Dự án đường cao tốc Bắc - Nam: Phải mở cửa cho doanh nghiệp trong nước

14/06/2019

Tiêu chí chọn nhà đầu tư tham gia các dự án BOT thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam hiện có nhiều bất cập, sẽ loại các nhà thầu trong nước ngay từ bước sơ tuyển

Sau khi Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), chuyển ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan qua bài viết "Dự án đường cao tốc Bắc - Nam: "Tôi không tin doanh nghiệp trong nước không làm được!" đăng trên Báo Người Lao Động ngày 13-5-2019, Hiệp hội Các nhà đầu tư (NĐT) công trình giao thông đường bộ Việt Nam (AVINA) cũng vừa có văn bản gửi Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và Bộ GTVT, kiến nghị những nội dung liên quan với mong muốn tháo gỡ những bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho NĐT trong nước tham gia dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Đủ năng lực vẫn bị làm khó

Tại văn bản này, AVINA cho biết đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn NĐT do Bộ GTVT đưa ra. Qua đó cho thấy còn quá nhiều bất cập trong các tiêu chí để tuyển chọn. Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch AVINA, trước thời điểm 4-5-2018, các NĐT được thực hiện theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP với vốn tham gia tối thiểu 10%. Nhờ quy định này, các NĐT trong nước mới tham gia được những công trình lớn và những công trình NĐT tham gia đã hoàn thành trong năm 2018 có vốn góp cũng chỉ từ 10%-12%.

Dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đang được Tập đoàn Đèo Cả đầu tư sắp đưa vào sử dụng Ảnh: CAO TRANG

Dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đang được Tập đoàn Đèo Cả đầu tư sắp đưa vào sử dụng Ảnh: CAO TRANG

Trong khi hiện nay, tiêu chí đánh giá về kinh nghiệm của NĐT đã từng tham gia góp vốn các dự án (đã hoàn thành) phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% và tổng vốn đầu tư các công trình đã đưa vào khai thác vận hành trong vòng 10 năm trở lại đây phải tương đương 6.843 tỉ đồng. "Vì thế, theo tôi, tất cả NĐT trong nước hiện nay đều không có đủ tiêu chí này để đáp ứng hồ sơ mời gọi và bị loại ngay vòng sơ tuyển" - ông Chủng nói.

Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, cho rằng tập đoàn này có đủ khả năng và cũng rất mong muốn tham gia với vai trò là nhà đầu tư BOT của dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Thực tế, Tập đoàn Đèo Cả đang xây dựng 2 tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận, cùng hàng loạt hầm đường bộ như Cổ Mã, Đèo Cả, Hải Vân, Cù Mông... với tổng mức đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng. "Tập đoàn Đèo Cả hoàn toàn đáp ứng năng lực tài chính nhưng theo yêu cầu mời thầu ở dự án đường cao tốc Bắc - Nam thì chỉ công nhận các công trình đã hoàn thành, dẫn đến việc chúng tôi không thể có hồ sơ để tham gia sơ tuyển dù chúng tôi là NĐT duy nhất thực hiện hệ thống các hầm giao thông cả nước" - ông Thế nhấn mạnh.

Nhà thầu cũng hẹp cửa

Cũng theo AVINA, tiêu chí đánh giá về năng lực, kinh nghiệm đối với nhà thầu cũng có những bất cập mà khó có doanh nghiệp (DN) trong nước nào đáp ứng. Cụ thể, theo tiêu chí đưa ra, NĐT tham gia với vai trò là nhà thầu phải thực hiện giá trị gói thầu/hợp đồng hoặc tổng giá trị thực hiện của cùng một dự án tối thiểu bằng 20% trong tổng vốn đầu tư, tương ứng từ 1.700 đến 3.013 tỉ đồng. "Trong khi thực tế, với các dự án được nhà nước đầu tư công thì không có nhà thầu nào có thể trúng thầu nhiều gói thầu trong cùng một dự án để đạt được tổng giá trị thực hiện như yêu cầu của hồ sơ mời thầu" - ông Trần Chủng phân tích.

Cả tiêu chí liên danh NĐT - nhà thầu được đưa ra cũng khó cho DN trong nước. Ông Chủng chỉ rõ trong các điều kiện hồ sơ mời sơ tuyển đối với liên danh, tiêu chí kinh nghiệm lại không được cộng các dự án mà các thành viên liên danh đã tham gia đầu tư cũng như với vai trò là nhà thầu, do đó sẽ gây khó cho NĐT trong nước khi kêu gọi liên danh đầu tư. Trong khi đó, Bộ GTVT lại để các dự án quá lớn trên tuyến cao tốc này, vượt quá tầm của các NĐT trong nước đã và đang đầu tư. Chẳng hạn như ở đoạn Cam Lâm (Khánh Hòa) - Vĩnh Hảo (Bình Thuận), dự án bao gồm cả đường cao tốc và hầm đường bộ nên theo đó thì liên danh giữa Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tập đoàn Đèo Cả vẫn không đạt.

Do đó, AVINA kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và Bộ GTVT cần điều chỉnh lại các tiêu chí lựa chọn NĐT tham gia các dự án xây dựng đường bộ cao tốc tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 cho phù hợp với thực tế nhằm thu hút được các NĐT trong nước cùng tham gia để phát huy hết các tiềm lực trong nước, góp phần xây dựng hạ tầng giao thông tốt hơn.

