Bất cập BOT đã được giải quyết ra sao?

04/06/2019

Trong 68 dự án BOT, BT đã hoàn thành, đưa vào khai thác, Bộ GTVT đã quyết toán xong 62 dự án, đang thẩm tra quyết toán 2 dự án.


Sau hơn một năm Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 437 (21/10/2017), Bộ GTVT đã quyết liệt vào cuộc để tập trung rà soát, xử lý một cách trực diện những vấn đề còn tồn tại, bất cập ở các dự án BOT giao thông trên cả nước.

Dừng triển khai 14 dự án, “đóng cửa” di dời nhiều trạm thu phí

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng, nhất là Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, đến nay, Bộ GTVT đã huy động được 209.732 tỷ đồng đầu tư 68 dự án giao thông theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trong đó có 62 dự án BOT (tổng mức đầu tư: 189.452 tỷ đồng).

Có thể khẳng định, những hiệu quả to lớn của các dự án BOT giao thông trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, rút ngắn thời gian đi lại, đảm bảo ATGT mang lại cho người dân và xã hội là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, các dự án BOT được triển khai trong bối cảnh chưa có Luật PPP, khung pháp lý cao nhất mới chỉ dừng ở các nghị định, thông tư nên còn một số tồn tại, bất cập.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, vấn đề căn bản làm phát sinh những bức xúc của người dân đối với các trạm BOT thời gian qua là việc triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện hữu theo hình thức BOT phải đặt trạm thu phí dẫn tới người sử dụng đang được miễn phí phải trả phí.

“Sau khi tổng kết đánh giá tình hình triển khai đầu tư các dự án BOT, nhận thức được bất cập này, Bộ GTVT đã dừng triển khai 14 dự án cải tạo, nâng cấp theo hình thức BOT trên đường hiện hữu”, ông Huy nói.

Cũng theo ông Huy, đối với các dự án BOT hoàn thành, đưa vào khai thác, Bộ GTVT đã chủ động rà soát tổng thể vị trí đặt trạm để xử lý trực diện những bất cập nảy sinh. Theo đó, Bộ GTVT đã dừng thu phí tại hai trạm Đèo Ngang và tránh Hà Tĩnh do hết thời hạn hợp đồng, không thành lập trạm Nam Hải Vân, thay vào đó là sử dụng trạm Bắc Hải Vân để cùng hoàn vốn cho 2 dự án BOT Phú Gia - Phước Tượng và hầm Hải Vân. Đồng thời, Bộ GTVT đã chuyển trạm Tân Đệ về tuyến tránh Đông Hưng để hoàn vốn cho dự án tuyến tránh Đông Hưng (Thái Bình).

“Đến nay, cơ bản các bất cập tại các trạm thu phí đã được giải quyết”, ông Huy chia sẻ và cho biết, hiện tại, trên cả nước chỉ còn 5 trạm thu phí đang phải tiếp tục xử lý gồm: Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài, trạm Bỉm Sơn (Thanh Hóa), trạm Cai Lậy, trạm Thái Nguyên - Chợ Mới và trạm T2 trên QL91.

Nói rõ hơn về trạm BOT Cai Lậy, ông Huy cho biết, sau khi các cơ quan thanh tra, kiểm toán ban hành kết luận, các bất cập tại trạm đã được xử lý như miễn giảm giá vé chung cho tất cả các loại phương tiện và mở rộng phạm vi miễn giảm giá vé cho các chủ phương tiện khu vực trạm thu phí.

“Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tiếp tục thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại vị trí hiện hữu. Bộ GTVT đã phối hợp với địa phương, Bộ Công an để triển khai tổ chức thu phí lại tại trạm Cai Lậy vào thời điểm thích hợp”, ông Huy nói.

