Dừng thi công Cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ là lực cản cho đầu tàu kinh tế của cả nước

06/03/2020

Đã đến lúc cần có những hành động kịp thời, quyết đoán để tháo gỡ khó khăn và đưa dự án cao tốc Bến Lức- Long Thành về đích. Bởi nếu còn chần chừ, đùn đẩy trách nhiệm thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn.

Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành khởi công ngày 19/7/2014, là dự án trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư giai đoạn I khoảng 1,5 tỷ USD. Theo dự kiến ban đầu, dự án hứa hẹn sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2018. Sau đó tiến độ được điều chỉnh lùi sang năm 2019 và năm 2020, song đến thời điểm này theo thống kê thì tiến độ tổng mới chỉ đạt 75%.

Các khó khăn về vốn, cộng với những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, rà soát thiết kế kỹ thuật một số gói thầu, sự sa sút về năng lực thi công của nhiều nhà thầu… khiến dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành nhiều khả năng sẽ tiếp tục lỗi hẹn.

Dự án đường cap tốc Bến Lức - Long Thành đang đứng trước nguy cơ phải dừng thi công

Dự án đường cap tốc Bến Lức - Long Thành đang đứng trước nguy cơ phải dừng thi công

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang đứng trước nguy cơ phải dừng thi công. Ảnh: Khoa học và đời sống

Một số ý kiến của người dân và đơn vị thi công về tình trạng dự án chậm trễ:

"Người dân mong muốn đây còn vài hộ nữa giải quyết sao dứt khoát để bàn giao mặt bằng cho bên đường cao tốc thi công chứ không để kéo dài nữa. Tôi muốn làm xong càng sớm càng tốt để không bụi bặm, đi lại dễ dàng".

"Với gói thầu này còn khoảng 20 hộ nằm tại những vị trí trọng yếu vì vậy chúng tôi không thể thi công để thông tuyến tại nút giao này, dẫn đến tình trạng kéo dài thêm thời gian khoảng 15 tháng so với tiến độ".

"Từ đầu năm 2019 trở lại đây thì toàn bộ giá trị thi công của nhà thầu chưa được giải ngân và tới thời điểm này thì cũng chưa biết đến khi nào mới được giải ngân".

Có một thực tế là trước khi gói thầu xây lắp đầu tiên của dự án Bến Lức- Long Thành tiến hành thì chủ đầu tư dự án là Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã nắm trong tay 2 hiệp định vay trị giá hơn 1,2 tỷ USD từ Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Ông Heo Jong Woo - Giám đốc dự án A1 cao tốc Bến Lức- Long Thành cho biết, gói thầu của ông đang quản lý gần như dừng thi công vì chậm giải phóng mặt bằng do thiếu ngân sách, chậm phê duyệt thay đổi thiết kế nên không có cơ sở hợp đồng để thi công tiếp; không có nguồn vốn nào để thay thế bởi vốn ADB đã hết hạn gần 1 năm nay. Các gói thầu khác thuộc hợp phần vay ADB cũng chung tình trạng tương tự khi tỷ lệ giải ngân mới chỉ được hơn 50% tổng vốn vay thì hết hiệu lực.

Với phần vốn vay từ JICA thì những khó khăn đã hiển hiện gần 2 năm nay tại các gói thầu J1 (cầu dây văng Phước Khánh); J3 (cầu dây văng Bình Khánh) và J2 (đoạn nối 2 cây cầu). Đến nay gói thầu J1 và J3 lần lượt đạt 76% và 80% giá trị hợp đồng, song trên thực tế các gói thầu này đã dừng thi công.

Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Cũng liên quan đến nội dung này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 25/2016 về kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết số 27/2016 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017; đều nêu nguyên tắc: “không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách Nhà nước.

Tiếp đó, đến tháng 11/2018, Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết số 71/2018 về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trong đó Quốc hội quyết nghị: “Giao Chính phủ chưa phân bổ nguồn vốn nước ngoài cho VEC”. Do vậy các dự án của VEC có nguồn đầu tư từ vốn vay nước ngoài không thể tiếp tục triển khai.

