Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 25/2/2020

25/02/2020

Xây dựng đô thị Thừa Thiên - Huế không hình thành các quận nội thành

Theo định hướng mô hình xây dựng đô thị Thừa Thiên - Huế trực thuộc Trung ương đã được xác định bao gồm thành phố Huế mở rộng, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị xã Phong Điền và các huyện theo mô hình thành phố trong thành phố, không hình thành các quận nội thành.

Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 55/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế vào ngày 08/02/2020 về triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Kết luận nhấn mạnh, đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên - Huế sẽ không thành lập các quận nội thành.

Thừa Thiên - Huế là một trong số ít địa phương được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết với rất nhiều nội dung, mục tiêu lớn và định hướng cụ thể. Đây là điều kiện thuận lợi, là những định hướng quan trọng để Thừa Thiên - Huế xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới nhằm phát huy một cách hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng đất Cố đô, nhất là các tiềm năng thế mạnh của Thừa Thiên - Huế như di sản hữu hình và vô hình, nguồn lực trí tuệ, vùng đất có nhiều bậc vĩ nhân, nhà tư tưởng, danh nhân lỗi lạc, tài hoa của Việt Nam. Cuộc đời của mỗi con người ấy phải là một câu chuyện gắn với những địa danh cụ thể, tư liệu cụ thể, sản phẩm cụ thể hấp dẫn du khách.

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý giao các bộ, ngành liên quan phối hợp với tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai, thực hiện trong năm 2020, gồm: Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; xây dựng đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và xây dựng bộ tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương đối với Thừa Thiên - Huế với đô thị có tính chất đặc thù trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế.

Đặc biệt, Đề án “Xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên - Huế” và Đề án thành lập thành phố Thừa Thiên - Huế trực thuộc Trung ương, thống nhất cho phép tỉnh Thừa Thiên - Huế sử dụng quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên - Huế và quy hoạch chung các đô thị để lập Đề án Phân loại đô thị Thừa Thiên - Huế (không tổ chức lập đồ án quy hoạch chung đô thị toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế); định hướng mô hình đô thị Thừa Thiên - Huế trực thuộc Trung ương đã được Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định bao gồm thành phố Huế mở rộng, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị xã Phong Điền và các huyện (theo mô hình thành phố trong thành phố; không hình thành các quận nội thành)…

Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu công nghệ thông tin tập trung của tỉnh; về chuẩn bị đầu tư dự án đường ven biển, dự án cầu Nguyễn Hoàng qua sông Hương và đường vành đai 3 vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương của tỉnh cùng một số dự án đầu tư phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh...

Khởi công Khu tái định cư sân bay Long Thành trong tháng 4

Ngày 24/2, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết vừa yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh xây dựng tiến độ, xác định thời gian bắt đầu và phải hoàn thành từng công việc cụ thể đối với khu tái định cư của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trách nhiệm của từng đơn vị lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là phải khởi công xây dựng trong tháng 4-2020. Đồng thời nghiên cứu đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần còn lại, đảm bảo tiến độ chung của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, UBND huyện Long Thành và các đơn vị liên quan căn cứ ý kiến đã chỉ đạo của UBND tỉnh dự thảo báo cáo tiến độ, nhiệm vụ trong thời gian tới, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trình UBND tỉnh trong tháng 2 này.

Chốt thời gian thảm bù lún, sửa chữa khe co giãn mặt cầu Vĩnh Tuy

Từ ngày 25/2 đến 24/4, cầu Vĩnh Tuy, sẽ được ngăn một nửa mặt cầu để sửa chữa khe co giãn trong thời gian 22h khuya đến 5h sáng hôm sau.

Cầu Vĩnh Tuy sắp được sửa chữa, thay thế 14 khe co giãn sau 10 năm khai thác

Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản thông báo về việc chấp thuận phương án phân luồng tổ chức giao thông phục vụ sửa chữa, thay thế 14 khe co giãn trên cầu Vĩnh Tuy; xử lý hư hỏng mặt cầu phạm vi 3 nhịp N7, N8, N9 hướng đi từ Long Biên – Minh Khai; xử lý lún mặt đường đầu cầu Vĩnh Tuy trong phạm vi 100m tính từ mố hướng về phía Minh Khai.

Theo đó, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện việc phân luồng để phục vụ thi công, bao gồm: rào chắn 1/2 mặt cầu Vĩnh Tuy tại vị trí thi công để sửa chữa, thay thế khe co giãn, sử dụng 1/2 mặt cầu còn lại để phân luồng đảm bảo ATGT cho các phương tiện; và 1/2 cầu còn lại được phân luồng 2 chiều xe chạy.

Phải có hàng rào phân cách 2 chiều xe chạy, có dải phản quang, đèn nháy, bố trí 2 người hướng dẫn tại 2 đầu của vị trí thi công, có người hướng dẫn phân luồng từ xa cho các phương tiện đảm bảo ATGT, tránh gây ùn tại các vị trí thi công. Người hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông phải được trang bị bộ đàm để liên lạc.

Cùng với đó, yêu cầu Thanh tra giao thông, đơn vị thi công bố trí đầy đủ barie, cọc tiêu, biển báo và đèn tín hiệu trên đoạn thi công đảm bảo cho các phương tiện lưu thông. Lắp đặt các biển báo chỉ dẫn, hướng dẫn phân luồng từ xa cho các phương tiện tại các lối lên, xuống ở các nút giao trên đường Quốc lộ 5, các lối lên Cầu Vĩnh Tuy và cách phạm vi thi công ít nhất 500m nhắc lại tại phạm vi 300m, 150m, 100m và tại vị trí thi công. Bố trí chóp nón dẫn hướng, hàng rào di động kết hợp với người hướng dẫn giao thông.

Dự kiến phương án phân luồng, tổ chức giao thông nhằm phục vụ công tác sửa chữa này kéo dài khoảng 2 tháng, áp dụng cho đến ngày 25/4.

Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng từ công tác thi công, sửa chữa mang lại, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu toàn bộ việc thi công chỉ được thực hiện vào ban đêm, trong khung giờ từ 22h đến 5h sáng hôm sau.

Đề xuất dự án cải tạo luồng tàu biển Hòn Gai - Cái Lân hơn 500 tỷ đồng

Cục Hàng hải Việt Nam vừa trình Bộ GTVT báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Hòn Gai - Cái Lân (Quảng Ninh).

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo đề xuất, Dự án sẽ xây dựng mới vũng quay tàu trước cảng Cái Lân có đường kính 450 m, cao độ đáy nạo vét là -10 m (khối lượng nạo vét khoảng 1,35 triệu m3) bảo đảm an toàn cho các tàu tổng hợp đến 50.000 DWT, tàu container khoảng 4.000 TEU quay trở ra, vào khu bến Cái Lân.

Cùng đó, dự án sẽ nối dài tuyến luồng hàng hải Hòn Gai - Cái Lân (đoạn từ bến số 1 cảng Cái Lân về thượng lưu đến nhà máy đóng tàu Hạ Long) với chiều dài 2,7 km, khối lượng nạo vét khoảng 559.000 m3, phục vụ cho tàu tải trọng 10.000DWT và tàu đóng mới 70.000DWT.

Tổng mức đầu tư của Dự án dự kiến hơn 500 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 392,7 tỷ đồng. Kinh phí được đề xuất trích từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

P.V (tổng hợp)