Tháo gỡ bất cập dự án PPP giao thông

01/11/2022

Ngày 31/10/2022, tại Hà Nội, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) tổ chức toạ đàm với các nội dung “Tháo gỡ bất cập dự án PPP hạ tầng giao thông” và “Cơ hội và thách thức nhà thầu tham gia cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2”.

Toàn cảnh toạ đàm

Toạ đàm có sự tham dự của đông đảo đại biểu, khách mời là các chuyên gia, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp dự án, các nhà thầu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.

Theo PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch VARSI, các nhà đầu tư đã hoàn thành trách nhiệm trong hợp đồng, sản phẩm đã mang lại hiệu quả cho xã hội. Khó khăn của dự án là do khách quan và chủ quan của Nhà nước thông qua việc thay đổi chính sách, quy hoạch sau khi dự án BOT đã triển khai. Theo hợp đồng, nhà nước là một bên có trách nhiệm trong thực hiện dự án, chứ không chỉ nhà đầu tư.

“VARSI tổ chức cuộc tọa đàm để một lần nữa nghe những người “trong cuộc” nói về các vướng mắc của từng dự án BOT, từ đó có thêm các chứng cứ xác thực làm cơ sở cho các kiến nghị tháo gỡ bất cập nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, tránh sự sụp đổ của hàng loạt doanh nghiệp và tăng niềm tin của các nhà đầu tư đối với phương thức đầu tư đầy tham vọng mà Chính phủ mong muốn”, Chủ tịch VARSI nhấn mạnh.

Theo PGS. TS. Trần Chủng, VARSI sẽ có những kiến nghị chi tiết nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư BOT

Ông Ngọ Trường Nam - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả chia sẻ, hợp đồng Dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả cho phép nhà đầu tư thu phí tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan từ năm 2018 để hoàn vốn. Nhưng sau đó, Chính phủ căn cứ nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không cho phép thu phí tại trạm này.

Tuy vậy, từ năm 2018 đến nay, Nhà nước không có giải pháp bù đắp doanh thu cho dự án hầm đèo Cả khiến nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Nhà đầu tư nhiều lần kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước tuân thủ theo hợp đồng BOT đã ký, nếu pháp luật thay đổi thì có giải pháp bù đắp dòng tiền cho dự án nhưng đến nay chưa được", Tổng Giám đốc DNDA này cho biết.

Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH BOT Phú Hà phát biểu, Dự án BOT cầu Văn Lang hoàn thành đầu năm 2019. Năm đầu tiên thu phí chỉ đạt 48% phương án tài chính và giảm dần đến nay còn khoảng 25%. Nguồn thu này chỉ đủ trả 30% chi phí lãi vay của dự án, chưa nói đến việc trả vốn gốc. Nguyên nhân sụt giảm doanh thu là lưu lượng xe qua cầu bị phân lưu sang các đường phát sinh.

Ngoài ra, nhà đầu tư phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng vận hành, duy tu cầu hàng năm. Dự án lỗ lũy kế trung bình khoảng 75 tỷ đồng mỗi năm, vỡ phương án tài chính. "Chúng tôi ngày càng khó khăn, nguy cơ phá sản hiện hữu. Nhà nước mua lại dự án là phương án tốt nhất", ông Nghĩa kiến nghị.

Tại Dự án BOT xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn, đại diện nhà đầu tư dự án này chia sẻ, hạng mục cầu đường sắt Bình Lợi đã được hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 9/2019. Để hoàn thành hạng mục cầu này, nhà đầu tư đã phải bỏ thêm khoảng 20 tỷ đồng so với vốn chủ sở hữu trong hợp đồng BOT.

Do những khó khăn về phương án thu phí và việc huy động vốn triển khai dự án, dự án không thể hoàn thành theo đúng Quyết định đầu tư ban đầu, phương án tài chính cuả dự án bị phá vỡ, nhà đầu tư không có nguồn để hoàn trả khoản nợ vay từ ngân sách địa phương, ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Bởi lẽ đó, nhà đầu tư kiến nghị được chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và bố trí vốn ngân sách Nhà nước để thanh toán cho doanh nghiệp dự án cũng như hoàn trả vốn dự án vay của địa phương.

Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư QL91 cho biết, Dự án BOT cải tạo quốc lộ 91 từ Cần Thơ đi An Giang hoàn thành 2016, thu phí tại hai trạm T1 và T2 ổn định. Đến năm 2019, cầu Vàm Cống đưa vào khai thác phát sinh vướng mắc tại trạm T2 và phải ngừng thu phí từ 2019 đến nay. "Chúng tôi bị ngân hàng đưa vào nợ xấu nhóm 5, lãnh đạo công ty vay tiền cá nhân cũng không được chấp thuận”, ông Khang nói thêm.

Theo ông Nguyễn Văn Khang, doanh nghiệp dự án cải tạo QL91 bị ngân hàng đưa vào nợ xấu nhóm 5.

