Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Cùng quyết tâm để không lỗi hẹn với người dân ĐBSCL

23/04/2019

Chiều 19/4, tại UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (TL-MT) đã tổ chức cuộc họp “Báo cáo tình hình thực hiện dự án, các vướng mắc, khó khăn và giải pháp tháo gỡ để dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020”. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp.

Sau khi cuộc họp kết thúc, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi cùng ông Mai Mạnh Hồng – Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận (chủ đầu tư mới nhận nhiệm vụ “giải cứu” dự án cao tốc TL-MT) về một số nội dung xung quanh cuộc họp quan trọng này.

* Xin ông cho biết một số nội dung quan trọng mà các bên liên quan đến dự án Trung Lương - Mỹ Thuận đã đưa ra thảo luận tại cuộc họp chiều 19/4?

- Ông Mai Mạnh Hồng: Trong cuộc họp vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến cao tốc TL-MT, vì đây là tuyến cao tốc duy nhất kết nối TP.HCM với TP. Cần Thơ (Trung tâm kinh tế xã hội của khu vực ĐBSCL). Nên suốt hơn 10 năm qua, dự án luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, đặc biệt là nhân dân, cử tri của nhiều địa phương đang trông chờ tuyến cao tốc huyết mạch này.

Với tầm quan trọng mang tính chiến lược đó, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn về dự án này. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 18/3/2019 (thông báo số 99), nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1, theo hình thức hợp đồng BOT. Trong đó, có nội dung quan trọng là, chuyển đổi Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) từ Bộ GTVT chuyển sang UBND tỉnh Tiền Giang và cấp cho dự án 2.186 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó, ngày 22/3/2019, Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang đã ký Biên bản bàn giao CQNNCTQ.

Sau 1 tháng Thủ tướng Chính phủ ban hành thông báo kết luận số 99, Bộ GTVT đã chủ trì tổ chức cuộc họp với mục đích lắng nghe các bên liên quan báo cáo tình hình thực hiện dự án, các vướng mắc, khó khăn và giải pháp tháo gỡ để dự án cao tốc TL-MT đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020.

Ông Mai Mạnh Hồng – Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận

Ông Mai Mạnh Hồng – Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận

* Những tồn tại, vướng mắc nào đã được các bên báo cáo tại cuộc họp?

- Ông Mai Mạnh Hồng: Những tồn tại, vướng mắc của dự án chủ yếu từ trước thời điểm bàn giao (ngày 22/3/2019), tập trung vào 5 vấn đề chính như sau: Việc phê duyệt điều chỉnh dự án; Thẩm định dự toán các gói thầu xây lắp của Cục Quản lý XD & CLCT; Quy định lựa chọn nhà thầu; Triển khai thi công; Vốn vay tín dụng cho dự án.

Sự vướng mắc ở các vấn đề như phê duyệt điều chỉnh dự án, thẩm định dự toán các gói thầu xây lắp của Cục Quản lý XD & CLCT và quy định lựa chọn nhà thầu, đều được xác định mấu chốt là do cách áp dụng giá vật tư, vật liệu thiếu cơ sở và chưa phù hợp theo hướng dẫn tại Thông tư 06/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng (Cụ thể không áp dụng theo báo giá vật liệu do UBND tỉnh Tiền Giang ban hành). Đồng thời, trong quá trình thực hiện việc lựa chọn trước đây, Bộ GTVT yêu cầu thực hiện theo quy định 4255, đến nay, Quyết định này đã bị huỷ bỏ. Nhưng nội dung hợp đồng chưa điều chỉnh, làm ảnh hưởng rất lớn trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, về vốn vay tín dụng cho dự án thì Công ty CP BOT TL-MT hoàn toàn chưa thể tiếp cận được do các thủ tục hành chính liên quan khác chưa được CQNNCTQ hiện tại thông qua.

* Về phía nhà đầu tư (NĐT), Công ty CP BOT TL-MT đã thực hiện, chuẩn bị những gì từ khi nhận vai trò tổng chỉ đạo dự án? Và có đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể gì tại cuộc họp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thưa ông?