Bàn giao chưa đủ mặt bằng ‘sạch’ cho Cao tốc Bến Lức – Long Thành

Bàn giao chưa đủ mặt bằng ‘sạch’ cho Cao tốc Bến Lức – Long Thành

Dự án Cao tốc Bến Lức – Long Thành vẫn chưa được bàn giao đủ mặt bằng "sạch"

Một nguyên nhân nữa là hiện nay, cao tốc Bến Lức- Long Thành và nhiều dự án khác vẫn chưa xác định được cơ quan chủ quản, thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan đến đầu tư của dự án.

Cụ thể là đến nay Bộ GTVT và Ủy Ban Quản lý vốn nhà nước chưa thống nhất được đơn vị nào là cơ quan chủ quản, cấp thẩm quyền quyết định các nội dung đầu tư.

Từ đó khiến cho việc điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay, giao kế hoạch vốn đầu tư công, xem xét đầu tư các hạng mục bổ sung sử dụng vốn dư; kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu mới, chủ trương sử dụng nguồn vốn thay thế các nguồn vốn vay khi kết thúc hiệp định…bị bế tắc hoàn toàn.

Cuối cùng là những vướng mắc trong các hành lang pháp lý xác định tính chất tài sản các dự án do VEC làm chủ đầu tư nên chưa thể thực hiện được việc bố trí kế hoạch vốn đối ứng cho các dự án theo Nghị quyết 50 của Chính phủ.

Thực tế hiện nay Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng như Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang “bối rối” không biết giao vốn cho VEC như thế nào.

Trước viễn cảnh dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành có nguy cơ vỡ trận vì thiếu vốn, ông Nguyễn Quốc Bình - Phó Tổng giám đốc VEC mong muốn:

"Không chỉ chúng tôi mà cả Ủy ban quản lý vốn nhà nước, Bộ Giao thông vận tải cũng rất mong Thủ tướng sớm chỉ đạo xử lý nội dung này để sớm cấp vốn cho dự án tái khởi động trở lại".

Dưới góc nhìn của một thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, cần sớm có những điều chỉnh về luật cũng như cơ chế để rạch ròi hơn vai trò trách nhiệm của các bên, đặc biệt là hướng đến việc tăng thẩm quyền cho Ủy ban quản lý vốn nhà nước trong việc cấp ngân sách cũng như giao các chỉ tiêu cụ thể về tài chính, ngân sách cho các tập đoàn, tổng công ty mà Ủy Ban quản lý.

Trước những rủi ro qua lớn về mặt pháp lý có thể xảy ra, mới đây Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đã có văn bản báo cáo đến Chính Phủ xin tạm dừng dự án cao tốc Bến Lức Long- Thành cho tới khi được bố trí vốn. Đây chắc chắn là một tin không vui đối với những người đang làm dự án và hàng triệu bà con khu vực Nam Bộ.

Dừng thi công sẽ là lực cản cho đầu tàu kinh tế của cả nước

Ngày 30/3/2020 tới đây là hạn cuối để Bộ Tài chính (đại diện bên vay) có thư đề xuất gia hạn khoản vay và Hiệp định Tài trợ khung với ngân hàng phát triển Châu Á ADB. Thế nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có nhiều dấu hiệu tích cực nào cho thấy quá trình này sẽ được triển khai theo yêu cầu từ phía cho vay.

Nếu khoản vay này hết hiệu lực sẽ là một quân cờ domino kéo theo hàng loạt hệ lụy tiêu cực cho dự án này. Vì vậy, đã đến lúc cần có những hành động kịp thời, quyết đoán để tháo gỡ khó khăn và đưa cao tốc Bến Lức- Long Thành về đích. Bởi nếu còn chần chừ, đùn đẩy trách nhiệm thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn.