Cũng tại toạ đàm, ông Nguyễn Hải Nam - TGĐ Công ty BOT đường tránh Thanh Hoá cho hay, năm 2014, Dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Thanh Hoá có hạng mục đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hoá đoạn Km0 – Km6 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung vào dự án, sử dụng trạm thu phí Bỉm Sơn để hoàn vốn. Tuy nhiên, cho đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa được thu phí tại trạm này. Doanh nghiệp dự án kiến nghị phương án chấm dứt hợp đồng và bố trí vốn ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư như đề xuất của Bộ Giao thông vận tải.

Đại diện Công ty BOT đường tránh Thanh Hoá kiến nghị chấm dứt hợp đồng dự án và bố trí vốn ngân sách thanh toán cho nhà đầu tư.

Với Dự án BOT đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo quốc lộ 3, ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cho biết: “Do không được thu phí trên 25km quốc lộ 3 vì vướng nghị quyết 437 và phản ứng của người dân nên doanh thu của dự án hiện chỉ đạt 8,7% phương án tài chính”.

Hiện doanh thu tại trạm thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới chỉ đạt hơn 2 tỉ đồng/tháng trong khi phương án tài chính 16 - 17 tỉ đồng/tháng. Nhà đầu tư phải huy động tiền duy tu, bảo trì đường vì doanh thu không đủ trả nợ lãi.

Không kiến nghị nhà nước bố trí vốn chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, song, nhà đầu tư dự án Bắc Giang - Lạng Sơn lại đang mong mỏi cơ chế hỗ trợ từ phía ngân hàng sẽ sớm được kích hoạt để vượt qua khó khăn hiện tại.

Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Phó TGĐ Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, tổng mức đầu tư khoảng gần 12.200 tỷ đồng, sử dụng 100% vốn huy động của nhà đầu tư. Từ khi vận hành, khai thác đến nay, dự án mới đạt 31% doanh thu so với phương án tài chính ban đầu chủ yếu do nguyên nhân khách quan.

“Trước khó khăn trên, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Lạng Sơn mới điều chỉnh phương án tài chính, cập nhật doanh thu và tăng thời gian thu phí dự án lên, chưa có giải pháp cụ thể để bù đắp doanh thu thiếu hụt với nhà đầu tư”, Tổng Giám đốc BOT Bắc Giang - Lạng Sơn chia sẻ.

Nói về giải pháp xử lý các dự án, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đề nghị các nhà đầu tư, ngân hàng, cơ quan nhà nước phê duyệt dự án cùng ngồi để làm rõ, chia sẻ trách nhiệm. Khi chính sách đã thay đổi ảnh hưởng đến dự án thì cần được đàm phán lại hợp đồng. Với dự án có cơ sở pháp lý chặt chẽ, lỗi hoàn toàn do cơ quan nhà nước thì nhà nước phải trả tiền theo nội dung cam kết, cộng thêm lãi suất, hoặc trả lại quyền thu phí cho doanh nghiệp.

Với trường hợp chưa có kinh phí mua lại dự án thì các bên cần đàm phán, ví dụ tính toán điều chỉnh lãi vay, dừng xử lý nợ xấu đối với doanh nghiệp vì "nợ xấu là hệ lụy từ nhà nước song hiện nay nhà đầu tư phải chịu", hoặc trước mắt nhà nước trả lại vốn chủ sở hữu nhà đầu tư đã góp.

Ông Hồ Minh Hoàng cho rằng, cần có những kiến nghị cụ thể để xử lý dứt điểm bất cập tại các dự án BOT

Trong những năm qua, các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo phương thức PPP đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2030, nước ta có 5.000km đường cao tốc, lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ trong nước có dư địa phát triển rất lớn, mở ra nhiều cơ hội cho hoạt động đầu tư các dự án công trình giao thông theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các dự án PPP vẫn còn những bất cập cần được giải quyết kịp thời và triệt để, thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ từ Nhà nước, tạo môi trường đầu tư bình đẳng, niềm tin cho các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính để họ tiếp tục tham gia vào công cuộc phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông đất nước.

Chủ tịch VARSI cho biết, từ 2016 đến nay chỉ có 4 dự án PPP giao thông được hình thành, phải chuyển 5 trong 8 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2016 - 2021 từ đầu tư PPP không thành công sang đầu tư công.

Việc PPP không còn hấp dẫn nhà đầu tư không chỉ do những vướng mắc về tín dụng, thể chế chưa hoàn chỉnh gây sự không bình đẳng giữa Nhà nước và tư nhân. Nguyên nhân quan trọng là các nhà đầu tư e ngại từ các vướng mắc, bất cập tại các dự án BOT thời gian qua chưa được giải quyết, gây mất niềm tin và đẩy nhà đầu tư đơn phương chống chọi dẫn tới nguy cơ phá sản doanh nghiệp.

Ngọc Trang