Cần bình đẳng về quyền lợi

Trong văn bản kiến nghị, AVINA cho rằng một số NĐT quốc tế đã đề xuất bổ sung một số điều khoản để tạo lợi thế. Do đó, Bộ GTVT cần xem xét sự bình đẳng về quyền lợi giữa NĐT nước ngoài với trong nước. AVINA cũng đề xuất trong hợp đồng BOT, cần quy định rõ trường hợp xảy ra tranh chấp thì phải tuân thủ theo quy định pháp luật Việt Nam và xét xử tại tòa án ở Việt Nam.

AVINA còn lưu ý về những tiềm ẩn xung đột quyền lợi giữa các dự án BOT đường cao tốc Bắc - Nam với các dự án BOT giao thông trước đây, đặc biệt là các dự án BOT trên Quốc lộ 1 vừa hoàn thành và đang thu phí. Vì khi dự án hoàn thành, phân lưu qua đường cao tốc Bắc - Nam dẫn đến lưu lượng xe trên Quốc lộ 1 sẽ giảm mạnh, từ đó có nguy cơ phá vỡ phương án tài chính của tất cả các NĐT mà Bộ GTVT đã kêu gọi đầu tư vào dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 trước đây.

Ông TẠ QUYẾT THẮNG, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường:

Doanh nghiệp trong nước thừa sức làm

Dự án cầu Tam Bạc (Hải Phòng) dài 130 m, rộng 26,4 m, chúng tôi chỉ mất 50 ngày để thi công. Tôi cho rằng năng lực của các DN Việt Nam có thừa để xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đạt chất lượng, tiết kiệm chi phí mà vẫn bảo đảm tiến độ. Các DN trong nước không những có thể mà dư sức làm. Tôi xin khẳng định điều này và sẵn sàng đối thoại với Bộ GTVT.

Còn nhớ, năm 1964, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee đi thăm Tây Đức về đã mơ ước có con đường cao tốc Seoul - Busan (nối liền Bắc - Nam của Hàn Quốc). Thời điểm đó, nhiều người dân Hàn Quốc nghĩ ông Park Chung Hee ảo tưởng khi muốn xây cao tốc... bằng niềm tin chứ đất nước nghèo làm gì có tiền, công nghệ lạc hậu và chưa có phương pháp xây dựng đường cao tốc. Sau đó, ông Park Chung Hee giao việc nghiên cứu cho 3 đối tượng: Thứ nhất là các bộ Giao thông, Tài chính và Viện Kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thứ hai là chính quyền TP Seoul; thứ ba là ông Chung Ju-yung (Chủ tịch Tập đoàn Hyundai). Sau một thời gian nghiên cứu, tính toán, Bộ Giao thông Hàn Quốc đưa ra tổng chi phí xây dựng là 65 tỉ won, trong đó đóng góp TP Seoul là 18 tỉ won, ông Chung Ju-yung là 33 tỉ won... Cuối cùng, Tổng thống Park Chung Hee đã quyết định tăng 10% vốn của Tập đoàn Hyundai lên thành 43 tỉ won, điều chỉnh thiết kế từ 2 thành 4 làn xe và giao dự án cho tập đoàn này...

Người Hàn Quốc đã biết dựa vào năng lực của chính mình như thế để làm con đường cao tốc dài 428 km (với 5 km xuyên núi) chỉ trong vòng 2 năm rưỡi. Từ bài học của Hàn Quốc, theo tôi, để xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đạt chất lượng, tiết kiệm chi phí mà vẫn bảo đảm tiến độ, đầu tiên là Chính phủ cần mở thầu quốc tế chọn tư vấn lập dự án. Việc mở thầu quốc tế sẽ giúp Chính phủ chọn được nhà tư vấn có một phương án tối ưu (rẻ nhất, thi công nhanh nhất). Việc thứ hai là mở thầu quốc tế chọn nhà thầu thi công. Kế tiếp là mở thầu chọn nhà thầu giám sát. Chính phủ cũng nên chia thành các gói thầu nhỏ và việc giải ngân hoàn toàn do các nhà thầu lập, được xác nhận bởi một hội đồng kiểm toán hoặc hội đồng nghiệm thu quốc tế. Nếu thực hiện đúng những bước trên, dự án đường cao tốc Bắc - Nam sẽ đạt 3 tiêu chí: chất lượng, giá cả và tiến độ nhanh hơn.

Chuyên gia kinh tế, TS TRẦN HỮU HIỆP:

DN nội cần sự hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng

Thay vì tuyên bố DN trong nước không đủ điều kiện tham gia xây dựng các hợp phần của đại công trình đường cao tốc Bắc - Nam, tại sao cơ quan thẩm quyền không kêu gọi, huy động nguồn lực DN trong nước?

Ở dự án lớn này, cần công khai các tiêu chuẩn, điều kiện để các nhà thầu hay liên danh nhà thầu trong nước tham gia, minh bạch tiêu chí và quá trình tuyển chọn, có cơ chế và công cụ để người dân, cộng đồng giám sát, đánh giá hiệu quả của việc tuyển chọn và quá trình thi công xây dựng từng dự án thành phần, gắn với trách nhiệm của người có quyền, tư vấn xét chọn nhà thầu. Một đại công trình có ý nghĩa như đường cao tốc Bắc - Nam để lại cho con cháu muôn đời không thể đi vào "vết xe đổ" của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Phía sau DN nội, cũng cần huy động nguồn lực vốn từ hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính khác...

Tr.Đức - C.Tuấn ghi

Theo:Hồng Ánh/NLD