- Ông Mai Mạnh Hồng: Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, nhà đầu tư đã tổ chức công tác Bàn giao hiện trạng Dự án vào ngày 12/4/2019; đồng thời đã chủ động thực hiện các nội dung sau:

Đối với liên danh nhà đầu tư, chúng tôi đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông vào ngày 21/3/2019 và thống nhất việc tiếp tục triển khai dự án, các giải pháp cần phải khẩn trương thực hiện đồng bộ và toàn diện. Đồng thời, kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy quản trị và điều hành công ty, quản lý điều hành dự án. Huy động tất cả các nguồn lực sẵn có của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã chủ động mời Kiểm toán Nhà nước (KTNN), cơ quan Thuế, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước (HĐNTNN), vào kiểm tra dự án, công trình. Đồng thời, thực hiện rà soát năng lực nhà thầu xây lắp (kể cả nhà đầu tư làm nhà thầu); Các giải pháp kỹ thuật; Hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư, các tư vấn (QLDA và giám sát thi công) để xem xét điều chỉnh theo quy định và kế hoạch hoàn thành trong tháng 4/2019.

Chúng tôi cũng đã chủ động làm việc với cơ quan công an để khoanh vùng những sai phạm (nếu có) của nhà đầu tư Công ty Yên Khánh. Ngoài ra, còn có nhiều nội dung mà nhà đầu tư chúng tôi đã thực hiện và đang chờ ý kiến của Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang để thực hiện như: các biểu, mẫu (điều chỉnh Hợp đồng BOT, quyết định phê duyệt điều chỉnh BCNCKT...) để thống nhất áp dụng cho dự án; Phụ lục hợp đồng; Việc rà soát toàn diện về hồ sơ BCNCKT và TKBVTC của dự án (gồm đề xuất các giải pháp kỹ thuật điều chỉnh, bổ sung so với thiết kế đã được phê duyệt nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công) đã được HĐNTNN thông báo tại văn bản số 69/TTHĐNTNN-CTTĐ ngày 17/4/2019. Tư vấn đã cập nhật, đang hoàn thiện hồ sơ và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 4/2019, doanh nghiệp sẽ trình Bộ GTVT (Cục QLXD & CLCTGT) và UBND tỉnh Tiền Giang để xem xét, thẩm định và phê duyệt.

Trên cơ sở đó, tại cuộc họp chiều 19/4, chúng tôi đã nêu ra những kiến nghị cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với Bộ GTVT, chúng tôi kiến nghị cần thống nhất việc cập nhật lại tổng mức đầu tư và dự toán áp dụng giá vật tư, vật liệu theo Thông báo giá vật liệu do UBND tỉnh Tiền Giang ban hành đúng theo hướng dẫn tại Thông tư 06/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Trong khi chờ ký Phụ lục Hợp đồng điều chỉnh, đề nghị Bộ GTVT thống nhất không áp dụng các nội dung quy định không phù hợp về lựa chọn nhà thầu trong Hợp đồng trước đây (do quyết định số 4255/QĐ-BGTVT đã bãi bỏ).

Về phía UBND tỉnh Tiền Giang, chúng tôi kiến nghị cần xem xét có ý kiến về Phụ lục hợp đồng để ký kết, đảm bảo cơ sở pháp lý để triển khai các công việc tiếp theo. Đồng thời phối hợp với các địa phương lân cận đảm bảo nguồn và giá cả vật tư, vật liệu phục vụ thi công dự án. Và trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 99/TB-VPCP, nguồn vốn Ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án 2.186 tỷ đồng, đề nghị tạm ứng nguồn ngân sách địa phương để chi trả phần GPMB còn lại và các chi phí của Dự án.

Ngoài ra, các bên liên quan dự án cần phải thống nhất các mốc tiến độ thực hiện liên quan đến trách nhiệm của Bộ GTVT, địa phương, ngân hàng, nhà đầu tư và nhà thầu, để báo cáo Thủ tướng phê duyệt tổng tiến độ điều chỉnh đảm bảo việc thông tuyến vào năm 2020.

