Cần sự linh hoạt trong tài trợ vốn các dự án PPP

13/05/2020

Tài trợ vốn cho dự án PPP là một trong những nội dung cốt lõi, xuyên suốt nhiều điều khoản dự thảo Luật và thể hiện rõ nét nhất sự bình đẳng của các bên theo đối tác công – tư. Vấn đề này cũng được các chuyên gia tích cực góp ý để đóng góp sửa đổi Dự thảo Luật PPP mới nhất.

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Các vấn đề về tài trợ vốn và cơ chế giám sát dự án PPP”, do Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đồng tổ chức mới đây, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, trong dự án PPP, vốn chủ sở hữu 20%, vốn nhà nước 20%, còn lại huy động vốn ngân hàng. Vấn đề vốn luôn là thách thức với phương thức đầu tư PPP, không chỉ trong xây dựng mà còn quá trình sau xây dựng.

Cân đối tỷ lệ góp vốn

PGS.TS Đoàn Thế Lợi, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thủy lợi cho rằng, không nên quy định trần về tỷ lệ vốn nhà nước tại các dự án PPP. Nhà nước nên đưa vốn vào dự án PPP trong 2 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị dự án giải phóng mặt bằng và giai đoạn xây dựng. Nếu Nhà nước chỉ tập trung vào giải phóng mặt bằng dễ dẫn đến dự án treo. Ví dụ, quy mô dự án thủy lợi và cấp nước sạch nông thôn nếu giới hạn ở mức 200 tỷ đồng thì rất khó thực hiện, hiệu quả dự án nước sạch nông thôn thời gian qua không như mong muốn.

Theo ông Trần Duy Hưng - Giám đốc Công ty tư vấn Monitor Consulting, nên lập một dòng ngân sách riêng hoặc quỹ riêng để cấp vốn cho dự án PPP. Phần vốn nhà nước tham gia dự án PPP là “vốn mồi”, rất quan trọng để thúc đẩy dự án. Theo đó, tại Điều 75 quy định, trường hợp dự án PPP chưa có trong danh mục dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ được cơ quan có thẩm quyền lập phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn. Xét hơn 300 dự án PPP đã triển khai, phần vốn nhà nước chỉ tham gia giải phóng mặt bằng, chưa dự án nào sử dụng vốn hỗ trợ xây dựng, ngoại trừ dự án Phan Thiết - Dầu Giây. Việc Dự thảo luật PPP quy định vốn đầu tư công trong dự án được tổng hợp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ thiếu tính linh hoạt, rất khó trong quản lý rủi ro tài khóa.

Theo VARSI, việc thu xếp vốn tín dụng cho các dự án PPP cũng rất khó khăn và mất nhiều thời gian để thẩm định, đàm phán do vốn vay lớn và thời gian cho vay thường kéo dài (bình quân trên 15 năm). Theo quy định hiện tại, vốn chủ sở hữu tham gia các dự án tối thiểu là 15%, tuy nhiên khi thực hiện thẩm định, cấp tín dụng, các ngân hàng thường yêu cầu tỷ lệ vốn chủ sở hữu cao hơn để đảm bảo tính khả thi trong việc trả nợ ngân hàng. Trong trường hợp vốn chủ sở hữu không đáp ứng thì dự án buộc phải tính toán thêm các nguồn khác như vay của chính các nhà đầu tư, bổ sung vốn ngân sách nhà nước… dẫn đến quá trình thẩm định, thu xếp vốn cho dự án sẽ bị kéo dài. Đặc biệt các ngân hàng thường yêu cầu phải thu xếp đầy đủ các nguồn vốn thì mới ký hợp đồng tín dụng hoặc giải ngân khiến cho tiến độ triển khai dự án chậm. VARSI đề xuất, cần bổ sung vốn ngân sách Nhà nước ngay từ đầu để đảm bảo tính khả thi của dự án và đẩy nhanh tiến độ thu xếp vốn.

Bên cạnh đó, các dự án BOT thường thiếu bị thiếu hụt dòng tiền trả lãi trong các năm đầu đi vào vận hành khai thác (do nguồn thu khi mới vận hành còn thấp trong khi chi phí lãi vay giai đoạn đầu lớn). Do đó, VARSI cho rằng cần có nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ dòng tiền thâm hụt trong giai đoạn vận hành để đảm bảo tính khả thi của dự án, thu hút nhà đầu tư và các ngân hàng cấp tín dụng.

Thêm quyền lợi với bên cho vay

Ông Đoàn Giang, chuyên gia quốc tế về PPP nhận định, 80% vốn của dự án PPP là của ngân hàng nên ngân hàng rất quan tâm bảo đảm quyền lợi của họ. Trong Dự thảo Luật PPP mới nhất, chúng tôi lo ngại quyền của bên cho vay khi có vấn đề xảy ra. Khi nhà đầu tư không trả được nợ, ngân hàng chỉ thông báo cho nhà đầu tư thông qua cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đề xuất nhà đầu tư thay thế chứ không được chỉ định nhà đầu tư - như vậy trái với thông lệ quốc tế.

“Nếu cho phép ngân hàng chỉ định nhà đầu tư trong trường hợp có vấn đề xảy ra này, đối với cơ quan Nhà nước, đây cũng là cách thức để bảo đảm dịch vụ vẫn được cung cấp nếu có vấn đề phát sinh giữa nhà đầu tư và bên cho vay. Vì thế luật nên điều chỉnh cho phép bên cho vay quyền đề xuất nhà đầu tư thay thế trong trường hợp hợp đồng vay của họ có vấn đề”, ông Đoàn Giang bổ sung.

Theo ông Đào Việt Dũng, chuyên gia cao cấp về quản lý nhà nước và PPP, tài chính cho dự án phải được chuẩn bị từ khi bắt đầu dự án – đây là khâu quyết định sự thành bại của dự án. Tuy nhiên, dự thảo Luật PPP quy định việc chuẩn bị dự án lại phải nằm trong phần xét duyệt của ngân sách 5 năm. “Theo kinh nghiệm của ADB trong hỗ trợ chuẩn bị dự án, chúng tôi gặp nhiều khó khăn về việc này”.

Ông Dũng góp ý, để dự án khả thi, nên có dòng ngân sách riêng cho dự án. PPP không phải hoàn toàn là đầu tư công, nếu trói vào kế hoạch đầu tư công trung hạn thì thiếu sự linh hoạt và khó khăn trong quản lý. Khi có dòng ngân sách riêng, nhà đầu tư thấy Chính phủ có cam kết rõ ràng, linh hoạt sẽ an tâm. Ngân hàng khi cho vay với rủi ro thấp thì nhà đầu tư dễ vay hơn, chi phí thấp hơn. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò quản trị của Bộ Tài chính trong quá trình này.

Hương Ly (Vietnam Business Forum)