Lợi gì khi áp dụng BIM trong công trình hạ tầng giao thông?

06/05/2023

BIM (mô hình thông tin xây dựng) là việc số hóa các thông tin của công trình, thể hiện thông qua mô hình không gian ba chiều (3D).

Giảm tác động của công trình xây dựng tới môi trường

Sáng nay (6/5), tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo trực tuyến “Áp dụng BIM trong công trình hạ tầng giao thông - Thách thức và giải pháp”.

Theo các chuyên gia, áp dụng BIM giúp quản lý, sử dụng tài nguyên và tối ưu hóa sử dụng năng lượng, giảm lượng chất thải xây dựng (Ảnh: Tạ Hải)

PGS.TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN cho rằng, ứng dụng BIM giúp dễ hình dung dự án ngay từ giai đoạn khảo sát. Điều này còn thuận tiện trong việc kiểm tra các phương án thiết kế, kiểm tra thông tin ngay trên mô hình 3D nên các yếu tố kỹ thuật thiết kế có thể kiểm soát.

Ngoài ra, trong giai đoạn thi công, áp dụng BIM có thể hình dung được các vấn đề trong quá trình thi công khi cập nhật các hạng mục thi công, đặc biệt tổ chức thi công. Đồng thời, về chi phí tổng dự án cũng có thể kiểm soát các thông số kỹ thuật nhằm giảm chi phí, cũng như giảm các phát sinh trong lúc thi công do lỗi thiết kế.

Ông Nguyễn Huy Bình, Giám đốc bộ phận iBIM Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam lại có góc nhìn tăng trưởng xanh trong giao thông vận tải.

Ông Bình nhận định, ứng dụng BIM giúp giảm thiểu tác động của các công trình xây dựng đến môi trường và đô thị, giảm ùn tắc, giảm khí thải, đảm bảo an toàn cho công nhân và người lưu thông trên đường.

“Sử dụng BIM có thể giúp thiết kế các công trình xây dựng phù hợp với quy hoạch và môi trường xung quanh. Mô hình cũng giúp quản lý sử dụng tài nguyên và tối ưu hóa sử dụng năng lượng, giảm lượng chất thải xây dựng sinh ra trong quá trình xây dựng và vận hành công trình”, ông Bình nhấn mạnh.

Khẳng định BIM là công cụ để hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước (thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng…), ông Tạ Ngọc Bình, Viện Kinh tế xây dựng cho biết, mục tiêu của lộ trình áp dụng BIM với chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu là tăng cường trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng.

Cùng đó, nâng cao chất lượng sản phẩm thiết kế, hỗ trợ xây dựng phương án tổ chức thi công, tổ chức và quản lý các nguồn lực trong quá trình xây dựng, kiểm soát chất lượng xây dựng.

Chưa đồng bộ để ứng dụng BIM trong xây dựng hạ tầng giao thông

Các diễn giả đưa ra những thực trạng và thách thức trong vấn đề áp dụng BIM trong công trình hạ tầng giao thông

Hiện nay, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đang được thiết kế bản vẽ thi công và bước đầu triển khai thi công. Đánh giá về triển vọng áp dụng BIM cho một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, Tổng giám đốc Công ty CP Ideco Việt Nam Trần Văn Tâm cho rằng, nên áp dụng BIM cho toàn bộ vòng đời dự án từ khi lên ý tưởng đến thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, đến triển khai thi công và đưa công trình vào sử dụng. Các quá trình có tính kế thừa, giai đoạn sau sử dụng kết quả của giai đoạn trước.

Tuy nhiên, khi không có điều kiện áp dụng cho toàn bộ vòng đời thì trong từng thời điểm, nếu lựa chọn quy mô và mức độ áp dụng BIM hợp lý cũng có thể phát huy hiệu quả theo mục tiêu đề ra.

Ông Tâm quan điểm, BIM có ưu điểm trong quản lý tiến độ, sản lượng và chất lượng thi công. Do đó, có thể áp dụng với mục tiêu cụ thể là quản lý tiến độ, sản lượng, chất lượng công trình, đảm bảo sớm đưa công trình vào khai thác, phục vụ sự phát triển kinh tế của đất nước.

