Tọa đàm “Chính sách mới, cơ hội mới cho nhà đầu tư PPP”

17/09/2020

Ngày 16/9/2020, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Hợp tác công tư thuộc Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh (Ủy ban PPP) và Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) tổ chức tọa đàm trực tuyến “ Chính sách mới, cơ hội mới cho nhà đầu tư PPP”.

Tọa đàm do PGS. TS. Trần Chủng – Chủ tịch VARSI, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI chủ trì và điều hành. Tham dự tọa đàm có bà Vũ Quỳnh Lê – Cục phó Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các chuyên gia trong các lĩnh vực : PGS. TS. Dương Đăng Huệ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự Bộ Tư pháp, PGS. Nguyễn Hồng Thái – Phó trưởng khoa Vận tải kinh tế Trường đại học Giao thông vận tải, PGS. TS. Vũ Cương – Trưởng bộ môn Kinh tế công cộng Khoa Kinh tế phát triển, Trường đại học Kinh tế quốc dân, Ông Aguin Toru – Trưởng đại diện Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật bản (JBIC) tại Việt Nam và sự góp mặt của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ trên cả nước.

PGS. TS. Trần Chủng – Chủ tịch VARSI (ngồi giữa) điều hành tọa đàm

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Luật PPP với những điểm mới như vốn hỗ trợ của Nhà nước, đấu thầu cạnh tranh, cơ chế chia sẻ tăng giảm doanh thu, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền …được kỳ vọng sẽ khuyến khích, thu hút được khu vực tư nhân vào các dự án PPP, tạo ra các cơ hội hội mới cho nhà đầu tư PPP. “Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mới, hợp tác công tư vẫn phải đối mặt với những thách thức cũ và mới phát sinh đan xen như Luật PPP ra đời trong bối cảnh dịch bệnh Covid- 19 bùng phát, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu, trong đó có nền kinh tế Việt Nam; hệ thống thể chế, pháp lý chưa hoàn hiện: Sau khi ban hành Luật PPP còn gần 30 nội dung, điều khoản nêu trong Luật PPP cần hướng dẫn và tồn tại những chồng tréo, mâu thuẫn giữa các Luật PPP và văn bản pháp lý; nguồn lực, năng lực, kinh nghiệm còn hạn chế từ cả 2 phía Nhà nước và nhà đầu tư; sự ủng hộ, đồng thuận, quyết tâm từ phía các Bộ ngành còn hạn chế; sự phối hợp giữa các Bộ ngành còn chưa hiệu quả nên không tạo sự đột phá trong phát triển hợp tác công tư.” – TS. Vũ Tiến Lộc nói.

Phát biểu tham luận tại tọa đàm, nhóm nghiên cứu PGS. TS. Nguyễn Hồng Thái và PGS. TS. Vũ Cương cho rằng cần đảm bảo khung khổ pháp lý ổn định và lâu dài để tạo lòng tin cho nhà đầu tư, vì quan hệ đối tác công tư thường mang tính dài hạn, 20 - 30 năm, nếu khung khổ pháp lý không ổn định rất khó tạo lòng tin. Thêm vào đó, ưu đãi tài chính và dòng doanh thu ổn định là rất quan trọng để thu hút đầu tư tư nhân.

Ông Aguin Toru cho rằng Chính phủ nên chịu những rủi ro mà nhà đầu tư không đủ khả năng gánh vác, bởi có quá nhiều gánh nặng cho nhà đầu tư. Đồng thời, khung pháp lý không rõ ràng và ổn định, khó khăn cho việc dự đoán dự án, dẫn đến dự án khó đáp ứng yêu cầu để cấp tín dụng trong dài hạn.

Tọa đàm nhằm phổ biến nội dung Luật PPP cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và thảo luận về các cơ hội, thách thức cho nhà đầu tư khi Luật PPP có hiệu lực thi hành.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2020 với nhiều nội dung đổi mới được xem là một cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc xây dựng môi trường thể chế pháp lý hiệu quả, ổn định và thuận lợi cho lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP. Việc thu hút nguồn lực của khu vực tư nhân, sử dụng hiệu quả nguồn lực này để bù đắp những thiếu hụt của ngân sách Nhà nước trong đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ công sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước phát triển bền vững trong những giai đoạn tiếp theo; đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp làm suy giảm nền kinh tế quốc gia, Chính phủ cần khuyến khích, thu hút tối đa các nguồn lực, đặc biệt nguồn lực tư nhân để phát triển hạ tầng.

Ngọc Trang