Tương tự, trạm thu phí QL3 thuộc dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý cho phép dự án thu phí. Hiện nay, Bộ GTVT đã thống nhất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên về phương án miễn giảm giá vé cho người dân khu vực lân cận và đang hoàn thiện thủ tục để chuẩn bị thu phí. Đối với trạm T2 trên QL91 nảy sinh bất cập khi cầu Vàm Cống đưa vào khai thác, Bộ GTVT đang cập nhật lại lưu lượng xe để tính toán phương án tài chính nhằm đưa ra phương án phù hợp, trong đó tính cả đến phương án di dời trạm.

Giảm giá vé 39 trạm BOT, quyết toán xong 62 công trình

Chủ đầu tư đã tháo dỡ trạm BOT Tân Đệ (di chuyển trạm về tuyến tránh TP Đông Hưng, Thái Bình) và hoàn trả mặt đường trước Tết Nguyên đán 2019. Ảnh: N.Định

Chủ đầu tư đã tháo dỡ trạm BOT Tân Đệ (di chuyển trạm về tuyến tránh TP Đông Hưng, Thái Bình) và hoàn trả mặt đường trước Tết Nguyên đán 2019. Ảnh: N.Định

Một bất cập khác tại các dự án BOT đã được Bộ GTVT xử lý rốt ráo là việc đảm bảo công bằng cho các chủ phương tiện. Theo ông Huy, các dự án thu phí trên quốc lộ đều áp dụng hình thức thu phí hở (thu phí theo lượt phương tiện qua trạm). Phương thức thu phí này không thể tránh khỏi bất cập, bởi những phương tiện đi quãng đường ngắn, phải qua trạm thu phí sẽ mất tiền, nhưng nhiều phương tiện đi quãng đường dài trong phạm vi dự án lại không đi qua trạm sẽ không phải trả phí. Ngoài ra, các hộ dân xung quanh trạm cũng sử dụng tuyến đường BOT nhưng không có biện pháp nào xác định chính xác việc những người dân này sử dụng nhiều hay ít quãng đường BOT.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ GTVT đã đàm phán với các nhà đầu tư, căn cứ tính khả thi phương án tài chính của các dự án đã tiến hành giảm giá vé tại 39 dự án BOT, gồm: Giảm giá chung cho các phương tiện và miễn giảm giá vé đối với các phương tiện xung quanh trạm thu phí. Còn lại, 16 dự án có mức giá được xác định từ đầu thấp và 3 dự án cao tốc ít ảnh hưởng đến chi phí của các doanh nghiệp nên không điều chỉnh giảm, 4 dự án không giảm giá do lưu lượng xe thấp hơn dự kiến nếu giảm giá thì phá vỡ phương án tài chính, không thể hoàn vốn.

Một vấn đề khác được xã hội và người dân đặc biệt quan tâm trong thời gian qua là tính minh bạch của chi phí đầu tư và thời gian thu phí tại các dự án BOT. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, quy trình quản lý chi phí đầu tư của các dự án BOT được thực hiện rất chặt chẽ, trải qua 4 bước: Phê duyệt tổng mức đầu tư; kiểm soát dự toán thông qua thẩm định giá trị dự toán trước khi nhà đầu tư phê duyệt; kiểm toán; quyết toán. Các bước sau được tính toán chi tiết, chính xác hơn bước trước.

“Đặc biệt, Bộ GTVT đã quy định rõ trong hợp đồng, giá trị quyết toán sẽ là giá trị cuối cùng để tính toán thời gian thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn cho dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói và cho biết, Bộ GTVT đã chủ động mời Kiểm toán Nhà nước hỗ trợ kiểm toán các dự án trước khi quyết toán. Đồng thời, Bộ GTVT cũng tiến hành thanh tra và phối hợp với các đoàn thanh tra của các bộ, Thanh tra Chính phủ để phát hiện các tồn tại, sai sót nhằm kịp thời điều chỉnh, khắc phục. Tính đến tháng 5/2019, đã có 117 đoàn thanh tra, kiểm toán tiến hành thanh tra, kiểm toán đối với 63 dự án BOT đang vận hành khai thác và triển khai đầu tư.