Mặt khác, với hệ thống hàng nghìn km đường cao tốc đang được đầu tư xây dựng, việc quản lý vận hành sao cho hiệu quả cũng đang được đặt ra. Có thể ứng dụng BIM với mức độ hợp lý và mục tiêu cụ thể trong giai đoạn này là cơ sở dữ liệu để tiếp tục tận dụng cho giai đoạn sau.

Với cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, ông Tâm cho rằng, có thể áp dụng BIM ở 2 mức độ. Cụ thể, các kết cấu như hầm, cầu phức tạp, nếu chưa có thiết kế bản vẽ thi công chi tiết, có thể áp dụng BIM để mô hình, xuất bản vẽ, khối lượng từ mô hình đảm bảo độ chính xác cao. Đồng thời, sử dụng mô hình BIM để quản lý chất lượng, tiến độ và sản lượng công trình.

Với các phần còn lại, có thể mô hình hóa với mức độ chi tiết một cách phù hợp để phục vụ công tác quản lý chất lượng, tiến độ và sản lượng công trình. Sau khi hoàn thành công trình, tiến hành cập nhật mô hình BIM hoàn công để phục vụ cho việc quản lý, vận hành sau này.

Tuy nhiên, áp dụng BIM trong công trình hạ tầng giao thông cũng không dễ dàng. TS. Phan Hữu Duy Quốc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Searefico E&C cho biết ở Việt Nam, việc áp dụng BIM cho công trình xây dựng bắt đầu từ những năm 2014 - 2015, chủ yếu là ở các công ty xây dựng hoặc tư vấn liên quan đến mảng xây dựng dân dụng. Ở mảng hạ tầng, việc áp dụng BIM chậm hơn và chưa phổ biến.

Do đó thời điểm này, áp dụng BIM cho công trình hạ tầng có thể sẽ gặp khó khăn vì chưa có sự đồng bộ và sẵn sàng của mọi thành phần liên quan trong chuỗi giá trị liên quan đến công trình hạ tầng, đặc biệt là chủ đầu tư, cơ quan thẩm định, phê duyệt thiết kế.

“Áp dụng BIM không phụ thuộc vào quyết tâm của một nhóm người mà cần có sự đồng bộ. Chủ đầu tư có thể quyết định quy mô áp dụng BIM phù hợp với nguồn lực của mình và nguồn lực của các bên liên quan”, ông Quốc nói.

Nói về những khó khăn khi áp dụng BIM trong doanh nghiệp, PGS.TS. Trần Chủng phân tích, doanh nghiệp phải trang bị máy móc tiên tiến, phần mềm, máy tính cấu hình cao để thực hiện, làm tăng chi phí.

“Doanh nghiệp cũng phải đào tạo nhân sự biết sử dụng các phần mềm, sử dụng thiết bị công nghệ số và xây dựng quy trình làm việc BIM cho công ty nên phải có đội ngũ am hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ”, ông Chủng nói và cho biết thêm, quy định của Nhà nước cũng chưa hoàn thiện cho các công tác BIM trong tính khối lượng từ mô hình 3D, đơn giá định mức. Vì vậy, doanh nghiệp có thể phải cùng lúc hoàn thành hai bộ hồ sơ pháp lý của dự án.

Từ đây, PGS.TS. Trần Chủng đề xuất cơ quan, ban, ngành phải có quy định pháp luật về áp dụng BIM thật rõ ràng, từ mục tiêu áp dụng, mức độ chi tiết, cách phối hợp giữa các bên tham gia dự án và sự thừa nhận tính pháp lý của hồ sơ BIM. Sớm chấm dứt tồn tại cùng một dự án có 2 loại hồ sơ pháp lý.

“Phải xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật về BIM để phối hợp và khai thác thống nhất để có thể sử dụng dữ liệu từ mô hình ở mọi cấp độ, cũng như xây dựng bộ đơn giá định mức mới. Phải có chi phí để khuyến khích áp dụng BIM và đào tạo nhân sự quản lý mô hình, nhân sự dựng hình mới tạo được hệ thống từ tạo lập đến xử lý thông tin từ mô hình này”, ông Chủng chia sẻ.

Hồ An

Theo:https://www.baogiaothong.vn/loi-gi-khi-ap-dung-bim-trong-cong-trinh-ha-tang-giao-thong-d590083.html