5 DN về “siêu ủy ban”, dự án giao thông triển khai thế nào?

10/10/2018

Các dự án giao thông lớn đã, đang và sắp triển khai gặp vướng mắc gì sau khi 5 tổng công ty giao thông chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước là vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay…

Có thể đấu thầu vốn đầu tư, bảo trì đường sắt

Sau cuộc họp tuần qua liên quan đến việc chuyển giao 5 doanh nghiệp (DN) gồm TCT Hàng không VN (Vietnam Airlines), TCT Cảng hàng không VN (ACV), TCT Đường sắt VN (VNR), TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) và TCT Hàng hải VN (Vinalines) về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, việc chuyển giao các dự án giao thông liên quan đến 5 DN này như thế nào đang là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.

Một trong những DN ảnh hưởng nhiều nhất của việc chuyển giao này là TCT Đường sắt VN khi DN này sử dụng nhiều vốn ngân sách, vốn xã hội hóa rất ít.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Thiện Cảnh, Phó tổng giám đốc TCT Đường sắt VN cho biết, mỗi năm ngân sách Nhà nước (nguồn vốn sự nghiệp kinh tế) cấp khoảng 2.500 - 2.600 tỉ đồng cho TCT để thực hiện nhiệm vụ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt nhằm duy trì đảm bảo an toàn chạy tàu và duy tu sửa chữa kết cấu hạ tầng. Cụ thể, Bộ GTVT là cơ quan thẩm quyền quyết định kế hoạch bảo trì hàng năm bao gồm danh mục thực hiện và vốn. TCT Đường sắt là chủ đầu tư. Sau Nghị định 131 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN có hiệu lực, nguồn vốn này sẽ vẫn do Bộ GTVT quản lý, giao cho đơn vị nào là thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.

“Tôi cho rằng, vẫn nên giao nguồn vốn này cho TCT Đường sắt VN như hiện nay vì chúng tôi đã có bộ máy xuyên suốt từ trên xuống dưới, nghiệp vụ thông thạo, nắm bắt được nhu cầu thực tế để xây dựng kế hoạch bảo trì, sửa chữa hàng năm. Tất nhiên, việc thực hiện công tác bảo trì sau này có thể đấu thầu. Đơn vị nào đủ năng lực thì tham gia”, ông Cảnh nói.

Tương tự, theo ông Cảnh, nguồn vốn đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt cũng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GTVT. Dẫn ví dụ về gói 7.000 tỷ đồng từ nguồn Trái phiếu Chính phủ cho ngành Đường sắt để thực hiện 4 dự án cấp bách, tăng năng lực thông qua và đảm bảo kiểm soát ATGT đường sắt, ông Cảnh cho hay, hiện Bộ GTVT đã giao TCT Đường sắt VN lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 2 dự án gồm: Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu từ Vinh đến Nha Trang và cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu từ Nha Trang đến Sài Gòn. Tổng kinh phí dự kiến 2 dự án khoảng 3.700 tỉ đồng.

“Sau khi chủ trương đầu tư được Bộ GTVT phê duyệt, bước tiếp theo mới là giao chủ đầu tư dự án”, ông Cảnh nói và khẳng định: Thẩm quyền giao chủ đầu tư thuộc Bộ GTVT và nếu có giao cho TCT Đường sắt VN cũng hoàn toàn không trái luật.

“Mạng lưới đường sắt hiện tại là đường đơn, khi thực hiện dự án đều phải vừa thi công, vừa tổ chức chạy tàu, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh vận tải, điều hành giao thông và công tác đảm bảo an toàn chạy tàu. Bộ GTVT cũng cần căn cứ tính cấp bách giữa các lĩnh vực giao thông để cân đối, không phụ thuộc vào đơn vị nào thuộc chủ quản hay không. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ GTVT, Ủy ban và TCT (nếu được giao triển khai thực hiện) cũng cần phối hợp tốt để có được hiệu quả đầu tư thực sự”, ông Cảnh cho hay.

2

2

Mỗi năm ngân sách Nhà nước cấp khoảng 2.500 - 2.600 tỉ đồng cho TCT Đường sắt VN để thực hiện nhiệm vụ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt (Trong ảnh: Tàu qua cầu Bắc Thủy trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn) - Ảnh: Ngô Vinh

Triển khai CHK Long Thành có ảnh hưởng?

