Là một trong các phương thức huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đã và đang trở thành mô hình hợp tác có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước (NSNN). Bên cạnh những kết quả đạt được, việc huy động nguồn lực đầu tư PPP đang gặp nhiều trở ngại, cũng như quá trình triển khai dự án PPP còn nhiều bất cập, làm giảm hiệu quả đầu tư.
Do đó, việc nhận diện thực trạng, nguyên nhân, từ đó có giải pháp để thu hút, nâng cao hiệu quả đầu tư PPP là một trong những vấn đề được cơ quan quản lý, Kiểm toán nhà nước (KTNN), các đại biểu Quốc hội và xã hội quan tâm.
BÀI 1: Hợp tác công - tư tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế
Chủ trương đẩy mạnh đầu tư theo hình thức dự án PPP của Đảng và Nhà nước trong những năm qua được đánh giá là hết sức đúng đắn và cần thiết. Các dự án PPP đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân thông qua việc cải thiện kết cấu hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông, đô thị; từ đó tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Rộng mở chính sách thu hút hợp tác công - tư
Là một quốc gia đang phát triển, có xuất phát điểm thấp hơn so với các nước và chịu tác động của chiến tranh, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, do đó, một trong những định hướng quan trọng trong phát triển đất nước được Đảng, Nhà nước ta đặt ra, đó là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế - xã hội.
Đây cũng là 1 trong 3 đột phá chiến lược đề ra tại Đại hội lần thứ XI, XII và được Đại hội XIII của Đảng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Để thực hiện được đột phá chiến lược này, Đảng đã xác định cần tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách… để huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.
Thể chế hóa đường lối của Đảng, ngày 18/6/2020, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP; trong đó quy định về công tác quản lý nhà nước, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.
Khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương, định hướng của Đảng về thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước - cho biết, việc thu hút vốn tư nhân theo phương thức PPP (tập trung chủ yếu là hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trong lĩnh vực giao thông, năng lượng điện và một số lĩnh vực khác đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng của đất nước.
Đặc biệt, bên cạnh việc tạo dựng hành lang pháp lý, quy định chính sách ưu đãi, Nhà nước cũng có quy định nhằm đảm bảo hiệu quả của các hoạt động đầu tư thông qua việc phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là sự tham gia của KTNN.
Điều này được thể hiện rõ tại Điều 85 Luật Đầu tư theo phương thức PPP: “Kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công tham gia vào dự án PPP theo quy định của pháp luật về KTNN”.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp), việc quy định KTNN kiểm toán đối với dự án PPP sẽ giúp cho Nhà nước có thêm kênh giám sát đầu tư theo hình thức này hiệu quả hơn, không làm ảnh hưởng đến sự thu hút của các nhà đầu tư tư nhân, công tác quản lý đầu tư cũng được thực hiện một cách minh bạch và đúng pháp luật.
“Đối với các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, thể chế thông thoáng, môi trường kinh doanh minh bạch là một trong những yếu tố quan trọng để họ tham gia đầu tư, nhất là trong bối cảnh pháp luật Việt Nam đang có sự hội nhập với thế giới” - đại biểu Hòa cho biết.
Hiện đại hóa hạ tầng, tạo động lực đổi mới
Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (qua Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa) là dự án trọng điểm quốc gia do Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả thực hiện.
Nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, sự hỗ trợ của các địa phương, đến nay, toàn bộ các công trình dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác theo đúng mục tiêu đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh duyên hải miền Trung.
Dự án được Bộ Giao thông vận tải đánh giá là mô hình đầu tư PPP thành công nhất từ trước đến nay, là cơ sở thực tiễn để cơ quan nhà nước và các bên liên quan nghiên cứu, hoàn thiện mô hình đầu tư theo phương thức PPP lĩnh vực giao thông.
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến năm 2019, cả nước có 336 dự án PPP, trong đó có 140 dự án theo hợp đồng BOT, 188 dự án theo hợp đồng BT và 8 dự án được áp dụng các loại hợp đồng khác; huy động được khoảng 1,6 triệu tỷ đồng vào đầu tư kết cấu hạ tầng quốc gia. Phương thức PPP đã góp phần quan trọng huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư xây dựng hạ tầng hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thông tin tại Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức PPP trong phát triển một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam” diễn ra mới đây, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cho biết, các dự án PPP mới thực hiện theo Luật Đầu tư theo phương thức PPP đều là các dự án trọng điểm, quy mô lớn của quốc gia, địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 235.000 tỷ đồng.
“Các dự án này khi hoàn thành dự kiến sẽ hình thành gần 700km đường cao tốc, 2 cảng hàng không quốc tế, góp phần nâng cao cơ sở hạ tầng của quốc gia và một số địa phương” - ông An nói và cho biết thêm, thông qua các dự án này, dự kiến huy động được gần 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng.
Theo GS,TS. Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, những dự án PPP đã góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải…, kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân và nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kích cầu đối với sản xuất trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhìn vào những con số thống kê liên quan đến tình trạng xử lý và giải quyết chi phí hạ tầng, ông Donald Lambert - Chuyên gia về kinh tế tư nhân của Ngân hàng Phát triển châu Á - đánh giá, hạ tầng ở Việt Nam chưa thực sự phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP từ 6-7%. Do đó, Việt Nam cần phải quan tâm nhiều hơn đến hạ tầng để có thể duy trì được cả về số lượng và chất lượng tăng trưởng. Trong đó, PPP chính là công cụ bền vững, là câu trả lời hiệu quả cho việc thu hút vốn đầu tư hạ tầng.
N. LỘC - N. HỒNG