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian; tính liên thông các tài khoản của chủ phương tiện giao thông với tài khoản của Nhà cung cấp dịch vụ ETC.
Đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán Dự án ETC để có cơ sở thanh, quyết toán phí dịch vụ ETC và đánh giá việc thực hiện đúng mục tiêu Dự án ETC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hoàn thành các nội dung nêu trên trước ngày 31-12-2019. Trường hợp không hoàn thành, các bên thống nhất tạm dừng vận hành hệ thống ETC và báo cáo Thủ tướng xem xét xử lý trách nhiệm của các bên.
Trường hợp xảy ra tranh chấp, Bộ GTVT chủ trì cùng các bên liên quan làm rõ các sai sót, tổn thất để bồi thường thiệt hại.
Việc dừng thu phí chỉ thực hiện khi có sự thống nhất giữa bên A và bên B của Hợp đồng BOT.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới đây có văn bản yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ II, III, IV phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp dự án của 4 dự án BOT trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 tổ chức tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ kể từ 18 giờ ngày 10-7 cho đến khi hoàn tất việc ký phụ lục hợp đồng BOT triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. 4 dự án BOT bị tạm dừng thu phí gồm 3 trạm trên Quốc lộ 1: Trạm thu phí Km2079+535 Quốc lộ 1 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ-Phụng Hiệp (Công ty TNHH BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp); Bắc Hải Vân thuộc Dự án hầm đường bộ Phú Gia-Phước Tượng (Công ty cổ phần Phước Tượng Phú Gia BOT); Cam Thịnh - Km1517+647, Quốc lộ 1 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1488-Km1525 qua tỉnh Khánh Hòa (Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT Quốc lộ 1-Cam Ranh); 2 trạm thu phí tại Km1610+800 và Km1667+470 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 14 đoạn TP Pleiku đến Cầu 110 (Công ty cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai). Tổng cục Đường bộ yêu cầu 4 doanh nghiệp dự án bị yêu cầu dừng thu phí thông báo công khai việc dừng thu phí trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại trạm thu phí; đảm bảo công trình được vận hành thông suốt, an toàn. Tổ chức trông coi, bảo vệ tài sản trạm thu phí tránh mất mát, hư hỏng tài sản, thiết bị; có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khu vực trạm thu phí sau khi dừng thu. |