BOT giao thông Việt Nam “vừa chạy vừa xếp hàng”

02/11/2018

Hội thảo “Góc nhìn đa chiều về BOT” tổ chức ngày 17/10 tại TP.HCM đã chỉ ra hàng loạt bất cập của các dự án BOT giao thông thời gian gần đây. Hội thảo còn đặt ra câu hỏi lớn về năng lực quản lý đối với các dự án này tại Việt Nam.

Nhiều hạn chế

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thừa nhận, chính vì chưa có luật riêng cho đầu tư PPP (theo hình thức công - tư) nên bộ không quản lý hiệu quả các dự án BOT.

“Chúng ta triển khai các dự án BOT trong khi chưa có luật, chúng ta chỉ dựa vào Nghị định 108 năm 2007 rồi đến tháng 4/2015 mới có Nghị định 30 và Nghị định 15 để triển khai hướng dẫn các dự án BOT cho nên dẫn đến những bất hợp lý” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết.

BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và việc xây dựng là do các doanh nghiệp tư nhân thông qua hình thức đấu thầu để được trở thành nhà đầu tư xây dựng dự án. Như vậy về nguyên tắc, nhà đầu tư là người trực tiếp chịu trách nhiệm của dự án.

Tuy nhiên, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn nói rằng, trong mối quan hệ hợp tác, nhà đầu tư cảm thấy bị can thiệp sâu và điều hành quản lý như một nhà thầu, khiến mọi thứ không công bằng.

Từ BOT bị lỗ…

Theo chia sẻ của ông Trần Việt Dũng, Chánh Văn phòng Cục Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì hiện nay cả nước có 68 dự án BOT giao thông với tổng vốn trên 200.000 tỷ đồng.

Nhưng theo phân tích của giới chuyên gia, hiện nay nhiều dự án không mang lại hiệu quả như bản chất BOT vốn có. Không ít dự án BOT giao thông khi đưa vào khai thác bị thua lỗ nặng, do thu phí không đủ trả lãi ngân hàng. Cầu Hạc Trì (Phú Thọ) thu phí chỉ đạt hơn nửa so với dự kiến thu trong 18 năm 6 ngày. Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (VIDIFI) đang phải loay hoay bài toán tài chính bởi mỗi ngày phải trả tiền lãi ngân hàng 8 tỷ đồng, trong khi thu phí chỉ đạt 5,5 tỷ đồng/ngày, lỗ hơn 2,5 tỷ đồng/ngày…

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật thừa nhận hạn chế về năng lực quản lý trong thực hiện các dự án BOT. (Ảnh: Internet).

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật thừa nhận hạn chế về năng lực quản lý trong thực hiện các dự án BOT. (Ảnh: Internet).

…đến BOT lạm thu, đặt sai vị trí

Theo các chuyên gia đầu ngành, trên thực tế để xây dựng và đưa vào sử dụng một dự án BOT, về nguyên tắc các cơ quan chức năng phải thực hiện khảo sát về kinh tế, môi trường và xã hội. Trong đó, khảo sát về xã hội là rất quan trọng, nhưng việc này được làm rất qua loa và sai đối tượng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật thừa nhận sự thiếu kinh nghiệm và năng lực yếu kém của BOT Cai Lậy để dẫn đến những lùm xùm và phản ứng gay gắt của người dân thời gian vừa qua.

“Khảo sát BOT Cai Lậy chỉ lấy ý kiến HĐND, UBND của riêng tỉnh Tiền Giang về vị trí đặt trạm BOT. Trong khi sự ảnh hưởng là rộng khắp 13 tỉnh miền Tây, vì đây là tuyến đường chính di chuyển của người dân 13 tỉnh này. Chúng ta đã không có cái nhìn rộng hơn ngay từ ban đầu” - ông Nhật nói.

Một chuyên gia đầu ngành nhận định: “Dù có khảo sát cũng không phải khảo sát ý kiến UBND mà phải hỏi trực tiếp người dân, vì họ mới là người sử dụng dịch vụ trực tiếp. Cứ khảo sát 1 bộ phận rồi áp đặt cho đại đa số là sai ngay từ đầu”.

Bất cập trong việc thu phí BOT Cai Lậy và phản ứng gay gắt của người dân. (Ảnh: Minh họa).

Bất cập trong việc thu phí BOT Cai Lậy và phản ứng gay gắt của người dân. (Ảnh: Minh họa).

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Bộ GTVT nói, bộ và các đơn vị liên quan khi thực hiện dự án BOT do chưa có nhiều kinh nghiệm nên không thể nghiên cứu hết vấn đề tồn tại và phát sinh sau đó.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhà nước đang nhanh chóng hoàn thiện luật pháp xoay quanh thực trạng đầu tư BOT ở Việt Nam bằng những Nghị quyết để bổ sung và hỗ trợ hình thức đầu tư nhiều tiềm năng này. Tuy nhiên, trong bối cảnh cần thiết phát triển nhanh chóng các dự án BOT hiện nay, đa phần đều phải theo trình tự thực hiện - rút kinh nghiệm - hoàn thiện.

“Làm BOT ở Việt Nam hiện nay phải vừa chạy vừa xếp hàng, nghĩa là chúng ta phải học hỏi và đúc kết kinh nghiệm từ những sai sót thông qua các dự án” - ông Trần Việt Dũng nhận định.

Quan trọng hơn, khâu kinh doanh (vận hành) BOT hiện nay tại các dự án của Việt Nam còn gây nhiều bức xúc cho người dân (những người trực tiếp sử dụng và trả phí cho dự án). Việc đặt sai vị trí và thu phí cao tại BOT Cai Lậy khiến người dân không đồng tình và phản đối làm tổn thất không nhỏ kinh phí và dẫn đến nhiều hệ lụy khác.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, trước những bức xúc từ người dân, thời gian qua Bộ GTVT đã cho tạm dừng các dự án BOT kể cả đối với các dự án đã được phê duyệt để tiến hành rà soát lại tính thực tế của các dự án đã đưa vào sử dụng. Quan trọng hơn là việc rà soát cắt giảm phí cho các BOT tại một số xã giảm xuống mức thấp nhất là 15.000 đồng mỗi xe so với các mức giá quy định trước đó.

Kim Ngọc

Theo:Người tiêu dùng