Vì sao nhà thầu giao thông biết lỗ vẫn làm?

02/04/2024

Những bất cập trong quy định về định mức, đơn giá kéo dài khiến nhiều nhà thầu giao thông “càng làm càng lỗ”. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp giao thông biết làm sẽ lỗ nhưng vẫn phải làm...


Bất cập trong đơn giá, định mức gây ra nhiều hệ lụy không tốt, ảnh hưởng đến chất lượng công trình

Hệ lụy từ những bất cập trong định mức, đơn giá…

Đầu tháng 01/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu Bộ trưởng của các Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Kể từ sau khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ, nhiều nhà thầu trong lĩnh vực xây lắp, nhất là các doanh nghiệp xây lắp giao thông đặt kỳ vọng rất lớn vào việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm có những giải pháp sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập về định mức, đơn giá xây dựng trong ngành GTVT.

Điều này cũng khá dễ hiểu khi nhiều định mức xây dựng đã tồn tại hàng chục năm nhưng chưa được sửa đổi, điều chỉnh dẫn đến quy định không sát với thực tế làm cho nhà thầu không thể tổ chức thi công; chất lượng và thời gian hoàn thành công trình không đảm bảo theo yêu cầu.


Nhiều nhà thầu thi công dù biết lỗ nhưng vẫn phải làm...

PGS,TS. Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, nguyên nhân của thực trạng trên có thể do phương pháp xây dựng định mức chưa rõ ràng.

Phải nói thẳng, những bất cập về định mức, đơn giá tồn tại trong thời gian dài nhưng không được điều chỉnh, sửa đổi kịp thời đã đêm đến nhiều hệ lụy cho các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Điều dễ nhìn thấy nhất là đã có không ít các công trình giao thông chậm tiến độ, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía nhà thầu thi công “cầm chừng” do định mức, đơn giá quá thấp, nhà thầu càng làm càng lỗ.

Thậm chí, có cả tình trạng một số công trình gặp khiếm khuyết về chất lượng do vật tư, vật liệu đầu vào không đảm bảo. Công trình chậm tiến độ, kém chất lượng gây thất thoát lãng phí. Bên cạnh đó, khi định mức, đơn giá không được tính đúng, tính đủ nhưng trong quá trình triển khai, các nhà thầu bị thúc tiến độ nên không ít đơn vị phải mua vật tư, vật liệu với giá cao, điều này rất dễ nảy sinh tiêu cực để rồi kéo theo những hệ lụy khôn lường về mặt pháp lý.

Tuy vậy, trong dư luận xã hội thời gian qua đâu đó vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn: “Tại sao đơn định mức bất cập, đơn giá thấp, các nhà thầu giao thông biết làm sẽ lỗ nhưng sao vẫn cứ làm?”.

Câu hỏi này đã được lãnh đạo một doanh nghiệp giao thông lớn nói thẳng: “Bất cứ doanh nghiệp ở lĩnh vực nào cũng cần phải có việc làm. Bởi, có việc thì mới có dòng tiền để luân chuyển, rồi đáo nợ ngân hàng, trả lương, duy trì bộ máy hoạt động”.

Theo đại diện doanh nghiệp, để điều hành bộ máy, hoạt động của doanh nghiệp với hàng trăm người lao động đòi hỏi doanh nghiệp phải có việc làm; lãi ít, thậm chí là lỗ lúc này, lúc khác vẫn phải làm vì “không có việc thì doanh nghiệp phá sản luôn”.

Cần sớm tháo gỡ bất cập về định mức, đơn giá

Hiện nay, định mức xây dựng được quy định tại Thông tư 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng. Theo một chuyên gia giao thông, trong Thông tư 12/2021 của Bộ Xây dựng có nhiều định mức không phản ánh đúng hao phí thực tế trên công trường; chưa bao quát các trường hợp áp dụng, mặt khác có xu hướng cắt giảm rất nhiều so với định mức cũ; nhiều định mức cần thiết phải sớm ban hành nhưng chưa có trong hệ thống định mức hiện hành, chưa có hướng dẫn thực hiện…

Đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải cho rằng: “Để hoàn thiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, Bộ Xây dựng cần ưu tiên tập trung điều chỉnh các định mức bất cập có ảnh hưởng lớn đến chi phí xây dựng; xây dựng mới các định mức mang tính cấp thiết chưa có trong hệ thống định mức như: Khai thác chế biến đất, đá,... các định mức cho các kết cấu đặc biệt như: cầu dây văng, dây võng, công trình đường sắt...


Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm tháo gỡ bất cập trong vấn đề định mức, đơn giá

Vị này cũng kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục thu thập, nghiên cứu, phân tích phương pháp lập định mức ở các nước trong khu vực và quốc tế nhằm đề xuất những nội dung và quy định áp dụng hệ thống định mức phù hợp điều kiện xây dựng tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ Xây dựng cần bổ sung nguồn lực cho các cơ quan chức năng nghiên cứu và xây dựng định mức, xác định mức chi phí cho công tác theo dõi, tổng hợp tại các công trình, dự án có áp dụng các công nghệ mới, phối hợp với các đơn vị thi công, tư vấn giám sát tổng hợp xây dựng định mức phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần lập quy hoạch và quản lý việc cung ứng các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng giao thông trên từng địa phương. Ngay từ khâu thiết kế cần có kinh phí và thời gian phù hợp trong công tác khảo sát, thiết kế, thí nghiệm vật liệu để có phương án tận dụng tối đa nguồn vật liệu đắp (đất, đá) từ vật liệu đào, tránh lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên và giảm kinh phí đầu tư xây dựng…

Trong khi đó, đại diện một nhà thầu xây lắp lớn là VINACONEX nói: “Chúng ta không thể cứ hô hào áp dụng khoa học hiện đại, đưa công nghệ mới vào thi công trong khi vẫn áp đơn giá, định mức cũ. Không có ai đầu tư máy móc, thiết bị chất lượng cao để đi làm với đơn giá của chất lượng thấp. Ứng dụng công nghệ mới thì đơn giá, định mức phải theo công nghệ mới, còn cứ áp dụng đơn giá, định mức cũ thì mãi mãi không thể ứng dụng công nghệ mới được”.

PGS.TS. Trần Chủng cho rằng, để khắc phục những bất cập về định mức, đơn giá, Bộ Xây dựng cần đề nghị sửa đổi Nghị định 10 về quản lý chi phí theo hướng: Bỏ khái niệm định mức đặc thù chuyên ngành; Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn chung về phương pháp xây dựng và ban hành định mức, giao Bộ chuyên ngành xây dựng và ban hành định mức cho chuyên ngành, không phải xin ý kiến thoả thuận với Bộ Xây dựng.

“Khi ban hành hướng dẫn phương pháp xây dựng và ban hành định mức chuyên ngành, cần mở rộng theo nhiều phương pháp như: Tính toán từ dây chuyền công nghệ; tham khảo các định mức đã ban hành có tính chất tương tự; tổng kết từ quá trình thi công… không nên bó cứng , quá trình khảo sát cần lấy thông tin xác minh để đảm bảo độ tin cậy”, ông Chủng đề xuất và cho rằng, Bộ Xây dựng cần sớm ban hành bộ định mức cơ sở (định mức năng suất lao động, định mức năng suất máy và thiết bị thi công) làm cơ sở để các Bộ chuyên nghành xây dựng các định mức thực hiện.

Bộ Xây dựng cũng cần sớm cập nhật các định mức đã bãi bỏ trước đây hoặc điều chỉnh lại Nghị định để vận dụng áp dụng trong giai đoạn hiện nay khi chưa sửa đổi và đang hoàn thiện các thể chế chính sách nhằm đáp ứng được tiến độ công việc, tránh gây tiêu cực.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cần sớm đưa ra cơ chế để có nguồn chi trả cho các dự án có yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công so với tiến độ trong hợp đồng để nhà thầu có thể huy động nhân lực, trang thiết bị tổ chức thi công: “3 ca, 4 kíp”, “làm ngày nghỉ, ngày lễ” để bù đắp các chi trả chính đáng và tuân thủ Luật Lao động khi huy động để đáp ứng yêu cầu công việc, phát huy sớm hiệu quả đầu tư các dự án.

Bích Liên

Nguồn: http://baokiemtoan.vn/vi-sao-nha-thau-giao-thong-biet-lo-van-lam-30871.html