Trong trường hợp bất khả kháng, không thực hiện được thì cùng thống nhất tham vấn ý kiến các cơ quan chuyên môn: HĐNTNN, KTNN,Thanh tra công vụ... để xem xét trách nhiệm, lựa chọn giải pháp nhằm tiếp tục điều chỉnh tiến độ phù hợp với điều kiện thực tế của dự án, kiên quyết không để lỗi hẹn thêm nữa với người dân ĐBSCL.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận luôn được lãnh đạo Đảng, nhà nước và Chính phủ hết sức quan tâm

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận luôn được lãnh đạo Đảng, nhà nước và Chính phủ hết sức quan tâm

*Theo ông, có những dấu hiệu tích cực nào được các bên cam kết phối hợp, hỗ trợ, chỉ đạo tốt hơn với DA, để tất cả cùng quyết tâm thực hiện đúng chỉ đạo của TTCP tại thông báo số 99, nhằm hiện thực hóa lời hứa của Thủ tướng với nhân dân Miền Tây?

- Ông Mai Mạnh Hồng: Qua buổi họp chiều nay, chúng tôi nhận thấy nhiều dấu hiệu rất tích cực, thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng thực hiện thắng lợi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 99.

Sau khi lắng nghe, ghi nhận báo cáo, ý kiến từ lãnh đạo tỉnh Tiền Giang (đại diện CQNNCTQ), nhà đầu tư mới là Công ty CP BOT TL-MT,… Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã đánh giá cao tinh thần quyết tâm, tập trung nhân lực để tháo gỡ khó khắn cho dự án của cả hệ thống chính trị tỉnh Tiền Giang và sự triển khai rầm rộ, khẩn trương của nhà đầu tư mới. Nhưng ông cũng lưu ý tỉnh Tiền Giang cần phải sớm đưa ra phương án tài chính để thúc đẩy tiến độ dự án vì đây là dự án rất quan trọng. Nếu khó khăn trong việc tính toán phương án tài chính thì có thể tham vấn Bộ GTVT. Đồng thời nên bám sát vào phương án mà Thủ tướng đã đồng ý, không nên bị động, chờ đợi.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đồng thuận với các ý kiến đề xuất của Công ty CP BOT TL-MT đưa ra tại cuộc họp. Vấn đề nào vướng mắc ở Bộ thì Bộ phải nhanh chóng giải quyết. Còn vấn đề nào thuộc trách nhiệm của tỉnh thì tỉnh Tiền Giang cũng cần phải chủ động, tích cực chỉ đạo tháo gỡ, không thể dừng mãi được, vì quỹ thời gian còn lại rất eo hẹp.

Bộ trưởng cũng yêu cầu tỉnh Tiền Giang không nên thận quá mức, làm phức tạp thêm một dự án vốn đã vướng nhiều vấn đề phức tạp và kéo dài thêm thời gian cho dự án vốn đã kéo quá dài thời gian. Nếu cần thiết, UBND tỉnh Tiền Giang có thể kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì một cuộc họp để kết luận luôn chứ không nên gửi văn bản hỏi ý kiến lòng vòng, làm mất thời gian trong những khâu không cần thiết.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các bên phải nỗ lực tích cực phối hợp với nhau nhịp nhàng, tránh tình trạng đổ trách nhiệm lẫn nhau, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình. Ông cũng yêu cầu, hạn chót đến ngày 30/6/2019, UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận phải thực hiện ký hợp đồng điều chỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh rằng, chúng ta phải thực hiện thành công cho bằng được thông báo kết luận số 99 của Thủ tướng Chính phủ là thông tuyến dự án vào năm 2020. Tuy tiến độ dự án là yêu cầu cấp bách, nhưng đảm bảo chất lượng công trình vẫn là yêu cầu quan trọng nhất của cao tốc TL-MT.

*Vâng xin cám ơn ông!

Theo:Báo Pháp Luật