Trong lĩnh vực hàng không, nhiều quan tâm khi TCT Cảng hàng không VN (ACV) chuyển về “siêu ủy ban”, công tác triển khai dự án đặc biệt quan trọng là CHK quốc tế Long Thành sẽ có bị ảnh hưởng? Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho biết, dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành không bị ảnh hưởng nhiều bởi quá trình chuyển giao này.

“Cả trước và sau khi chuyển giao các DN về Ủy ban, Bộ GTVT vẫn sẽ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành. Cụ thể, Bộ GTVT quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, bảo đảm an ninh an toàn, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng”, ông Thanh lý giải.

“Sau khi việc chuyển giao hoàn tất, Bộ GTVT sẽ vẫn là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng hàng không nói riêng. Với ACV, khi đó, kế hoạch sản xuất kinh doanh sẽ phải được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN thông qua với tư cách là chủ sở hữu. Nhưng về mặt quản lý Nhà nước, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vẫn là Bộ GTVT”, ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, lúc này, ACV muốn đầu tư một nhà ga, trước tiên phải được Ủy ban đồng ý trong kế hoạch sản xuất kinh doanh. Kế đó, ACV có được vào làm dự án đó không, sẽ do Bộ GTVT quyết định. Với dự án CHK quốc tế Long Thành, ông Thanh cho hay, hiện ACV mới chỉ được giao là chủ đầu tư lập Báo cáo khả thi dự án (FS). Trong FS sẽ phải làm rõ phương thức huy động vốn như thế nào. Chỉ khi Quốc hội thông qua FS mới chốt được các hạng mục đầu tư, hình thức đầu tư, phương thức huy động vốn, tổ chức đấu thầu…

Liên quan đến các dự án đầu tư hạ tầng hàng không, tại cuộc họp của Bộ GTVT, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho rằng, không có vấn đề thay đổi gì trong công tác quản lý nhà nước. Đối với việc duy tu bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng không, theo Đề án Quản lý khai thác kết cấu hạ tầng hàng không đang được xây dựng, sẽ tiến hành đấu thầu. Còn về đầu tư kết cấu hạ tầng của hàng không, có 2 phương án. Thứ nhất, theo Luật Hàng không dân dụng VN, nhà khai thác cảng có trách nhiệm đầu tư. Bộ GTVT sẽ xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ giao ACV. Trường hợp không được sẽ làm theo quy định về đầu tư PPP, tiến hành đấu thầu.

Đầu tư và quyết toán dự án cao tốc không bị ảnh hưởng

Một trong những doanh nghiệp khác dự kiến cũng có tác động lớn chuyển giao về “siêu ủy ban” là TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) khi đang triển khai rất nhiều dự án đường bộ cao tốc lớn. Tuy nhiên, ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc đơn vị này lại cho rằng, việc chuyển giao không ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý, đầu tư các dự án của mình. Kể cả công tác quyết toán, giải ngân, đầu tư xây dựng các dự án vẫn thực hiện bình thường đúng theo các quy định hiện hành.

“Sắp tới, VEC chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, nhưng về mặt quản lý Nhà nước chuyên ngành, các vấn đề liên quan đến Bộ GTVT, chúng tôi vẫn phải xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT”, ông Tám giải thích thêm.

Đồng quan điểm, ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV VEC nói: “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sẽ không ảnh hưởng gì đến hoạt động của DN. Việc quan trọng nhất bây giờ là Ủy ban và Bộ GTVT cùng phối hợp để cụ thể hóa, giải quyết các vấn đề trong quá trình bàn giao doanh nghiệp.

Tìm hiểu của PV, trong 5 dự án giao thông lớn do VEC quản lý, đầu tư, có 3 dự án đã hoàn thành, đang thực hiện quyết toán gồm: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; cao tốc Nội Bài - Lào Cai và cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. 2 dự án còn lại đang đầu tư xây dựng là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành. Trong đó, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã thông xe vào ngày 2/9 vừa qua, đang hoàn thiện các hạng mục nút giao. Cao tốc Bến Lức - Long Thành mới đạt khoảng 77% khối lượng thi công. Hiện tại, chủ đầu tư chưa xác định được thời gian hoàn thành dự án do vướng mắc về mặt bằng và phát sinh xử lý kỹ thuật.

Nhóm PV