Bàn giao chưa đủ mặt bằng ‘sạch’ cho Cao tốc Bến Lức – Long Thành

Bàn giao chưa đủ mặt bằng ‘sạch’ cho Cao tốc Bến Lức – Long Thành

Cao tốc Bến Lức -Long Thành dừng thi công sẽ là lực cản cho đầu tàu kinh tế của cả nước. Ảnh: Vnexpress

Cao tốc Bến Lức Long Thành với tổng mức đầu tư hơn 1,5 tỷ USD, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối các vùng kinh tế quan trọng khu vực phía Nam. Hứa hoàn thành 2018, hẹn thông xe vào năm 2019 nhưng đến nay lại có nguy cơ lỗi hẹn dài dài do không được bố trí vốn.

Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công, giải ngân, phát sinh nhiều khiếu kiện từ các đơn vị thi công. Đồng thời làm tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư dự án; ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ đối với các nhà tài trợ. Mặt khác việc chậm đưa dự án vào khai thác kéo theo chưa thể thu phí hoàn vốn theo phương án tài chính đã được phê duyệt, trực tiếp làm phá vỡ phương án tài chính, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ các khoản vay.

Xét trên bình diện rộng hơn, việc chậm đưa dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bến Lức- Long Thành vào vận hành không chỉ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp chủ đầu tư mà còn là một cản lực không nhỏ đối với quá trình phát triển kinh tế -xã hội cả nước nói chung, khu vực phía Nam nói riêng.

Bởi cao tốc Bến Lức -Long Thành là tuyến cao tốc liên vùng phía Nam, kết nối các tỉnh miền Đông với Tây Nam bộ, giúp giảm ách tắc giao thông của TP. Hồ Chí Minh; rút ngắn thời gian lưu thông.

Đây cũng là một điểm trung chuyển quan trọng bên cạnh hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia khác như sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam hay cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Những thiệt hại này chắc chắn sẽ rất lớn và khó có thể xác định được bằng tiền.; vì vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là đầu tàu kinh tế của cả nước, nếu chậm phát triển sẽ kéo theo cả nước khó khăn.

Ngay từ đầu năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các Bộ, Ngành, địa phương phải ưu tiên giải quyết các thủ tục đầu tư công quy mô lớn, quan trọng ngay trong quý 1 để sớm đưa các công trình hạ tầng thiết yếu vào hoạt động, tạo tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế- xã hội.

Chính vì vậy, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cùng các đơn vị liên quan phải ngồi lại với nhau, bàn thảo sâu, thể hiện hết trách nhiệm vai trò là cơ quan quản lý nhà nước. Để từ đó kịp thời có những kiến nghị, tham mưu cho Chính Phủ, Quốc Hội đưa ra được quyết sách phù hợp cho dự án cao tốc Bến Lức- Long Thành nói riêng và nhiều dự án khác nói chung.

Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GTVT hoặc Ủy Ban Quản lý vốn nhà nước và các bộ ngành liên quan khẩn trương tiến hành thủ tục gia hạn các hiệp định vay nhằm bảo toàn nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức nước ngoài. Đồng thời thúc đẩy nhanh việc tháo gỡ các vướng mắc trong cơ chế quản lý, sớm cấp vốn để dự án tiếp tục triển khai và về đích đúng hẹn.

Dự án cao tốc Bến Lức -Long Thành là một dự án trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động và hơn hết là mở ra cơ hội phát triển cho cả một khu vực kinh tế năng động phía Nam với hàng chục triệu dân.

Việc đưa dự án về đích đúng hạn không chỉ là một trách nhiệm chuyên môn đơn thuần mà còn là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, mà ở đó không có chỗ cho sự chần chừ, đùn đẩy trách nhiệm.

https://vovgiaothong.vn/dung-thi-cong-cao-toc-ben-luc-long-thanh-se-la-luc-can-cho-dau-tau-kinh-te-cua-ca-nuoc-1?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=10