Thông tin cụ thể về công tác quyết toán, chia sẻ với Báo Giao thông, ông Phạm Huy Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết, trong 68 dự án BOT, BT đã hoàn thành, đưa vào khai thác, Bộ GTVT đã quyết toán xong 62 dự án, đang thẩm tra quyết toán 2 dự án. Còn lại, 4 dự án BOT vừa mới hoàn thành vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý để quyết toán.

Theo ông Hiếu, thông qua quyết toán sẽ xác định chính xác chi phí đầu tư thực tế, hợp pháp của công trình, làm cơ sở để xem xét, điều chỉnh phương án tài chính, thời gian thu phí của các dự án BOT. “Tổng vốn đầu tư của các dự án BOT sau khi quyết toán đều thấp hơn so với dự toán ban đầu và giá trị đã được thanh tra, kiểm toán. Trên cơ sở giá trị quyết toán, cập nhật lưu lượng thực tế, Bộ GTVT đã tính toán và điều chỉnh lại thời gian thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ”, ông Hiếu nói.

Thông tin thêm với Báo Giao thông, đại diện Vụ PPP cho biết, sau khi quyết toán, tính toán sơ bộ, tổng vốn đầu tư thực tế của 62 dự án BOT giảm khoảng 10% (18.000 tỷ đồng) so với dự toán ban đầu. “Thời gian qua, nhiều dự án BOT đã phải tiến hành giảm giá chung cho các phương tiện, miễn giảm giá cho người dân xung quanh trạm thu phí. Đồng thời, nhiều dự án chưa được tăng phí theo lộ trình, nên Bộ GTVT đang tiếp tục rà soát và tính toán lại thời gian thu phí của các dự án sau khi quyết toán”, đại diện Vụ PPP cho hay.

Cần sớm ban hành Luật để dự án PPP không còn bất cập

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Thế, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới các tồn tại, bất cập tại các dự án BOT trong thời gian qua là hành lang pháp lý của hình thức đầu tư này chưa đồng bộ và còn nhiều chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Chẳng hạn, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp tồn tại những quy định đá nhau. Trong Luật Doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp có thể chuyển nhượng cổ phần hoặc góp vốn, nhưng Luật Đầu tư lại không cho phép thực hiện việc này.

Hơn nữa, tính ổn định pháp lý chưa cao, các nghị định và thông tư liên tục thay đổi, có khi chỉ một vài tháng lại thay đổi một lần. “Các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành Luật về PPP để các nhà đầu tư yên tâm tham gia vào các dự án PPP, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào dự án cao tốc Bắc - Nam”, ông Thế nói.

Đại biểu QH Phạm Văn Tuân, Thái Bình:
Cần tháo gỡ khó khăn để huy động nguồn lực đầu tư BOT giao thông

Có thể nói, hệ thống giao thông đi đến đâu là kinh tế - xã hội phát triển đến đó. Thế nhưng, việc phát triển hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông còn nhiều bế tắc vì hiện nay vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế. Mặt khác, giải ngân vốn đầu tư cũng cực kỳ khó khăn vì quy trình thủ tục. Trong khi đó, cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực này còn chưa thông thoáng, đầu tư trong các hình thức BOT, BT chưa được công khai, minh bạch.

Do đó, đề nghị Chính phủ, các cơ quan Trung ương cần quyết liệt hơn trong việc cải cách thể chế. Thể chế ở đây không chỉ là thủ tục hành chính mà quan trọng hơn là hiện thực chủ trương, quan điểm của Đảng bằng cơ chế chính sách nhưng phải rất đồng bộ, thông thoáng, khả thi, tăng cường phân cấp, phân quyền nhiều hơn và tăng hậu kiểm. Đề nghị sớm xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác mọi nguồn lực, chú trọng nguồn lực trong nước của các tổ chức, cá nhân để phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông ở tất cả các loại hình.

Hoàng Ngân (Ghi